Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không phù hợp

Thứ bảy, 03/02/2024 06:50
Chiều 2-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), chủ trì Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp.

Nhiều rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách được tập trung tháo gỡ

Phiên họp thảo luận về kết quả, những hạn chế và nguyên nhân trong công tác CCHC năm 2023; giải pháp đẩy mạnh CCHC năm 2024 trên 6 lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong công tác cải cách thể chế, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; các bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 92 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 372 Thông tư; HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành 3.427 văn bản quy phạm pháp luật.

Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 26 Tổ công tác cải cách TTHC (Tổ Công tác) để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; kiện toàn Ban Chỉ đạo; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch, đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính, bất động sản… Nhiều rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách đã được tập trung tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh; các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định; 14 bộ, ngành thực thi phương án phân cấp 86 TTHC, nâng tổng số TTHC được phân cấp từ năm 2022 đến nay là 153/699 TTHC, đạt 21,9%.

Cùng với đó, có 9 Bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 147 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 49,26%. Đến nay, có 22/22 Bộ, ngành đã xác định và công bố 1.372 TTHC nội bộ; 63/63 địa phương công bố danh mục TTHC nội bộ.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, đến hết năm 2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%. Hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 28,6% và tại các địa phương đạt 45,3%. Năm 2023, hồ sơ TTHC giải quyết đúng hoặc sớm hạn tại bộ, ngành đạt 30,60%; tại địa phương đạt 90,75%.

Mặc dù vậy, Ban Chỉ đạo cho rằng, cơ chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; TTHC vẫn còn những vướng mắc; có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển

Phát biểu kết luận Phiên họp, điểm lại kết quả nổi bật trong công tác CCHC,chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc thực hiện tốt CCHC sẽ đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nhấn mạnh, đầu tư cho CCHClà đầu tư cho phát triển; CCHC phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực; CCHC để tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới, thành công mới…, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, tập trung thực hiện, hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm năm 2024; chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp; tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa có mức độ rủi ro thấp hoặc không có rủi ro.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các quy định để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và các quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân.

Phạm Tiếp