Chuyện ghi ở Hòa Xuân:

Bài 3: Những người đi ngược lợi ích chung

Thứ tư, 09/08/2017 11:44

Một thực tế rõ ràng là trong quá trình phát triển, để có được bộ mặt phố phường khang trang, đẹp đẽ, đời sống của người dân thôn Cồn Dầu nói riêng, Hòa Xuân nói chung thay đổi tích cực như hôm nay, chính là nhờ sự chung tay, góp sức của lãnh đạo chính quyền và tất cả người dân. Thế nhưng, có một số người, chủ yếu là giáo dân Cồn Dầu dường như đang cố tình không thấy được sự thay đổi tích cực ấy. Trong tổng số 2.100 hộ dân thì đã có hơn 2.000 hộ chuyển về nơi ở mới, cuộc sống ổn định và ngày càng đi lên thì số ít còn lại vẫn khăng khăng phản đối. Họ đã tự tách mình ra khỏi sự phát triển chung của xã hội, quyết phủ nhận những thiện chí từ chính quyền...

Cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh
nhiều lần về tận Hòa Xuân, Cồn Dầu để tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
   Ảnh: Đ.N

Trước khi đặt bút viết bài này, không dưới 3 lần chúng tôi trở lại thôn cũ Cồn Dầu, nơi hiện đang còn vài chục hộ dân chưa di dời. Vào Cồn Dầu từ ngả cầu Hòa Xuân - nơi bến đò Xu năm xưa, đi một đoạn rồi gặp ngã tư rẽ phải, xuống con dốc là đến. Khác với khung cảnh hiện đại, phố xá sầm uất với những con đường thảm nhựa, hai bên cây cối đang vươn mầm xanh và những căn biệt thự sang trọng, những ngôi nhà 3-4 tầng đang mọc lên từng ngày ở phía trên, thì dẫn vào "trung tâm" thôn Cồn Dầu hiện tại là những con đường bê-tông và đường đất nhỏ hẹp, hai bên là những ruộng rau, vũng ao tù nước đọng đặc quánh, những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, tưởng như lâu rồi không còn người ở.

"Thôn" Cồn Dầu ban ngày vắng vẻ, tịch mịch, những con đường xương cá lẩn khuất nhì nhằng như mê cung năm xưa đã không còn. Nhằm ngày đầu tuần, người lớn đi làm, trẻ em đi học nên thôn vắng vẻ, tách hẳn không khí nhộn nhịp, ồn ã của tiếng máy xúc, máy cày đang san lấp mặt bằng gần đó. Tạt vào quán nước nhỏ, có lẽ là duy nhất còn sót lại trong "thôn",   hỏi người chủ quán là một phụ nữ trung niên, rằng sao hàng hóa bán ít vậy, bà buồn buồn: "Chừng này còn không biết bán cho ai, nhiều nữa thì có mà...? Tận mắt  thấy khung cảnh sinh hoạt và cuộc sống của người dân ở hai nơi - cũ và mới, với khoảng cách đối lập, chúng tôi cứ băn khoăn tự hỏi tại sao số ít người này lại khăng khăng không chịu di dời? Còn với chúng tôi, thử tìm câu trả lời cho mình, rằng nếu trước đây, khi dự án đang ở giai đoạn manh nha, trên giấy tờ mà họ phản đối vì sợ cuộc sống mới ở khu tái định cư khó khăn, công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh thì là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận được. Nhưng đến nay, mọi sự đã khác. Nếu cần minh chứng thì không gì sinh động hơn bằng đời sống của người dân ở khu tái định cư mới. Thế nhưng, không hiểu sao số ít người này vẫn phản đối, vẫn tổ chức khiếu nại, khiếu kiện kéo dài?! Từ chuyện của riêng Cồn Dầu, đến Hòa Xuân, chúng tôi liên tưởng đến câu chuyện của cả Đà Nẵng trong 20 năm qua. Thực tế cho thấy, để có được bộ mặt đô thị Đà Nẵng phát triển như hôm nay, hơn 110 ngàn hộ dân (chiếm gần 1 nửa tổng số hộ dân trên toàn thành phố), với hàng trăm ngàn nhân khẩu đã đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn, chấp nhận một phần thiệt thòi nào đó để di dời, giải tỏa phục vụ công cuộc chỉnh trang đô thị. Đó chẳng phải là câu trả lời thỏa đáng lắm sao?

Trở lại với Dự án khu ĐTST ven sông Hòa Xuân. Là một dự án lớn, giải tỏa trắng 5 khu vực là Trung Lương, Lỗ Giáng, Tùng Lâm, Cẩm Chánh và Cồn Dầu, trong đó, Cồn Dầu là giáo xứ toàn tòng. Quá trình thực hiện dự án, trong khi đa phần người dân ở các khu vực khác đều chấp hành chủ trương giải tỏa thì một bộ phận nhỏ giáo dân Cồn Dầu lại cương quyết không chịu di dời. Chính vì điều này đã gây rất nhiều hệ lụy, thậm chí có thời điểm Cồn Dầu trở thành điểm nóng về an ninh trật tự (ANTT) khi một số giáo dân mưu toan cô lập Cồn Dầu với chính quyền. Thậm chí, nhiều người công khai thách thức các lực lượng chức năng; tấn công, đe dọa những giáo dân khác ủng hộ dự án. Những hộ dân ủng hộ dự án phải sống trong cảnh bị cô lập, đe dọa.

Phiên chợ việc làm được tổ chức tại P.Hòa Xuân.

Nhớ lại thời điểm khi mới chuyển lên khu tái định cư cách đây hơn 6 năm trước, chị T.H (1962), tổ 69 P.Hòa Xuân vẫn không giấu vẻ sợ sệt. Hồi ấy, gia đình chị là 1 trong 12 hộ đầu tiên ở Cồn Dầu chuyển về khu tái định cư mới. "Khi quyết định chuyển về nơi ở mới, gia đình tôi gặp rất nhiều áp lực. Có thời điểm, cứ đêm đến là hàng chục xe máy lượn lờ trước cổng, rú ga nẹt pô ầm ĩ. Nhiều đêm, cả nhà đang ngủ thì chuông điện thoại đổ liên hồi. Bắt máy thì lập tức bên kia đưa ra những lời hăm dọa, cảnh cáo", chị H. nhớ lại. Còn nhớ, tại buổi tiếp hơn 2.000 người dân ở Hòa Xuân vào ngày 8-8-2008 của vị lãnh đạo cao nhất thành phố lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh, thời điểm mà bầu không khí tại Hòa Xuân liên quan đến việc đền bù, giải tỏa đang rất căng thẳng, ông chia sẻ rằng: "Không có cuộc đại phẫu nào không gây đau đớn, việc thực hiện dự án này (Khu ĐTST ven sông Hòa Xuân - PV) là một cuộc đại phẫu, có đau đớn thì cơ thể mới trở lại khỏe mạnh". Và theo ông, sau sự hy sinh của bà con là sự phát triển của thành phố, là để sau này chính con cháu của họ được hưởng lợi... 2 năm sau, vào ngày 18-5-2010, đích thân ông Nguyễn Bá Thanh lại đứng ra gặp gỡ, đối thoại với các vị Giám mục Giáo phận, Linh mục Quản xứ và một số chức sắc khác của giáo hội Công giáo trên địa bàn. Nội dung đối thoại vẫn xoay quanh chủ đề người dân Giáo xứ Cồn Dầu được gì trong Dự án này? Một lần nữa, ông Nguyễn Bá Thanh giải thích: Người dân sẽ có nhà ở, có việc làm, con cái họ được học hành tử tế, bản thân họ được ưu đãi hơn hẳn bà con Trung Lương, Cẩm Chánh, Tùng Lâm, Lỗ Giáng khi tiến hành giải tỏa, đền bù... Không chỉ là lời hứa, mà thực tế đến nay, ngoài các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, phát triển kinh tế và tương lai con em người dân Cồn Dầu được đảm bảo thì một vấn đề khác liên quan đến đời sống tâm linh, tinh thần của giáo dân Cồn Dầu cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể, Nhà thờ giáo xứ Cồn Dầu không những không phải di chuyển mà vẫn giữ lại để bà con hành lễ, đồng thời thành phố còn giao thêm 3.200m2 đất để mở rộng. Những người già yếu không đi đến nhà thờ được (cách địa điểm tái định cư khoảng trên dưới 1km) thì thành phố bố trí thêm 1 khu đất 1.500m2 có đầy đủ hạ tầng cho người dân Cồn Dầu làm nhà nguyện để thỏa nguyện đức tin; hỗ trợ cho Giáo xứ Cồn Dầu xây dựng tường rào và tượng, thánh giá tại nghĩa trang mới Hòa Sơn 510 triệu đồng...

"Thôn cũ" Cồn Dầu vắng vẻ, hai bên con đường bê tông dẫn vào thôn là những ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, đối lập hoàn toàn với khung cảnh hiện đại tại khu tái định cư.     Ảnh: D.HÙNG

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ thú thực với chúng tôi rằng, so với cư dân tại các khu vực khác, thì giáo dân ở Cồn Dầu đã được chính quyền thành phố quan tâm, tạo điều kiện tốt hơn, ưu ái nhiều hơn. Những tưởng thiện chí ấy của thành phố sẽ được sự đồng thuận của tất cả người dân Cồn Dầu để dự án được triển khai nhanh chóng, thuận lợi hơn, vậy nhưng có một số ít hộ dân vẫn cố tình không nhìn thấy.

(còn nữa)

D.N.H