Bài 1: Mở cửa hầm, mở tương lai
Chỉ ít ngày nữa, hầm Đèo Cả nối Phú Yên- Khánh Hòa trên quốc lộ 1A sẽ được đưa vào khai thác. Hơn ai hết, với những người con của Phú Yên, Khánh Hòa, giây phút ấy đã được ngóng đợi trở thành khát vọng từ bao đời. Đằng sau công trình hầm 2 ống đầu tiên, lớn nhất Việt Nam ấy, là mồ hôi, tâm huyết và cả sự hy sinh thầm lặng của hàng ngàn trái tim trong hành trình ngàn ngày đào núi mở hầm không ngơi nghỉ. Hãy cùng chúng tôi đi qua hành trình ấy để cảm nhận những gian nan, thử thách mà thiếu bản lĩnh và trí tuệ sẽ không bao giờ biến ước mơ thành hiện thực.
Cung đường đèo hiểm nguy thường xuyên xảy ra tai nạn, kẹt xe. |
Cung đường hiểm trở
Sau khi đèo Hải Vân được thông hầm thì đèo Cả trở thành cung đường hiểm nguy nhất trên tuyến quốc lộ 1A. 31 năm sống dưới chân đèo, anh Nguyễn Quy (45 tuổi, trú thôn Hảo Sơn xã Hòa Xuân Nam H. Đông Hòa, Phú Yên) đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm trên con đèo hiểm trở nhất nhì trên tuyến quốc lộ huyết mạch này. Với nghề sửa chữa xe ô-tô, bất kể giữa trưa nắng hay đêm hôm mưa gió, cứ chuông điện thoại reo, anh lại "lao" mình lên đèo. Có những đêm 2-3 vụ va chạm giao thông, xe hỏng hóc, anh quần trên đèo trắng đêm. Anh kể, mới cuối tháng 4 vừa qua, trên đèo xảy ra 2 vụ tai nạn cùng lúc khiến tuyến quốc lộ 1A tê liệt, kẹt xe kéo dài gần 10km. Nhìn cảnh hành khách vật vờ chờ đợi từ sáng tới đêm vẫn chưa thông được đèo để di chuyển mà ngao ngán.
Do đèo hiểm trở, nhiều khúc cua tay áo, với nhiều đường cong bán kính nhỏ, một bên là vực sâu, một bên là dốc đá dựng đứng nên các tài xế qua đây đều phải tập trung cao độ. Từng chứng kiến nhiều vụ lật xe tải, và mỗi lần như vậy, anh Quy lại bị ám ảnh về nỗi đau của các thân nhân. Họ tìm tới con đèo, tìm đến anh để nghe kể về phút giây đau buồn của người thân mình. Có những đêm nhận điện thoại lên đèo sửa xe cho khách, khi đi qua đoạn dốc mới lật xe tải, xe anh Quy cũng đột nhiên hỏng hóc. Dù không lạ gì từng ngóc ngách con đèo, nhưng thoáng chốc anh rùng mình, ám ảnh về con đèo hiểm trở. Với cánh tài xế, hẳn nỗi ám ảnh còn lớn hơn rất nhiều. Anh Trần Hữu Thông, tài xế xe container thường xuyên qua Đèo Cả kể: Trước đây có câu đi đường sợ nhất Hải Vân, nhưng từ khi có hầm Hải Vân thì cánh tài xế chúng tôi lan truyền câu đi đường sợ nhất đèo Cả. Cũng phải, vì trên đường Bắc-Nam thì đây là con đèo dài tới 12km, cao 333m, có quá nhiều khúc cua hiểm trở. Mỗi lần vượt đèo, tôi thường dừng lại vài phút nghỉ ngơi, lấy tinh thần để có sự tập trung cao nhất khi cho xe vượt đèo.
Công trình hầm Đèo Cả là mơ ước, khát vọng bao đời của người dân Phú Yên sắp được đưa vào vận hành. |
Khát vọng mở hầm
Phú Yên bị "kìm kẹp" bởi đèo Cù Mông phía bắc, đèo Cả phía nam, sự khó khăn về giao thông khiến kinh tế địa phương gặp nhiều trở ngại. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt nhận định, từ trước đến nay việc phát triển kinh tế, thương mại, du lịch của Phú Yên bị hạn chế rất nhiều bởi 2 con đèo. Sự "kìm kẹp" này khiến Phú Yên rất khó phát triển. Không chỉ chính quyền địa phương mà người dân ai cũng mong muốn có một công trình hầm xuyên núi để rút ngắn khoảng cách liên kết với các địa phương lân cận để thúc đẩy kinh tế đồng thời xóa tan nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông. Nhưng khát vọng ấy cứ "treo" mãi, bởi làm hầm xuyên đèo Cả cần nguồn kinh phí rất lớn mà ngân sách nhà nước có hạn hoặc phải ưu tiên nhiều công trình cấp bách khác.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nhớ lại, thời điểm trước năm 2010 đèo Cả là điểm đen về giao thông, thường xảy ra tai nạn, sạt lở, sập ta-luy gây ùn tắc có khi mấy ngày trời. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị ngành giao thông giải quyết vấn đề này. Nhưng để giải quyết triệt để chỉ có phương án làm hầm, mà làm hầm thì nguồn kinh phí rất lớn, phần lớn phải dựa vào vốn ODA, còn vốn ngân sách nhà nước rất ít ỏi. Tuy nhiên nguồn vốn này cũng không thể đáp ứng hết được vì có quá nhiều công trình giao thông lớn cần ưu tiên đầu tư. Để huy động nguồn vốn từ xã hội, Bộ GTVT đã lên danh sách các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, trong đó có dự án hầm Đèo Cả.
Là người con của Phú Yên luôn trăn trở với những khó khăn, kìm kẹp phát triển kinh tế địa phương chỉ vì giao thông trắc trở, vì thế ông Hồ Minh Hoàng-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đèo Cả đã mang khát vọng táo bạo mở hầm xuyên núi. Khăn gói ra Bắc vào Nam, ông Hoàng đã tìm những người cùng chí hướng, cùng truyền khát vọng mở hầm để dệt lên mơ ước bao đời, bao người ở quê hương mình. Đó là hành trình dài, trúc trắc, song chưa bao giờ mất đi niềm tin, khát vọng trong người con "đất Phú" ấy. Sau khi giải quyết từng nút thắt, khơi thông được nguồn vốn, ông Hoàng đã "săn" hàng loạt chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm về làm cố vấn cho dự án. Hàng loạt kỹ sư giỏi được mời về làm các vị trí chủ chốt, các nhà thầu có kinh nghiệm đào hầm mở núi nhất nhì Việt Nam như Sông Đà 10, Lũng Lô... cũng được tập hợp.
Lấy tiêu chí an toàn, hiệu quả đi đầu, đồng thời với cách quản trị có phần "khác lạ" ở Cty cổ phần Đèo Cả, chủ dự án hầm đường bộ Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng, dự án đã đạt được nhiều kỳ tích ngoài mong đợi. Chẳng hạn trong suốt quá trình thi công hầm với nhiều khâu như nổ mìn, phá đá, người lao động làm việc trong môi trường khắc nghiệt, rủi ro nhưng không xảy ra bất cứ tai nạn chết người hay sự cố đáng tiếc nào. Lễ thông hầm Đèo Cả cũng vượt tiến độ trước 2 tháng. Chưa kể so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt hơn 15,6 ngàn tỷ đồng, sau khi nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế, dự án hầm Đèo Cả đã tiết giảm được hơn 3,6 ngàn tỷ đồng. Từ số vốn đó, Cty Đèo Cả đề nghị Bộ GTVT, Chính phủ cho phép làm hầm Cù Mông với tổng vốn đầu tư hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Với khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ của một người con "đất Phú" và sự đồng lòng hỗ trợ của nhiều người cùng chí hướng, vậy là 2 con đèo hiểm trở án ngữ 2 đầu Phú Yên, kìm hãm sự phát triển bấy lâu đã được tháo gỡ. Mở cửa hầm là mở ra tương lai không chỉ của Phú Yên, mà còn để kết nối giao thương Bắc Nam, cho cả khu vực dọc dài dải đất miền Trung còn nhiều gian khó.
(còn nữa)
HẢI QUỲNH