Báo động “cơn lốc” lừa chạy việc

Bài cuối: Mất tiền vì tin “sếp”

Thứ hai, 26/06/2017 13:34

Trả giá!

(Cadn.com.vn) - Chiêu trò lừa xin việc vào công chức đã khiến một số cán bộ có chức quyền phải trả một cái giá rất đắt. Lê Thị Châu (1962, trú P. Tây Lộc, TP Huế, TT-Huế), nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục TT-Huế đang thụ án về tội “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi có thâm niên 17 năm là giáo viên đứng lớp, năm 2008, Châu được chọn vào vị trí Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, kiêm thủ quỹ Công đoàn ngành. Châu khai nhận, bắt đầu chiếm đoạt tiền quỹ từ năm 2008. Trong những lần bị kiểm tra, Châu che đậy bằng cách vay mượn tiền của người khác bù vào khoản thâm hụt. Bị cáo khai nhận mỗi lần chiếm đoạt ít nhất 3 - 5 triệu đồng, lần nhiều nhất 25 - 30 triệu đồng, tổng số 667 triệu đồng.

 Điều đáng nói, ngoài tội “Tham ô tài sản”, từ năm 2010 đến năm 2012, Châu nhận 300 triệu đồng của 5 sinh viên, hầu hết mới ra trường, trú H. Phong Điền - nơi Châu từng đi dạy và một số giáo viên đang công tác có nguyện vọng chuyển trường. Trong số 5 nạn nhân này, người bị bà Châu chiếm đoạt nhiều nhất là 85 triệu đồng, người thấp nhất là 25 triệu đồng. Một bị hại (xin giấu tên) từng là học sinh cũ của Châu kể: Khi em chuẩn bị ra trường, bạn bè ai cũng nói cứ gặp “sếp” Châu thì có “chân” đi dạy ngay. Theo đề nghị của cô Châu, mẹ em phải vay mượn đưa trước 70 triệu đồng, số còn lại cô Châu nói khi nào xong việc sẽ đưa sau. “Số tiền đó gia đình em phải vay mượn, hơn 3 năm nay vẫn chưa trả được. Chừ cô ấy vào tù rồi biết tháng ngày nào ra mà trả. Cũng tại em, do thấy cô làm “sếp” nên tin tưởng, thúc giục gia đình đi vay”.

Lê Thị Châu lãnh án 23 năm 6 tháng tù. 

Tại phiên tòa, khi nghe Châu trình bày về việc sử dụng số tiền “dùng để ăn chơi đua đòi” cả HĐXX lẫn người dự tòa đều ngã ngửa. Chồng Châu cho biết, gia đình vẫn sống ở nhà tập thể. Hầu hết số tiền Châu chiếm đoạt được đều sử dụng vào chi tiêu cá nhân. Gia tài của vợ chồng chỉ có một thửa đất nhỏ do gom góp mua nhưng đã đem thế chấp ngân hàng và đã bị kê biên. “Bà Châu vào tù, tài sản chẳng có gì, chắc là tôi mất tiền thật rồi” - bà Ngô Thị Ph. từng đưa tiền nhờ Châu xin việc cho con than thở. Bà Ph. cho biết, thông qua mối quan hệ bạn bè, lại nghe bà Châu đang công tác trong ngành Giáo dục tỉnh nên khi được “sếp” này hứa hẹn xin việc giúp với giá 100 triệu đồng, bà Ph. không hề nghi ngờ gì. Để có số tiền 100 triệu đồng xin việc cho con, bà Ph. phải mang sổ đỏ ngôi nhà đang ở ra ngân hàng thế chấp. “Giờ tiền mất, con lại thất nghiệp cộng với khoản lãi ngân hàng phải trả hằng tháng, có lẽ gia đình tôi không sống nổi. Tôi ân hận quá” - nạn nhân này than thở. Ngoài việc nhận tiền để chạy việc nhưng không làm, Châu còn nhận tiền của nhiều giáo viên để “lo” chuyển trường và cũng không thực hiện. Tòa tuyên phạt bị cáo Châu 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 7 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt chung 23 năm 6 tháng tù giam.

Cũng vì lừa xin việc để chiếm đoạt tiền, cuối năm 2016, Nguyễn Văn Tùng (1963,  nguyên Phó Bí thư Đảng ủy P. Phú Cát, TP Huế) bị TAND tỉnh TT-Huế tuyên phạt 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài việc lừa bán đất “ảo”, với mục đích chiếm đoạt tài sản, Tùng còn lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết, nói dối là mình có khả năng xin việc làm tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh TT-Huế. Trong khoảng thời gian ngắn, Tùng đã nhận tiền của 9 người rồi chiếm đoạt tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng. Tại cơ quan CA cũng như phiên tòa xét xử công khai, các nạn nhân của Tùng đều cho rằng: “Ông Tùng làm việc trong một cơ quan Nhà nước, cứ nghĩ ông rất uy tín. Hơn nữa, ông lại làm “sếp” nên khi giao tiền gián tiếp hay trực tiếp cho ông Tùng nhờ xin việc, ai cũng yên tâm…”.

Nguyễn Văn Tùng lãnh 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Người dân cần nêu cao cảnh giác

Theo chia sẻ của các điều tra viên, qua các vụ án nói trên cho thấy, chiêu trò lừa đảo chạy việc làm tuy không mới, nhưng lại qua mặt được rất nhiều người, bởi các đối tượng nắm được tâm lý của một bộ phận người dân là mong muốn cho con em mình có một nơi làm việc tốt. Với suy nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, không ít người đã phải vay mượn khắp nơi hoặc bán hết tài sản để đưa tiền cho các đối tượng và rồi chờ đỏ mắt ngày này qua tháng nọ mà việc thì chẳng thấy đâu.

Thượng tá Đinh Xuân Đại - Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự CA tỉnh TT-Huế cho biết: “Hầu hết các đối tượng khi bị bắt đều khai nhận chỉ biết lừa tiền của người dân rồi sau đó chia nhau tiêu xài, còn hồ sơ của các nạn nhân xin chạy việc thì chúng đem… bỏ sọt rác, bởi thật sự các đối tượng không quen biết ai và cũng không biết cơ quan nào có nhu cầu tuyển dụng. Tất cả đều do các đối tượng “vẽ” ra để bịp người dân”. Theo Thượng tá Đinh Xuân Đại, đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm này, ngoài việc phát hiện, xử lý nghiêm của cơ quan CA thì người dân cần nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác. Để hạn chế tình trạng trên, người dân khi có nhu cầu tìm việc thì phải đến trực tiếp cơ quan tuyển dụng để tìm hiểu thông tin; đồng thời, các cơ quan cũng cần công khai các chỉ tiêu tuyển dụng, có như vậy mới tránh được tình trạng “chạy” việc và các đối tượng lừa đảo theo dạng “cò” cũng hết đất sống. Ngoài ra, CA tỉnh đề nghị, những nạn nhân bị lừa đảo cần sớm làm đơn trình báo, tố cáo hành vi của các đối tượng để cơ quan CA củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Bạch Chơn Đông - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ tỉnh TT-Huế cho rằng, trước thực trạng tội phạm lừa đảo bằng hình thức xin việc làm có xu hướng gia tăng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên vội vàng đặt niềm tin tuyệt đối vào những đối tượng môi giới. Theo quy định hiện hành, khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan sẽ phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hơn nữa, hiện nay công tác cán bộ, tuyển dụng lao động, nhất là trong các cơ quan Nhà nước ngày càng được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch. Do đó, mỗi người dân khi có nhu cầu về việc làm cho người thân của mình, cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác nhất, tránh tình trạng tiền mất mà việc làm vẫn không xin được.

Hải Lan