Bác về Châu Tự Do

Thứ ba, 18/05/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi ngược bờ sông Đáy về phố huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên  Quang). Hai bên đường dọc theo nông trường chè Tân Trào, những bụi cây trinh nữ ngại nắng khép chặt lá lại. Những con suối lũ dềnh lên ào ào cuốn những cành cây gãy chảy ra sông. Từ đấy còn 12km nữa là đến Tân Trào- thủ đô lâm thời của cách mạng Việt Nam thời trước khởi nghĩa, chúng tôi dừng chân nghỉ ở huyện lỵ.

Sơn Dương những ngày tiền khởi nghĩa gọi là Châu Tự Do, cái tên gọi ấy có từ rằm tháng 3-1945. Đồng chí bí thư Huyện ủy, người đã từng theo thượng tướng Song Hào, kể cho chúng tôi nghe về một buổi sáng tinh mơ 65 năm trước. Sơn Dương ngày ấy nổi dậy bằng giáo mác và súng khai hậu cướp Châu đường, phá kho thóc, bắt các hào lý nộp ấn, sắc và triện đồng.

Từ đấy, Ủy ban nhân dân cách mạng Châu Tự Do ra đời. Lần từng bước đi trên con đường rải đá giữa huyện lỵ, dấu vết của những chiến công một phần tư thế kỷ trước và thành cũ Đăng Châu, cỏ lan mặt đất vẫn còn đó, Đăng Châu, cái thành đầy khủng khiếp của chế độ thực dân phong kiến miền núi, án ngữ trên ngã ba đường đi Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Yên đã kéo cờ trắng đầu hàng cách mạng sau những phút súng nổ quyết liệt của một phân đội Cứu quốc quân từ Khuổi Lịch (Tân Trào) kéo về.

Trung tuần tháng 5-1945, Bác từ Sơn Dương về Tân Trào. Anh Song Hào cùng một số đồng chí đến đình Hồng Thái (cửa ngõ của Tân Trào) đón Bác, xã Hồng Thái có một mái đình 5 gian dựng trên một khoảnh đất khá rộng, một cây đa xum xuê với 8 cành lớn ngả bóng mát che rợp mái đình. Bác dừng lại trước đình ngắm cảnh vật. Bác ngắm nhìn dãy lịch - nơi có phong trào chống thuế của nhân dân thôn Khe Thuyền từ tháng 10-1943, những dòng khe xinh đẹp, uyển chuyển: đây khe Bòng, suối Thia, kia ngòi Sung, khe Cả chằng chịt dọc ngang vây quanh các bản đồng bào Tày, đồng bào Trại rồi chảy ra ngòi Thung nhập vào sông Đáy.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc bên lán Nà Lừa, Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng (8-1945).

Những ruộng lúa phì nhiêu, những vườn cây ăn quả, bãi chuối xanh rậm bên những bờ sông, ven suối. Bác có vẻ hài lòng với cảnh núi non và dân cư ở vị trí xung yếu này. Bác cho nơi này là đất dụng binh được “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Ở đây có đường qua đèo De, đường đi Thanh La, đường về Minh Khai và từ các nơi ấy ta có thể đi Bắc Thái, Cao Bằng, qua Vĩnh Yên, Phú Thọ, hoặc về tận Hà Giang, Yên Bái...

Hồi ấy, dân bản gọi Bác là “đồng chí già” hoặc “đồng chí cụ”, cũng có khi gọi là “đồng chí thượng cấp”. Bà con trong bản thấy ông cụ đã cao tuổi, không biết từ bản nào về mà chăm chỉ lạ thường. Việc gì cụ cũng làm, ai ai cụ cũng thương yêu, chăm sóc. Lúc gà rừng vừa vỗ cánh gáy chào rạng đông, cụ đã dậy, vác ống bương đi lấy nước dưới suối. Ông cụ quét nhà, tưới rau, hoặc có khi đắp lại mương nước ở bờ ruộng. Làm xong những việc lặt vặt ấy cụ mới ngồi vào chiếu, bên bàn máy chữ đặt trên khúc gỗ để làm việc, tiếng máy chữ tí tích đều đều và có lúc rất khẩn trương. Cũng từ đây những lời hiệu triệu, bản chỉ thị kêu gọi đồng bào đánh Tây, đánh Nhật, cướp chính quyền giành tự do, những bức thư ký tên Hồ Chí Minh tung khắp núi rừng, về trung du, xuống tận đồng bằng, truyền đi khắp nước.

Ban ngày bận việc, tối tối, Bác dành ít thì giờ gặp gỡ dân bản. Tiếng lành đồn xa, các gia đình quanh xóm đến thăm “đồng chí già”, nghe đồng chí kể chuyện đánh Tây, Nhật nhất là những lời khuyên bảo của đồng chí về việc tăng gia, tiết kiệm, về học tập, về tình hình thời sự... Cách giáo dục của Bác bao giờ cũng nhẹ nhàng, nhưng rất sâu sắc. Buổi đầu tiếp xúc có một câu chuyện nhỏ mà dân bản vẫn nhớ mãi đến giờ.

Đình Hồng Thái. 

Hôm đó là một đêm hè, Bác cùng các mế (mẹ), các cụ, các chị quây quần trò chuyện bên bếp. Chuyện vui Bác hỏi:

- Bà con ta có biết trên đời này cái gì quý nhất?

Nhiều chị tranh nhau trả lời. Người thì nói “cái nhà quý nhất”, kẻ thì cho “chiếc cày quý nhất”, “con trâu quý nhất”, có chị nói to:

- Thưa đồng chí thượng cấp, đồng bạc trắng (1) quý nhất.

Tất cả đều đồng ý:

- Đồng bạc trắng là quý nhất!

Bác cười có vẻ đồng tình, nhưng Bác hỏi thêm:

 - Đồng bạc quý nhất thì cất giấu ở đâu cho kín?

- Thưa “đồng chí già” giắt ở mái nhà ạ!

Một vài ý kiến khác:

- Chôn dưới đất ạ!

- Cài trên đầu cũng kín ạ!

Nhiều câu trả lời làm cuộc trò chuyện thêm sôi nổi. Bác thong thả giải thích:

- Đồng bạc là quý thật, muốn giữ kín, chôn giấu chỗ nào cũng được, mất có thể tìm và làm ra được. Nhưng cán bộ, bộ đội Cứu quốc quân về đây hoạt động, họ còn quý hơn tiền bạc. Có họ thì có tất cả. Họ là người cùng ta đánh Tây, đánh Nhật, là tôi tớ của dân. Nước độc lập tự do thì nhà cửa, trâu bò, cày bừa, tiền bạc đều có. Vậy ta phải giữ kín họ.

Một bà mẹ thắc mắc:

- Làm thế nào giữ kín được, thưa cụ?

Bác im lặng một lúc, xem mọi người còn ai hỏi thêm điều gì không, cuối cùng Bác bảo:

Muốn giữ kín họ phải thực hiện “ba không”. Có người lạ mặt thì nói “không nghe”, “không thấy” hoặc “không biết”. Có như vậy mới bảo vệ được cán bộ, bảo vệ được khu căn cứ.

Tất cả mọi người đều cười vui rung cả sàn nhà, và cứ thế một vài đêm sau cả bản họp lại để nghe “đồng chí già” trò chuyện một vấn đề khác...

Và cũng từ đấy, cán bộ, cơ quan Trung ương, rồi Đại hội, nhà in, máy móc di chuyển đi về nườm nượp suốt đêm nhưng bí mật vẫn được giữ kín tuyệt đối. Lòng dân ở đây đối với Bác, với cách mạng, với A.T.K (an toàn khu) thật vô bến bờ.

Chúng tôi men theo ngòi Khôn Pén, qua Khao Nhì, về ghé thăm đình Tân Trào, một ngôi đình nhỏ lợp bằng cọ, nơi diễn ra một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. 14 giờ 30 ngày 16-8-1945, Đại hội đại biểu Quốc dân nhóm họp tại đây. Hơn 60 đại biểu khắp các tỉnh ở ba miền Trung, Nam, Bắc, Việt kiều ở Xiêm, Lào kéo về chật cả ngôi đình, mở hội non sông. Đồng chí Trường Chinh báo cáo trước Quốc dân Đại hội về vấn đề chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và thành lập ủy ban giải phóng dân tộc. Đại hội cử Bác làm Chủ tịch ủy ban. Đó là Chính phủ lâm thời và là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của ta. Tại nơi đây, cụ Hồ Chí Minh lần đầu ra mắt đại biểu QUốC dân, ngay chiều hôm đó, dưới gốc đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng trên mô đất cao đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa. Tân Trào từ đấy thật sự trở thành thủ đô lâm thời và là đại bản doanh của quân cách mạng.

Trước cơ hội ngàn năm có một, Việt Nam giải phóng quân tiến về chiếm Thái Nguyên. Các đơn vị giải phóng quân từ các chiến khu kéo về các tỉnh cùng nhân dân nhất tề nổi lên giành lấy chính quyền, mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa truyền đi từ Tân Trào ngày 18-5-1945, thì Hà Nội khởi nghĩa ngày 19-8, Huế ngày 23-8 và Sài Gòn ngày 25-8. Chỉ trong vòng một tuần lễ, nhân dân ta đã đứng lên giải phóng toàn bộ đất nước. Sức lay trời chuyển đất của Đại hội Tân Trào là thế. “Dù đốt cháy dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”, lời Bác như chim bằng dang rộng cánh, đó là lời của tổ tiên 4.000 năm giục ta lên đường xông trận.

Chiều hôm đến Tân Trào, đứng trên chiếc xe bánh xích ủi đất mở đường, chúng tôi ngắm mãi ngôi đình làng cũ, mái lá vừa được lợp lại, nắng thu nhuộm vàng, vẳng nghe như từ trong nhang án giữa đình vọng lên lời hiệu triệu của Bác bao năm trước. Cây đa Tân Trào giờ đây theo thời gian đã có phần già nua. Chỗ mảnh đất dưới gốc đa Tân Trào, nơi Bác thường nói chuyện với cán bộ, học sinh trường quân chính giờ đây nhân dân địa phương dựng lên một nhà trẻ rộng thoáng, còn thơm mùi gỗ mới. Tân Trào đã có trường cấp II, cấp III, có bệnh xá nhà hộ sinh, có loa truyền thanh, có tivi... “Có độc lập tự do, thì có tất cả”, những điều Bác giải thích cho đồng bào Tân Trào ngày xưa, nay thành sự thực.

Bút ký: Đoàn Minh Tuấn