Đường hầm khát vọng:

Bài 2: Đại công trường ngàn ngày không nghỉ

Thứ bảy, 29/07/2017 11:30

Giây phút thông hầm kỹ thuật, cả kỹ sư và công nhân ôm chầm lấy nhau trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Bao vất vả, nhọc nhằn của hàng ngàn ngày gian khổ trên công trường bỗng tan biến hết. Cảm giác như họ vừa giành thắng lợi trong một cuộc chiến trường kỳ.

Những người làm nên kỳ tích

Năm 1936, tại thôn Hảo Sơn dưới chân Đèo Cả đã diễn ra sự kiện giao thông quan trọng: Nối thành công mét ray cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc Nam dài hơn 1700 km. Năm 2012, cũng tại Hảo Sơn, hầm Đèo Cả, công trình giao thông tầm vóc quốc gia cả về ý nghĩa lẫn quy mô chính thức được khởi công. Sau 5 năm với hàng ngàn ngày không ngơi nghỉ, đại công trình hầm Đèo Cả chính thức được đưa vào vận hành, đánh một dấu mốc lịch sử mới của ngành giao thông quốc gia. Nếu trước đây phải mất gần một giờ vượt đèo hiểm trở thì bây giờ nếu lưu thông qua hầm chỉ mất tối đa 10 phút. Ý nghĩa không chỉ ở việc tiết giảm thời gian, nhiên liệu, xóa đi những vụ tai nạn thương tâm, mà nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm công trình hầm Đèo Cả: "Dự án hầm Đèo Cả phải là động lực mới đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực".

Làm nên kỳ tích hầm Đèo Cả là một tập hợp những con người giàu nhiệt huyết, trí tuệ và cả sự cần mẫn. Họ có thể là kỹ sư, là nhà tư vấn, giám sát hoặc chỉ là những công nhân bình dị. Khó có thể nói hết những cống hiến thầm lặng của họ, chỉ biết rằng nếu thiếu những người như vậy, đại công trình hầm Đèo Cả chưa hẳn đã về đích như kỳ vọng. Tôi gặp Nguyễn Ngọc Ánh tại công trình hầm Đèo Cả những ngày nước rút về đích với những ngổn ngang và hối hả. Người đàn ông 48 tuổi quê Nam Định đối diện với tôi đang là Giám đốc Ban điều hành gói thầu 1A2 và xây lắp 1/2 hầm phía bắc Đèo Cả. Vẻ bề ngoài anh phong trần, góc cạnh của một người có thời gian lăn lội công trường nhiều hơn ngồi bàn giấy. Mà quả thực, từ năm 1992, khi còn là chàng thanh niên ngoài 20 tuổi, anh đã tham gia đào hầm thủy điện Hòa Bình, rồi trưởng thành lên cùng thủy điện Ialy, rồi hầm Hải Vân… gần như những công trình trọng điểm quốc gia về hầm mỏ đều in dấu chân anh. Anh Ánh kể, trước đây làm hầm Hải Vân có các chuyên gia của Nhật, Áo nhưng tới hầm Đèo Cả thì chỉ có người Việt thi công, những người có kinh nghiệm như anh truyền lại cho thế hệ trẻ. Điều đáng mừng, bằng bản lĩnh, trí tuệ, người Việt mình đã làm chủ được công nghệ thi công hầm. Theo anh Ánh, phương pháp thi công hầm của Áo có tên là NAMT, khi thi công dùng nội lực của đất đá tự nhiên để chịu lực, vì thế phải phun bê-tông nhanh vào neo đá tránh để lâu làm biến dạng.

Một trong những sáng kiến trong quá trình thi công hầm được anh Ánh cho thực hiện là bộ chia bơm phun bê-tông tự lăn theo thanh trượt đã lập trình thay vì chuyển ống bơm bê-tông bằng thủ công, nhờ đó đã tiết kiệm được thời gian, nhân lực, chi phí rất lớn, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công. Cụ thể, nếu dùng phương pháp cũ mỗi tháng chỉ thi công được 120m, trong khi dùng sáng kiến của anh Ánh mỗi tháng thi công được trung bình 180-200m bê- tông. Với bề dày kinh nghiệm từng thực hiện nhiều công trình giao thông lớn ở miền Trung, vì thế năm 2013 Huỳnh Duy Hùng (1976, quê Khánh Hòa)  được chiêu mộ về làm Trợ lý kỹ sư thường trú giám sát hầm Cổ Mã, sau là hầm Đèo Cả. Anh Hùng kể, trong thi công hầm, việc điều chỉnh quá trình thi công để đi đúng tim cực kỳ quan trọng, gần như là công việc có tính chất quyết định, bởi nếu sai số ngoài ngưỡng cho phép coi như thất bại. Khi hầm Cổ Mã thông kỹ thuật mà sai số chỉ 1cm, là thành công rất lớn của đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Đến hầm Đèo Cả dài hơn 4,1 km mà khi thông hầm kỹ thuật sai số chỉ 2cm, đây là thành công rất đáng tự hào của đội ngũ kỹ sư Việt, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của người Việt đã làm chủ được công nghệ thi công hầm. Trong quá trình thi công hầm, anh Hùng có sáng kiến xử lý triệt để việc thấm nước, khi bề mặt hầm chưa được phun bê tông. Công việc này rất quan trọng, vì nếu xử lý không triệt để, khi phun bê-tông làm vỏ hầm rồi nước vẫn tiếp tục thấm ra bên ngoài. "Điều quan trọng phải xem mạch nước thấm ra ngoài thế nào. Nếu nước thấm theo từng vòi phun nhỏ thì mình thu gom về hệ thống nước ngầm dẫn đi. Nếu nước thấm từng mảng thì mình dùng vải địa kỹ thuật thu gom vào hệ thống. Cái này chỉ kinh nghiệm thôi chứ không có sách vở nào chỉ dẫn"-anh Hùng chia sẻ.

Phút giây nổ mìn thông hầm kỹ thuật là thời khắc vỡ òa cảm xúc với tất cả các kỹ sư, công nhân trên công trường hầm Đèo Cả.

Trên đại công trường ngàn ngày sôi động.

Phút sinh hoạt, trò chuyện của công nhân xa quê lúc chuẩn bị vào ca.

Niềm hạnh phúc vỡ òa

Anh Hùng kể, quãng thời gian trước tháng 6-2016 là thời điểm vất vả nhất trong công trình hầm Đèo Cả. Lúc đó bước vào hầm như vào lò xông hơi, khói bụi từ đất đá nổ mìn, hơi nóng từ động cơ, các kỹ sư phải đeo khẩu trang chống độc, tuy nhiên cũng có lúc phải bỏ ra trao đổi công việc, khi trở về nhà 2 mũi đen ngòm vì bụi.  Tuy vậy, khi thông hầm, mọi nhọc nhằn tan biến hết, niềm vui trào dâng khôn tả, đó là kỷ niệm anh không thể quên trong đời. Còn anh Lê Luân-Phó Giám đốc Liên danh Tư vấn Giám sát Apave-Dowa-Tedi Spouth nhớ lại, giây phút thông hầm chiều 21-6-2016 là thời khắc anh không bao giờ quên.  Trong hầm khi đó khói mìn còn vương, không khí như ngưng lại, cô đọng một cách kỳ lạ. Những kỹ sư, công nhân đào hầm đã đổ biết bao mồ hôi vào công trình nhưng giờ phút đó mọi mệt nhọc đều tan biến nhường chỗ cho niềm hạnh phúc. Đứng trên đống đá tại gương hầm vừa bị xuyên thủng nhìn sang ống hầm phía Bắc, trong anh trào dâng cảm xúc thú vị, cứ như đang thám hiểm cuối một hang động, bất chợt phát hiện một hang khác mới mẻ, nối tiếp, giống hệt về kích thước. Anh Luân kể, anh em làm việc tại công trường luôn coi hầm Đèo Cả như một cuộc thám hiểm để thử thách sự quyết tâm, lòng kiên trì và nghị lực. Họ bảo nhau cố gắng hết sức để có một điều gì đó lưu lại cho mai sau. Giây phút đó, các thợ đào hầm, các công nhân, kỹ sư Việt Nam ôm chầm lấy nhau ngây ngất.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng so sánh, nếu tính về chiều dài thì hầm Hải Vân 6,9km, hầm Đèo Cả hơn 4,1km, nhưng hầm Đèo Cả lại qui mô và hiện đại hơn hầm Hải Vân. Cụ thể hầm Đèo Cả qui mô đường cao tốc (vận tốc 80km/h), gồm 4 làn xe. Hầm Đèo Cả có 2 ống chiều vào và ra khác nhau, mỗi ống 2 làn xe, trong khi hầm Hải Vân bây giờ mới làm đường ống thứ 2. Nếu hầm Hải Vân sử dụng vốn ODA, do chuyên gia Nhật thực hiện thì hầm Đèo Cả do người Việt làm hoàn toàn, từ nhà đầu tư trong nước, nguồn vốn trong nước đến các nhà thầu thi công. Do vậy, hầm Đèo Cả đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ của người Việt, chúng ta đã làm chủ được công nghệ làm hầm, đặt nền móng khởi đầu để phát triển các dự án hạ tầng giao thông Việt Nam.

HẢI QUỲNH
(còn nữa)