Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đối mặt nhiều nguy cơ bị xâm hại

Bài 2: Những tiếng voọc lạc bầy

Thứ năm, 20/07/2017 17:10

Được đánh giá là Di sản ASEAN bởi chứa đựng nhiều đa dạng về sinh học cũng như những loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh trở thành tâm điểm của các nhà nghiên cứu, bảo tồn. Thế nhưng, vấn nạn phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, đặc biệt ở các vùng đệm vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều loài động vật, trong đó có Voọc chà vá chân xám - loài Linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, được xếp vào bậc cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và trong Danh lục Đỏ của thế giới vẫn đang bị săn lùng hằng ngày.

Voọc chà vá chân xám tại VQG Kon Ka Kinh.  (Ảnh: Nguyễn Ái Tâm)
và một con voọc chà vá chân xám bị nhồi bông trong 1 gia đình tại H. Kbang (Gia Lai).

Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu và quý hiếm với tên khoa học Pygathrix cinerea, được các nhà nghiên cứu quốc tế liệt vào danh sách “25 loài thú linh trưởng có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất trên thế giới”. Theo đánh giá của TS Sinh thái học Hà Thăng Long - Trưởng đại diện Hội động vật Frankfurt (CHLB Đức) tại Việt Nam - người đặt nền mỏng đầu tiên về nghiên cứu loài voọc chà vá chân xám tại VQG Kon Ka Kinh thì: loài này phân bố hẹp ở 5 tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (từ Quảng Nam đến Gia Lai) của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân tác động khiến vùng phân bố của loài voọc chà vá chân xám ngày càng bị thu hẹp và trở nên phân tán, tách biệt. Trong đó VQG Kon Ka Kinh là một trong những điểm phân bố đặc trưng và quan trọng của loài, chiếm đến 1/4 số lượng cá thể của loài.

Cũng theo Tiến sĩ Hà Thăng Long, quần thể chà vá chân xám ở VQG Kon Ka Kinh là một quần thể quan trọng trong công tác bảo tồn loài. Từ năm 2010 đến nay, Hội động vật học Frankfurt đã phối hợp với VQG Kon Ka Kinh thực hiện chương trình giám sát tình trạng phân bố trong Vườn và biến động quần thể. Nhìn chung, tình trạng phân bố của loài tương đối ổn định. Đặc biệt là những điểm phân bố ở khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, sự xuất hiện của loài có thể quan sát được hàng tháng. Về số lượng quần thể, ước lượng trên toàn vườn có khoảng 300-350 cá thể. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng săn bắn đang ảnh hưởng rõ rệt đến quần thể chà vá chân xám. Tuy vậy, đến nay, ngoài những đề tài, chương trình của Tiến sĩ Hà Thăng Long thì loài voọc chà vá chân xám vẫn còn nhiều “bí ẩn” đối với các nhà nghiên cứu.

Một lần theo kiểm lâm viên của VQG Kon Ka Kinh cũng như những người nghiên cứu loài voọc chà vá chân xám ở vườn Di sản ASEAN này, P.V đã được căn dặn: Không như những cá thể voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) có thể tiếp cận rất gần, voọc ở đây sợ... đủ thứ. Chỉ cần có mùi hơi người, tiếng người, tiếng sắt thép cọ vào nhau hay tiếng chó sủa, lũ chà vá chân xám sẽ biến mất cả tháng trời mới quay trở lại dù đó là “bãi” ăn, nghỉ của nó. Điều đó có thể thấy, những cá thể linh trưởng nằm trong “25 loài thú linh trưởng có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất trên thế giới” này đã từng bị con người săn, bắn như thế nào. Đủ thứ bẫy được giăng khắp nơi và hơn cả là những tiếng súng vang lên giữa đêm khuya là những bầy voọc lại mất đi vài thành viên.

Mới đây, sát nách VQG Kon Ka Kinh, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện những cá thể linh trưởng, thú nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và cả những con voọc đang trong tình trạng bị... cấp đông chờ xẻ thịt hoặc nấu cao. Cụ thể, ngày 7-2-2017, CAH Mang Yang (Gia Lai) phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra quán tạp hóa của vợ chồng bà Đặng Thị Ngọc Dung (1969), ông Nguyễn Văn Tánh (1970, trú thôn 1, xã A Yun, H. Mang Yang), phát hiện một số cá thể động vật hoang dã đã chết bị đông lạnh trong 2 tủ lạnh của quán. Sau khi lập biên bản và qua trưng cầu tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có kết luận trong số động vật hoang dã đã bị sát hại chứa trong tủ đông gồm: 4 cá thể voọc chà vá chân xám, 2 cá thể mèo rừng, 1 cá thể khỉ mốc, 1 cá thể khỉ mặt đỏ, 2 cá thể khỉ vàng, 1 cá thể khỉ đuôi lợn và 7 cá thể sóc đen. Vụ việc đến nay vẫn đang được CQĐT CAH Mang Yang điều tra xử lý. Dù chưa xác định số động vật hoang dã hầu hết nằm trong Sách Đỏ Việt Nam này bị săn bắn ở đâu nhưng ngoài khu vực gần nhất là VQG Kon Ka Kinh ra thì không còn cánh rừng nào còn những loại động vật quý hiếm này.

Những khẩu súng săn do lực lượng kiểm lâm VQG Kon Ka Kinh thu giữ.

Ông Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc VQG Kon Ka Kinh thừa nhận: “Vẫn còn tình trạng người dân mang súng, bẫy lén lút vào rừng để săn bắn động vật hoang dã. Dù lực lượng kiểm lâm Vườn luôn tuần tra kiểm soát, nhưng với diện tích rộng mênh mông, tiếp giáp với nhiều huyện như Mang Yang, Kbang, Đắc Đoa khiến việc kiểm soát khó khăn. Chỉ cần 1 dây phanh xe đạp, những kẻ đi săn đã tự chế thành chiếc bẫy siết chặt bất cứ con thú nào. Bên cạnh đó, súng săn được các đối tượng cất giấu trong rừng nên việc kiểm tra, ngăn chặn là không hề đơn giản. Mỗi đợt tuần tra, lực lượng Vườn phá hàng chục, hàng trăm chiếc bẫy đặt trong rừng cũng như phát hiện, thu giữ nhiều khẩu súng săn tự chế”.

Trước thực trạng này, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công văn chỉ đạo cho các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cũng như tại VQG Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tổ chức xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng trên địa bàn. Ngoài công tác tuyên truyền, điều tra, nghiên cứu, khảo sát về bảo tồn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các quần thể linh trưởng đặc hữu, quý hiếm, nguy cấp, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến động vật hoang dã.

MINH TÂN
(còn nữa)