Dĩ vãng một làng nghề

Bài 1: Lao đao vì máy dệt Trung Quốc

Thứ tư, 19/07/2017 11:31

Một thời, cả làng nghề dệt Mã Châu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đổ xô vay mượn để mua về chiếc máy dệt từ Trung Quốc. Những tưởng từ đây những khung dệt thủ công đã vĩnh viễn bị thay thế bởi máy dệt công nghiệp. Thế nhưng chỉ được vài năm khi hàng nghìn chiếc máy dệt đã “phủ sóng” khắp làng nghề cũng là lúc Trung Quốc xuất hàng ngược lại sang Việt Nam. Với công nghệ hiện đại giá thành rẻ hơn, số vải dệt ra của làng Mã Châu không cạnh tranh được với thị trường Trung Quốc đông và mạnh. Thế là người làng Mã Châu lao đao...

Làng dệt chỉ còn vài hộ nhận gia công cho các doanh nghiệp.

Tới Châu Hiệp hôm nay, bóng dáng làng nghề chỉ còn trong cái tên, người dệt vải và nghề dệt vải chỉ còn là dĩ vãng. Cơn lốc hiện đại hóa đã thổi bay một cái nghề đã tồn tại suốt mấy trăm năm và người làng nghề đã thực sự quay lưng với nghề dệt. Chỉ trong một thời gian ngắn từ sau năm 2000, Mã Châu đã có đến gần 3.000 khung dệt, trong đó máy dệt kiếm lên đến gần 600 chiếc và mỗi năm sản xuất ra khoảng 20 triệu mét vải các loại xuất đi khắp nơi trên cả nước. Để mở rộng quy mô sản xuất, hàng chục doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng từ 1 - 5 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, mua nguyên liệu cũng như chi phí sản xuất. Chỉ riêng nghề dệt đã có 1.800 lao động địa phương. Thế nhưng, từ đầu năm 2008 đến nay, làng nghề dệt vải Mã Châu đã lâm vào cảnh khốn khó và đứng trước bờ vực phá sản khi giá nguyên liệu tăng cao trong khi sản phẩm tiêu thụ chậm.

Gian nhà chính của gia đình bà Trương Thị May (68  tuổi) chỉ được xây bằng những viên gạch không tô nhưng gian nhà để máy dệt lại được xây khang trang, cao ráo để bảo vệ những chiếc máy dệt khỏi những trận lụt. Từ sau năm 2008, khi chấp nhận lỗ vốn bán máy dệt, căn nhà khang trang ấy cũng chỉ để làm nhà kho chứa lúa. Nói về nghề dệt, bà May thở dài: “Cũng vì mấy cái máy dệt mà lâm nợ nần. Bao nhiêu năm nay từ ngày bán máy cả nhà tôi vẫn chưa có việc gì làm cho ổn định. Số tiền bán máy dệt cũng không bù lại được khoản vay 300 triệu đồng”. Lúc đó, khi đầu tư 4 chiếc máy dệt, bà May khấp khởi mừng khi hàng làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. “Hồi đó sáng sớm là phải dậy coi máy tới tối mịt, vải làm ra bao nhiêu cũng không đủ xuất đi. Cả làng này nhà giàu nhà nghèo cũng đều dệt hết. Nhà tôi cũng từ cơ sở nhỏ mà xây dựng lên khang trang phải kêu thêm thợ về coi nhưng đến năm 2008 thì mọi thứ như sụp đổ khi đùng một cái, đầu ra không có, thương lái thì biệt tăm”. Bà May lý giải, những chiếc máy dệt mà dân làng mua từ Trung Quốc thực chất là những chiếc máy dệt họ đã sử dụng vào những năm 1990, 1991. Sau này công nghệ của Trung Quốc tiên tiến và hiện đại hơn liền bán lại những chiếc máy dệt giá rẻ về Việt Nam. Đến khi đã thanh lý hết số máy dệt tồn kho thì Trung Quốc lại tiếp tục xuất hàng sang Việt Nam để cạnh tranh với chính công nghệ cũ của mình. “Chỉ một buổi sáng thức dậy, cả làng ai cũng lâm vào bế tắc. Hàng của họ đẹp, đa dạng và rẻ hơn trong khi lâu nay chúng tôi hoàn toàn không hiểu về thị trường, chỉ biết dệt và dệt. Mình chỉ là nông dân đâu có biết gì đến tính toán, quảng bá sản phẩm. Chính vì vậy mà mất đầu ra là mất hết. Những nhà còn trụ lại được tới bây giờ là vì họ có vốn, có nghề khác làm song song chứ nếu chỉ dệt không thì làm không đủ chi phí trả nợ máy”, bà May phân tích.Trong cơn biến động, nhiều thanh niên đã di cư vào làng dệt Bảy Hiền (TP Hồ Chí Minh) để tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó đến nay đây cũng là đầu ra duy nhất ổn định của những hộ còn dệt trong làng.

Thôn Châu Hiệp có 716 hộ dân với 3.826 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nghề dệt nhưng hiện chỉ còn khoảng hơn  50 hộ còn dệt. Thống kê cho thấy có hơn 300 hộ đã bỏ hẳn nghề dệt để tìm sinh kế mới, phần lớn những hộ còn lại chỉ dệt thuê ăn sản phẩm hoặc chuyển hàng cho các doanh nghiệp. Ông  Lương Văn Minh-Trưởng thôn Châu Hiệp cho biết: “Hồi đó thấy nghề dệt hái ra tiền cả làng người này nối gót người kia mở nhà dệt. Theo phong trào thay đổi máy dệt từ khung khổ sang máy kiếm của Trung Quốc, ai cũng nghĩ sẽ cạnh trạnh được và hy vọng ngành dệt sống lại. Nhiều hộ bất chấp tất cả khi thế chấp nhà cửa để đầu tư máy, mỗi máy cũng hơn trăm triệu đồng. Cung nhiều hơn cầu, giá vải càng ngày càng sụt giảm từ 5 nghìn/ mét xuống còn 3 nghìn/mét tiền gia công. Thua lỗ, làng dệt càng ngày càng đi vào ngõ cụt”. Ông Nguyễn Thanh Quang-Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, không chỉ riêng làng nghề Mã Châu mà hầu hết những làng nghề các địa phương khác của Quảng Nam cũng như cả nước cũng đều lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Lý do bởi các làng nghề chưa có một doanh nghiệp đầu đàn làm đầu mối cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bản thân người làm nghề lại không đủ vốn để mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất hay cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Điều này dẫn đến việc sản phẩm chỉ tiêu thụ được một thời điểm nhất định rồi lâm vào bế tắc.

Đến Châu Hiệp hôm nay không còn nghe thấy tiếng máy dệt rập ràng, cũng không còn bóng dáng của sợi tơ, con kén. Làng dệt Mã Châu vang bóng một thời nay im ắng, đìu hiu…

HÀ DUNG
(còn nữa)