Ươi được mùa, được giá, người dân đổ xô vào rừng hái, nhặt
Cây ươi 4 năm mới cho ra trái 1 lần. Ươi năm nay được mùa lại giá cao. Do đó những ngày qua, người dân trong và ngoài TP Đà Nẵng đổ xô vào rừng tìm hái, nhặt ươi bay rất đông. Nhằm ngăn chặn tình trạng người dân xâm hại, chặt cây ươi để lấy quả như những năm trước, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và kiểm lâm tăng cường tuyên truyền, chốt chặn, kiểm soát…
Những ngày đầu tháng 7, khi ươi bắt đầu chín, người dân các xã miền núi, gần dãy Trường Sơn rảo xe máy qua các tuyến đường cạnh rừng già ở các xã Bến Giằng, Khâm Đức, Phước Sơn… (TP Đà Nẵng) để tìm kiếm ươi bay. Họ đưa mắt về phía núi, dừng xe, nhìn kĩ khi có đóm màu đỏ cánh ván lọt thỏm giữa màu xanh đại ngàn, nơi đó có những cây ươi đang chín.
Từ sáng tinh mơ, anh Nguyễn Hữu Thức (xã Quế Phước, TP Đà Nẵng) cùng nhóm người thân đi xe máy đến những nơi có nhiều cây ươi. Nhóm anh Thức mang theo võng, nồi niêu, chén bát, thực phẩm. Khi cần, cả nhóm sẽ ngủ lại qua đêm trong rừng để sáng hôm sau tiếp tục tìm nhặt ươi.
“Chúng tôi đi chung, chỗ nào có thì dừng lại, cất xe máy bên ngoài rồi đi vào rừng, sau đó chia nhau ra lượm ươi bay. Mọi người cùng cố gắng, nếu may mắn thì thu nhập cũng khá. Như chuyến trước tôi cùng nhóm bạn nhặt ươi 3 ngày, chia mỗi người gần 2 triệu. Thu nhập như vậy cũng ổn, đỡ hơn đi làm keo thuê hoặc phụ hồ”, anh Thức nói.
Mùa ươi năm nay, giá ươi bay cao hơn nhiều so với các năm trước nên người đi nhặt quả ươi rất đông. Theo người dân đi nhặt ươi cho biết, do ươi được giá nên rất nhiều thương lái chờ sẵn tại các khu vực cửa rừng lùng sục mua ươi. “Chúng tôi đi hái ươi vừa ra khỏi rừng đã có người đứng chờ mua. Ươi bay có giá lên đến 500.000 đồng, có bao nhiêu họ cũng mua hết”- anh Nguyễn Thanh Hùng (trú xã Ninh Phước) thông tin thêm.
Bà Huỳnh Thị Tuyên, chủ vựa thu mua ươi tại xã Khâm Đức (TP Đà Nẵng) cho biết, đầu mùa đến nay, gia đình bà đã thu mua được gần 10 tấn ươi, tùy theo từng loại ươi sẽ có các mức giá khác nhau. “Ươi loại 1 là ươi tự già, bay từ trên cây xuống, còn gọi là ươi bay, được mua với giá 450 đến 500.000 đồng; loại ươi người dân leo lên cây hái thì có giá từ 300 đến 400.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn nhiều so với những năm trước”- bà Tuyên nói và cho biết thêm, ươi sau khi thu mua được xuất bán sang Trung Quốc. Tại nước ta, quả ươi chủ yếu làm nước giải khát, nhưng tại Trung Quốc và các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc…, người ta mua về để chế biến thuốc, thực phẩm chức năng.
Do ươi được giá nên có tình trạng người dân trèo lên cây để chặt hái ươi xanh. Trước tình trạng đó, nhằm bảo vệ cây ươi, các Ban quản lý rừng trên địa bàn đã tăng cường kiểm tra, chốt chặn. Ông Lê Quang Tính - Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn cho biết, những ngày qua, đơn vị cắt cử lực lượng túc trực tại các chốt để kiểm soát người dân ra vào rừng. “Người dân sẽ được tạo điều kiện vào rừng tìm nhặt ươi bay, nhưng không được mang theo dao rựa hay các dụng cụ có thể gây tác động đến cây ươi”- ông Tính nói.
Cũng theo ông Tính, trước đây tình trạng chặt phá cây ươi để lấy quả xảy ra nhiều, nhưng những năm gần đây, khi được tuyên truyền thì người dân đã ý thức hơn, không còn tình trạng chặt hạ cây ươi để hái trái. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xảy ra tình trạng người dân leo lên cây chặt cành hái ươi xanh. Điều này sẽ tác động đến cây rừng, nếu phát hiện vi phạm sẽ tịch thu ươi và xử phạt nặng…
TRẦN TÂN