Nghệ An: Gian nan hành trình “kéo” học sinh bỏ học trở lại trường

Bài 2: Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp

Thứ bảy, 30/03/2024 13:30
Thực trạng bỏ học sau mỗi kỳ nghỉ lễ, nhất là đối với số học sinh (HS) bậc THCS, THPT tại các huyện miền núi Nghệ An đã kéo theo nhiều hệ lụy. Những năm qua, ngành giáo dục cùng cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp ít nhiều mang lại hiệu quả nhất định.
Ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng HS bỏ học.
Để “kéo” HS bỏ học trở lại trường học, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Nâng cao hiệu quả tổ vận động

Để vận động HS bỏ học sau mỗi kỳ nghỉ lễ đến trường, các địa phương vùng cao tỉnh Nghệ An như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… đều lập tổ vận động, thành phần gồm: thầy cô giáo, lãnh đạo UBND xã, đại điện các cơ quan đoàn thể. Mỗi thành viên của tổ vận động ngoài trách nhiệm, phải hội đủ tiêu chí: có tình thương và sự tâm huyết.

Một trong số những tổ hoạt động khá hiệu quả là tổ vận động HS của xã Lượng Minh (huyện Tương Dương). Với 12 thành viên của cả hệ thống chính trị xã, bản và nhà trường, ngay sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày tổ vận động do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã làm trưởng đoàn xuống tận bản, vào tận nhà HS để vận động, tuyên truyền đưa các em đến lớp. Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho hay, mặc dù việc sau Tết rất nhiều, nhưng chính quyền xác định vì tương lai các em, tương lai của xã Lượng Minh nên đã cố gắng chia nhau cùng thầy cô đến tận nhà dân vận động HS ra lớp. “Lần đầu chưa được thì sẽ đến lần 2, lần 3… Ngoại trừ việc các em đã bỏ đi làm ăn xa, các trường hợp khác dù bất kỳ lý do gì thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng vận động các em tiếp tục việc học” – ông Phúc nói. Cũng theo Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, hiện trên địa bàn xã có 16 HS vắng học ở tất cả các cấp, trong đó 7 em nằm trong danh sách “nguy cơ” gồm: tiểu học 1 HS, THPT: 1 HS và THCS 5 HS. Tổ vận động đang quyết tâm sẽ đưa tất cả các em trở lại lớp học.

Tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tổ vận động được thành lập ngay sau kỳ nghỉ lễ, với sự tham gia tích cực của các chiến sĩ biên phòng, chính quyền xã, già làng, thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp tuyên truyền đang mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều trường hợp đã lấy nhau nhưng đồng ý quay lại trường tiếp tục học. Thầy Đinh Tiến Hoàng - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Nậm Cắn cho biết, việc tuyên truyền theo hướng khuyên nhủ mềm mỏng, nhẹ nhàng, phân tích lợi và hại khi lấy chồng, lấy vợ sớm. “Nếu tuyên truyền cứng rắn thì khả năng các em sẽ hành động dại dột. Rất mừng là sau nhiều nỗ lực của các thành viên tổ vận động đã có hai HS lớp 8, lớp 9 đã trở lại trường. Quan trọng hơn, các em đã thay đổi nhận thức, mong muốn được tiếp tục đi học và từ bỏ ý định làm mẹ sớm”- thầy Hoàng chia sẻ thêm.

Song hành với việc đến từng nhà “kéo” HS trở lại trường, ngành GD-ĐT các huyện miền núi tỉnh Nghệ An còn đồng loạt triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho HS tại các trường học. Đơn cử, lần đầu tiên, UBND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho toàn bộ 18 trường học THCS trên địa bàn. Thông qua cuộc thi, những kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được chuyển tải, tuyên truyền đến các em. Qua đó, góp phần nâng cao, thay đổi nhận thức trong các em. Đồng thời, các thầy cô cùng chính quyền địa phương đến từng gia đình tổ chức ký cam kết giữa HS với nhà trường về nội dung không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Cùng với đó, huyện Kỳ Sơn cũng đã tiến hành xử phạt hành chính lẫn xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật. Đây được xem là giải pháp vừa có tác dụng răn đe kịp thời vừa là cách tuyên truyền hiệu quả.

Ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng HS bỏ học.

Đẩy mạnh hướng nghiệp

Tạo động lực cho các em đến lớp là một trong những ưu tiên của các trường làm giảm tình trạng bỏ học giữa chừng. Tại huyện Tương Dương, các trường PTDTBT đều thực hiện phương châm "3 tập trung" (nhà ở tập trung, ăn tập trung và quản lý tập trung), "6 hơn ở nhà" (ăn ngon hơn, ở tốt hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, học tập tốt hơn) và "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở). Qua đó, giúp các em thích thú khi đến trường, tránh xa những đối tượng xấu. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp cũng được đẩy mạnh, bởi đặc thù về sức học, cũng như điều kiện kinh tế gia đình của HS vùng núi không cho phép các em theo học cao hơn. Thầy Nguyễn Ngọc Tân - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Xá Lượng, huyện Tương Dương cho biết, hàng năm có 60 - 70% HS sau khi tốt nghiệp THCS sẽ học tiếp lên THPT. Số còn lại đều được nhà trường định hướng vào học ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và một số đi học nghề. Nhà trường cũng phối hợp với nhiều đơn vị như Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Việt - Hàn, CĐ nghề Việt – Đức, CĐ nghề số 4 Bộ Quốc phòng, Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An… để giới thiệu và hướng nghiệp cho HS.

Là đơn vị đi đầu trong công tác hướng nghiệp, liên tiếp trong 3 năm qua, Trường PTDTBT THCS Lượng Minh đẩy mạnh việc phân luồng, hướng nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THCS, các em được tư vấn tiếp tục theo học tại Trường CĐ Kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc để lấy bằng kỹ sư. Hiện khóa thứ nhất đã có 22 em tốt nghiệp CĐ, lấy bằng kỹ sư đã được nhận vào làm việc tại các công ty ở Bắc Ninh, Hải Dương với thu nhập khá từ 8-11 triệu đồng/tháng. Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài việc vận động, tuyên truyền cho HS cũng như cha mẹ HS thì tìm nghề, mang lại thu nhập khá sẽ làm cho các em có động lực đến trường hơn. Bởi, nhu cầu xã hội cần lao động có tay nghề là rất lớn, trong khi năng lực cũng như điều kiện của các em không thể theo học các trường đại học”.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng, Sở GD - ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, những năm gần đây, Sở đã làm rất tốt công tác phân luồng hướng nghiệp. Không chỉ bậc THPT mà ngay cả ở bậc THCS, với những HS không muốn thi lên cấp 3 nhà trường sẽ hướng nghiệp cho các em học nghề. Từ đó các em có điều kiện vừa học nghề vừa học các chương trình văn hóa. Nhờ sự quyết liệt của của ngành, các địa phương tình trạng HS bỏ học để đi làm công nhân, lấy vợ, lấy chồng sau các dịp Tết, nghỉ hè, nghỉ lễ dài ngày ở nhiều địa phương đã giảm.

Thực trạng HS bỏ học sau các kỳ nghỉ không chỉ gây nên tình trạng thất học mà còn gây ra nhiều hệ luỵ đó là nạn tảo hôn, bị bóc lột sức lao động. Thất học cũng là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, lạc hậu. Vì vậy, bên cạnh việc vận động các em đến trường thì việc định hướng nghề nghiệp, tạo cho các em một động lực đến trường có thể được xem là giải pháp bền vững, dài hơi để hạn chế tối đa tình trạng bỏ học, thất học của trẻ em vùng cao.

Dương Hóa