Bài 3: Cộng đồng giáo dân lên án
Linh mục Hoàng Văn Chính- Tổng Đại diện Giáo phận Đà Lạt nêu quan điểm: "Rõ ràng đây không phải là một hoạt động đúng giáo lý của Giáo hội. Đó là hoạt động mê tín, đồng thời mang tính chất hoang tưởng của những người trong nhóm này". Ông Trần Cửu Anh Hài, một giáo dân trú tại P. 1, TP Bảo Lộc thì cho rằng: "Những người trong nhóm của cô Thương đều có niềm tin sai lệch. Người ta cứ tin rằng cô Thương là đại diện cho ơn trên, như là đấng cứu thế. Chúng tôi là người Công giáo chỉ tin có một Thiên chúa duy nhất thôi".
Chưa hết, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Vinh, một giáo dân tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm thì: "Khi đến với "Nhà Chúa cha" họ không đòi con bệnh phải đóng tiền chữa bệnh nhưng lại kêu gọi rằng, "Chúa cha" bảo con phải ủng hộ tiền để xây nhà, phải may đầm cho cô Thương. Chuyện nghe thật nực cười nhưng đó là chuyện có thật ở "Nhà Chúa cha" đó".
Trong số những người u mê, tin nghe theo nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" còn có những linh mục, tu sĩ vì mù quáng tin lời Thương mà đã từ bỏ Đan viện chuyển về cộng tác với Thương. Em gái của một tu sĩ trú tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc đã phải chua xót thốt lên: "Đối với những người Công giáo, gia đình có người là tu sỹ, linh mục, đó là niềm vinh hạnh, thế mà… Khi biết anh tham gia nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc", gia đình đã quyết liệt can ngăn nhưng không được. Hậu quả là tới ngày hôm nay anh đã từ bỏ Đan viện anh đang sống để về ở hẳn "Nhà Chúa cha" và cộng tác với nhóm này".
Không chỉ các nạn nhân phản ứng trò chữa bệnh ma mị, nhiều giáo dân và các vị chức sắc trong giáo hội đã lên án những hoạt động của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" là tà đạo, hoang tưởng, phản khoa học, đi ngược lại đức tin của Giáo hội Công giáo. Linh mục Nguyễn Văn Khấn- Quản hạt kiêm Quản xứ Bảo Lộc gay gắt: "Những việc làm của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" là hoang tưởng, nếu không muốn nói là mê tín". Các phát biểu của Thương trên mạng xã hội còn mang tính chống đối, phá vỡ sự đoàn kết, hiệp thông trong Giáo hội, khiến nhiều giáo dân bức xúc. Rất nhiều người dân đã gửi đơn tố cáo, phản ánh sự việc đến cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng như ông Trần Phương Nam ở Q. 8, TPHCM, bà Nguyễn Thị Phương ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Quang ở TP Đà Nẵng...
Rõ ràng, việc tự ý thực hiện những hành vi trừ tà mang màu sắc mê tín và ma thuật của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" là sai lạc, không phù hợp với giáo lý và thực hành của Hội Thánh Công giáo. Ủy Ban giáo lý Đức tin (Hội đồng Giám mục Việt Nam) đã ra các thông cáo đánh giá, đó là những hoạt động trái đạo. Nguyễn Thị Thương tự xưng mình là "thư ký cho Chúa Cha" là đã phủ nhận vai trò của Chúa Kitô, xúc phạm nặng nề đến đức tin Công giáo. Cả Thương và ông Truyền đều không biết vâng phục, tự huyễn hoặc, chìm đắm trong những "mặc khải tư" thực chất là biến những "suy nghĩ của bản thân thành ý Chúa cha" với mục đích cá nhân. Linh mục Dương Công Hồ- Chánh xứ Giáo xứ Thánh Tâm, Giáo phận Đà Lạt khẳng định: "Theo Luật Giáo hội, linh mục nào muốn trừ quỷ phải có ý kiến của Tòa giám mục. Ngay cả cách thực hành của nhóm này là không đúng, mang tính mê tín dị đoan, không đúng như Giáo hội dạy".
Thương - người tự xưng mình là thư ký truyền tiếng nói của Chúa Cha là nguyên nhân, đầu mối của những sai lầm. Nhóm này đã dàn dựng những người làm chứng mời gọi rất nhiệt thành, nói những điều đạo đức, thi hành lối sống hãm mình (ăn chay, cầu nguyện…) nhưng lại thiếu đức mến, chu toàn bổn phận của một tín hữu đó là đức vâng phục. Trong đó, ông Truyền đã nhiều lần được Tòa Giám mục khuyên nhủ, khuyến cáo để ông ăn năn, hối cải, thậm chí là ra "tối hậu thư" với hình thức xử lý "treo chén linh mục" - nghĩa là, ông Truyền không được thực hiện chức năng linh mục. Tuy nhiên, ông Truyền, Thương và những người trong "Nhà Chúa cha" không biết sửa sai, không từ bỏ hoạt động, chỉ nghe lời "Chúa cha", không nghe lời Giám mục. Đặc biệt Thương và "đồng bọn" còn nhiều lần viết đơn thư, "làm chứng" trên các video công khai công kích, phê phán Giám mục, giáo phận Đà Lạt. Linh mục Hoàng Văn Chính- Tổng Đại diện Giáo phận Đà Lạt kể lại: "Giám mục Damin Mạnh đã rút ngài (linh mục Nguyễn Chu Truyền) khỏi Quản xứ Thánh Mẫu để ngài đi tĩnh tâm một thời gian nhưng linh mục Truyền không tuân ý Giám mục mà về ở hẳn nhà cô Thương, gọi là "Nhà Chúa cha" để chữa bệnh trừ quỷ rồi lên nhiều clip, đó là việc không vâng mệnh bề trên".
Việc làm của Thương, ông Truyền và nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" chỉ là cách tự tôn vinh, "làm chứng" cho bản thân chứ không phải làm chứng cho Chúa, vì họ chìm đắm trong ảo tưởng, vênh váo vì những suy tưởng, tính tự phụ quá cao, bỏ ngoài tai những nhắc nhở, thể hiện sự bất tuân một cách rõ ràng và công khai, gây tổn hại đến sự hiệp nhất của Giáo hội, buộc phải có những hình thức xử lý. 12 thành viên cốt cán của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" đã tự xem bản thân là "đạo binh ánh sáng" của "Chúa cha", ám chỉ họ như 12 vị thánh Tông đồ và tự khắc tên mình lên bia đá tại địa chỉ gọi là "nhà Mẹ vườn rau" ở xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc do họ tự dựng lên.
Do có nhiều sai phạm liên quan đến nhóm tự xưng "Trừ quỷ Bảo Lộc" nên Giáo mục Nguyễn Văn Mạnh ra quyết định hình phạt "vạ huyền chức" hay còn gọi là "treo chén" đối với linh mục Nguyễn Chu Truyền và phạt "vạ cấm chế" đối với Nguyễn Thị Thương. Một số dòng tu như Dòng Ngôi lời, hội dòng nữ Đa Minh Thái Bình cũng ra quyết định sa thải khỏi dòng đối với Linh mục Mai Anh Tuấn và nữ tu Nguyễn Thị Thúy vì tham gia nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc". Đây là các quyết định cứng rắn và cũng thêm một lần nữa khẳng định những sai trái, lệch lạc của các linh mục, tu sĩ và số cầm đầu, cốt cán của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" là đi ngược lại với đường hướng của Giáo hội.
(còn nữa) Đức Huy