Bác sỹ mặc áo lính
(Cadn.com.vn) - Luôn trăn trở trước những sự cố đáng tiếc khi ngư dân bị nạn trên biển mà không thể tiếp cứu kịp, người bác sỹ ấy đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để xây dựng đề án "Công tác bảo đảm quân-dân y kết hợp cho tàu đánh bắt cá xa bờ".
Đó là Thượng tá Trần Xuân Vinh-Bác sĩ Chuyên khoa 1, Thầy thuốc ưu tú, Chủ nhiệm Quân y Vùng 3 Hải quân. Gắn bó với nghề y từ năm 1980 sau khi tốt nghiệp lớp quân y sĩ, anh đã tình nguyện ra đảo Phan Vinh công tác. Ngày đó, thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế trên đảo khan hiếm nên mỗi kỳ về đất liền nghỉ phép, khi trở ra anh thường xin tiền bố mẹ mua thêm thuốc men, bông băng...
Và anh còn được biết đến là một bác sĩ châm cứu giỏi. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Học viện Quân y, anh về công tác tại Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân. Những chuyến cùng các biên đội tàu huấn luyện chiến đấu, hoặc qua các lần trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, anh đã thấm thía nỗi khó khăn, vất vả của ngư dân khi đánh bắt trên biển và đề xuất đề án "Bảo đảm quân-dân y kết hợp cho tàu đánh bắt cá xa bờ".
Bác sĩ Trần Xuân Vinh |
Công tác bảo đảm y tế cho tàu cá đánh bắt xa bờ, lâu nay chưa được đề cập và phổ biến rộng rãi, nếu không muốn nói là đang còn bỏ ngỏ. Sau nhiều suy nghĩ, trăn trở, bác sỹ Vinh đề xuất với Bộ Tư lệnh Vùng xây dựng thí điểm mô hình công tác bảo đảm quân-dân y kết hợp cho một số tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng. Đầu tiên là việc mở lớp tập huấn kỹ thuật cấp cứu và trang bị kiến thức vệ sinh phòng dịch, hướng dẫn cách sử dụng một số loại thuốc thông thường.
Sau thời gian tập huấn, 20 tàu, thuyền được chọn của ngư dân đã nắm vững một số biện pháp như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, băng bó cố định gãy xương, cầm máu tạm thời và cứu vớt người bị nạn... Đồng thời, mỗi tàu được trang bị một túi thuốc quân y và một số phương tiện y tế. Sau khi học lý thuyết, việc thực hành ngay tại ngư trường cũng được anh cùng đồng đội triển khai. Các bác sỹ quân y sĩ cũng cùng tham gia để theo dõi và trực tiếp chỉ huy công tác cứu nạn và sơ cấp cứu ban đầu...
Sau đợt thực hành đó, 100% ngư dân trên 20 tàu đã sử dụng thành thạo một số kỹ thuật cấp cứu, sử dụng thuốc thông thường. Kết quả đạt được rất khả quan, các loại bệnh như: bệnh đường tiêu hóa, sốt, các vết thương phần mềm do tai nạn lao động giảm nhiều. Không chỉ vậy, một số loại bệnh điều trị khỏi ngay tại tàu chỉ sau vài ngày như: bệnh đường tiêu hóa, sốt, vết thương phần mềm...
Từ kết quả đó, bác sỹ Trần Xuân Vinh đã đề xuất một số giải pháp cơ bản như: quân y các Vùng Hải quân cần phối hợp với y tế địa phương nghiên cứu các phương pháp tổ chức huấn luyện y tế thường xuyên cho ngư dân; trang bị thuốc men, phương tiện cấp cứu gọn nhẹ đơn giản, dễ sử dụng; huấn luyện cho đội ngũ quân, dân y thuần thục về chuyên môn, biết tổ chức cấp cứu và cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Là Chủ nhiệm Quân y Vùng, trong những năm qua, Thượng tá Trần Xuân Vinh thường xuyên coi trọng xây dựng ngành quân y Vùng 3 Hải quân vững mạnh về mọi mặt; chủ động đề xuất với Bộ Tư lệnh Vùng và Phòng Quân y Hải quân về công tác đảm bảo quân y cho các tàu hải quân xuất phát nhanh và các tàu thuyền của ngư dân ở khu vực miền trung, trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Với những cống hiến xuất sắc, bác sĩ Trần Xuân Vinh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai; danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; được Bộ Quốc phòng tặng 2 Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng "Đơn vị Quân y 5 tốt"...
Bài, ảnh: Mộc Miên