Bài 1: Người đi đường, tội phạm đều dè chừng “mắt thần”
Trước tình hình trên, Công an TP Đà Nẵng chủ động tham mưu cho UBND TP chủ trương và đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống camera trên toàn địa bàn. Kết quả thu về từ hệ thống giám sát này rất tích cực…
Với mục tiêu nâng cao khả năng giám sát, điều hành giao thông, xử lý vi phạm bằng hình ảnh và cung cấp thông tin giao thông qua Internet, từ cuối năm 2015, TP Đà Nẵng đã đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tại hơn 60 nút tín hiệu giao thông và hàng chục tuyến đường trọng điểm với tổng cộng trên dưới 300 camera, kinh phí đầu tư khoảng 110 tỷ đồng.
Các camera giám sát giao thông được lắp đặt với chất lượng cao cùng phần mềm xử lý đữ liệu hiện đại có khả năng tự động đo đếm lưu lượng, hỗ trợ truy vết các phương tiện ô-tô theo biển kiểm soát; phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ... Theo đó, dữ liệu các lỗi vi phạm giao thông được chia sẻ về Công an TP để xử lý theo thẩm quyền như chạy quá tốc độ, không tuân thủ tín hiệu đèn, đi sai làn đường; chia sẻ dữ liệu camera về Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh (Trung tâm IOC) phục vụ công tác phân tích, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND TP.
Dữ liệu từ camera cũng được sử dụng để áp dụng thí điểm các công nghệ điều khiển giao thông thông minh đang áp dụng tại nút Núi Thành - Phan Đăng Lưu (điều khiển theo mật độ phương tiện) và Hà Huy Tập - Huỳnh Ngọc Huệ (điều khiến theo chiều dài dòng chờ phương tiện) theo định hướng triển khai hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo làn sóng xanh trong tương lai.
Theo Sở GTVT, trong khoảng 7 năm qua, TP Đà Nẵng cũng đã phát triển mạng lưới cáp quang cho các camera quan sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại các điểm, nút giao quan trọng. Hệ thống camera giám sát giao thông hiện tại được kết nối thông qua hệ thống cáp quang truyền dẫn từ các nút giao/vị trí trên tuyến đã được đầu tư, kéo mới trong cống bể xây mới hoặc tận dụng trong cống bể có sẵn do Sở GTVT, các doanh nghiệp VNPT, Viettel quản lý và được kết nối về Trung tâm Điều hành đèn Tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng; từ đó kết nối về Trung tâm dữ liệu Công an TP và từ Trung tâm dữ liệu Công an TP về Trụ sở của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT).
Trong khi đó, dự án hệ thống camera giám sát ANTT tập trung vào những địa bàn trọng điểm, phức tạp hoặc tiềm ẩn phức tạp về ANTT, TTATGT, hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018 với hơn 1.800 camera giám sát lắp đặt tại 56/56 phường, xã và gắn liền với các tuyến giao thông, các kiệt, hẻm, khu dân cư phức tạp, tiềm ẩn phức tạp về giao thông, ANTT. Ngoài ra, hệ thống camera xã hội hóa trên địa bàn cũng phát triển lên tổng cộng khoảng 33.000 camera tính đến năm 2024. Các hệ thống này do lực lượng UBND, Công an phường, xã quản lý, vận hành, giám sát, phục vụ công tác đảm bảo ANTT tại địa phương, giúp tăng cường giám sát địa bàn, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội...
Việc “mắt thần” phủ sóng rộng khắp, tất cả người dân, du khách, thậm chí các đối tượng có chủ ý thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật phải dè chừng. Nguyễn Tiến Tr. (2003, quê Bình Định) là đối tượng chuyên trộm cắp tài sản tại các phòng trọ sinh viên trên địa bàn quận Liên Chiểu khi bị bắt bộc bạch rằng: Mỗi lần đột nhập trộm tài sản, Tr. thường hay “thị sát” khu vực điểm đột nhập xem có camera giám sát hay không rồi mới lên kế hoạch hành động. Sự “chu đáo” đó đã giúp Tr. thực hiện thành công nhiều vụ trộm điện thoại, laptop của sinh viên. Song dù tinh vi đến mấy, Tr. vẫn sa lưới pháp luật khi bị Công an bắt giữ, mà cũng chính từ việc trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera của tổ dân phố và những tuyến đường Tr. đi qua.
Liên quan đến TTATGT, chúng tôi gặp ông Đinh Quang T. (quê Ninh Bình) vào Đà Nẵng du lịch đến Phòng CSGT “giải quyết hậu quả” do vướng liên tiếp 3 lỗi vi phạm chạy ô-tô quá tốc độ cho phép (1 lỗi tại đường CMT8 và 2 lỗi ở đường Võ Nguyên Giáp) mà xót xa thay. Ông T. trải lòng: Do sơ ý không để ý biển báo quy định tốc độ nên chỉ 7 ngày đi du lịch cùng gia đình, hậu quả phải nộp phạt gần 20 triệu đồng. Kéo theo đó, giấy phép lái xe bị tước. “Bây giờ “mắt thần” phủ kín khắp các cung đường, khu phố, bản thân tôi sẽ phải dè chừng, nêu cao cảnh giác khi di chuyển đi bất cứ đâu, bằng không hậu quả khôn lường”, ông T. nói.
Không chỉ ông T. hàng chục người đến Đội Xử lý vi phạm giao thông (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) cũng tỏ ra nuối tiếc khi phải bóp bụng nộp phạt do lỗi vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ do camera phạt nguội ghi lại. Trong khi anh Võ Văn Kh. (trú quận Liên Chiểu) dở khóc dở mếu vì chạy xe quá tốc độ (81/60km) ở tuyến đường Nguyến Tất Thành, mất hơn nửa tháng lương (7 triệu đồng), thì chị Nguyễn Thị L. (trú quận Hải Châu) cũng tiếc nuối vì không làm chủ tốc độ khi đi qua ngã tư (vượt đèn đỏ) phải nộp phạt 4 triệu đồng. Điều đáng nói, tất cả các trường hợp vi phạm đều bị tước bằng lái xe (2 tháng đối với vượt đèn đỏ và 3 tháng đối với lỗi quá tốc độ).
Đại tá Phan Ngọc Truyền- Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, với hệ thống camera phạt nguội dày đặc, tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều phải dè chừng, chú ý quan sát kỹ, bởi hậu quả phải lãnh nhận rất lớn, không chỉ về tài chính mà còn liên quan đến công việc, nhất là đối với cánh tài xế lái xe kinh doanh vận tải. Bởi khi bị tước bằng lái, đồng nghĩa với việc tài xế sẽ thất nghiệp gián đoạn, mất thu nhập trong nhiều tháng.
“Qua theo dõi công tác xử phạt cũng như tìm hiểu tâm lý từ người vi phạm luật giao thông thông qua hệ thống camera phạt nguội, phải nói rằng, hiệu ứng từ dự án lắp đặt camera mang lại hiệu quả rất cao. Bởi khi tâm lý sợ sệt, dè chừng để khỏi bị xử phạt, cách điều khiển xe của tài xế sẽ khác, đi chậm hơn, kỹ tay lái hơn, điều đó đồng nghĩa với việc hạn chế tối đa được tai nạn giao thông”, Đại tá Phan Ngọc Truyền khẳng định.
(còn nữa)
Công Hạnh