Lấp lánh tình thầy cô, tình đời:

Bài cuối: Nối dây cho những cánh diều

Thứ tư, 09/08/2017 11:00

Bằng tình thương yêu học trò, các thầy cô và những người làm công tác trong ngành GD-ĐT đã, đang lặng thầm góp phần cùng xã hội tiếp sức cho những học sinh vì hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường...

Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn trao học bổng cho các em HS vượt khó
đạt thành tích tốt trong học tập. 
    Ảnh: N.H.S

Cách đây hơn 1 tháng, trong lần đi viết về trường hợp 2 chị em mồ côi cha, mẹ đau ốm thường xuyên nuôi con bằng gánh xôi, vươn lên học giỏi ở P. Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, tôi được nghe em Phan Thị Ngọc Hân bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các thầy cô Trường THPT Ngũ Hành Sơn, đặc biệt là cô Hồ Thị Minh Hòa và thầy Mai Đăng Khoa. 

Hân kể rằng, biết hoàn cảnh gia đình em nghèo khó nên suốt 3 năm theo học tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, em được thầy Khoa dạy thêm miễn phí môn Toán. Một thời gian dài sau đó, vì áy náy, Hân năn nỉ xin thầy cho phép mình được trả nửa học phí. Hè năm nay, biết tin Phan Ngọc Quý, em trai Hân, đỗ vào lớp 10 trường chuyên Lê Quý Đôn, thầy Khoa lại tiếp tục nhận dạy thêm miễn phí…

Còn cô Minh Hòa (GV dạy ngoại ngữ) thì cho Hân mượn chiếc xe Dream làm phương tiện đi lại suốt 4 năm qua, kể từ khi em đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Xúc động trước câu chuyện Hân kể, tôi tìm đến nhà ở số 96-Nguyễn Sơn thì cô Hòa nhẹ nhàng từ chối: "Chuyện đó bình thường thôi, có gì đâu mà kể?". Phải khó khăn lắm, tôi mới được cô Hòa chia sẻ cảm nghĩ của mình về trường hợp giúp em Hân. "Hồi ấy, tuy học lớp 12 nhưng trông Hân nhỏ bé như HS THCS. Em học giỏi đều các môn, rất ngoan hiền. Qua giáo viên chủ nhiệm, tôi được biết gia đình em rất nghèo. Vì thế, tôi động viên em nếu đỗ đại học sẽ cho mượn xe để đi học. Sở dĩ tôi nói vậy vì không muốn em mặc cảm, tự ti; muốn em thoải mái nhận xe làm phương tiện đi học. Tôi nghĩ việc làm của mình rất bình thường. Trước đây, tôi từng được nhiều người giúp đỡ, nên khi cuộc sống đỡ vất vả hơn thì muốn chia sẻ với những hoàn cảnh không may mắn. Đó cũng là cách tôi tri ân với những gì đã được giúp đỡ trước đó mà thôi".

Qua cô Hòa, được biết, chiếc xe máy đó cô từng cho một HS mượn đi học ĐH. Sau khi học thành tài, HS này đã chuyển trả lại và chiếc xe đó tiếp tục được cô trao cho Hân sử dụng. Mỗi người có cách giúp đỡ cho những mảnh đời kém may mắn khác nhau, nhưng không hiểu sao tôi thấy rất cảm kích và trân trọng trước cách gíup đỡ học trò của cô Minh Hòa. Theo cô Hòa, so với nhiều tấm gương hết lòng vì HS ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn thì việc làm của mình "vô cùng bé nhỏ". "Ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn nơi tôi theo dạy suốt gần 20 năm qua, có người dùng số tiền lương ít ỏi của một nhân viên tạp vụ để giúp đỡ một HS đang có ý định bỏ học tiếp tục học, tốt nghiệp THPT, trở thành một công dân tử tế. Cô ấy tên Phan Thị Tình, hiện đã về hưu", cô Hòa chia sẻ.

Khi chúng tôi tìm đến nhà cô Tình ở trong con hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai thì được biết chồng cô vừa qua đời. Cũng như cô Hòa, cô Tình từ chối khéo không muốn kể về những việc đã làm, bởi cho đó là việc bình thường, cần phải làm để giúp những HS có hoàn cảnh khó khăn hoặc vì một lý do nào đó không muốn tiếp tục việc học. "Ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn có nhiều tấm lòng quan tâm, yêu thương học trò lắm. Có nhiều em không có tiền mua BHYT, không có tiền đóng học phí, thấy cảnh đó, nhiều người trong trường đã lấy lương của mình để đóng cho các em, như cô Lê Thị Phương Lan thủ quỹ chẳng hạn. Tôi cũng chỉ giúp trong điều kiện có thể của mình thôi, không nhiều nhặn gì, nên đừng viết, xấu hổ lắm!". Đáng trân trọng hơn, cô Tình còn tìm cách động viên, khích lệ một HS chán học tiếp tục hoàn thành chương trình lớp 12. Giờ HS này đã có công việc làm tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần về Đà Nẵng, em đều ghé đến nhà thăm cô Tình. Nghe đâu, Tết vừa rồi em đưa mẹ, bạn gái đến chúc Tết...

Đem những mẩu chuyện này chia sẻ với  thầy Trần Đạt- Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn, tôi nhận được từ thầy câu trả lời vừa khiêm tốn nhưng không giấu vẻ tự hào: "Gắn bó ngôi trường này từ những ngày đầu thành lập đến nay gần 20 năm, tôi lấy làm hạnh phúc khi được công tác với đội ngũ hội đồng sư phạm nơi đây. Thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên ở trường hay lắm. Bằng tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm, họ lặng thầm giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn mà không cần ai biết đến. Không chỉ có cô Hòa, thầy Khoa, cô Tình, cô Lan, tất cả những người đang công tác tại trường đều có tấm lòng như vậy!".

Qua thầy Đạt, được biết, phong trào giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường luôn được nhà trường chú trọng, không chỉ lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mà còn lan tỏa HS toàn trường. 10 năm qua, cứ đến tháng 12 âm lịch, nhà trường lại phát động phong trào nuôi heo đất trong HS để tặng quà tết cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Cách thức tặng quà tết cho HS nghèo vừa tình cảm, vừa tế nhị. Theo đó, sau khi đập heo đất để thống kê số tiền mỗi lớp đóng góp được, nhà trường  giao lại cho các lớp để giáo viên và HS tự đi mua quà về tặng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. "Cách làm này đã tạo được sự hưởng ứng nhiệt tình trong toàn thể HS. Còn những em được lớp tặng quà thì vừa xúc động trước tình cảm sẻ chia của bạn bè dành cho mình, vừa không cảm thấy mặc cảm, tự ti. Số tiền phát động từ việc nuôi heo đất của HS trong toàn trường tăng theo từng năm. Năm học 2016-2017, tổng số tiền mà các em đóng góp trên 26 triệu đồng, nhiều nhất trong 10 năm qua!", thầy Trần Đạt tâm sự.

Không chỉ có thế, Trường THPT Ngũ Hành Sơn còn là một trong những trường có phong trào Hội chữ thập đỏ rất mạnh. Ngoài số do tập thể nhà trường đóng góp, thông qua việc kêu gọi, vận động từ các đơn vị, doanh nghiệp, các tấm lòng hảo tâm, phong trào của Hội chữ thập đỏ trường Ngũ Hành Sơn nhiều năm qua đã góp phần tiếp sức, nâng bước chân nhiều thế hệ học trò có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Gần đây nhất, đầu học kỳ II năm học 2016-2017, khi phát hiện một HS ở lớp 12/6 cứ "ba bữa học lại hai bữa nghỉ", thầy Trần Đạt đã gọi lên phòng làm việc hỏi nguyên nhân thì được biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên buổi tối em tranh thủ đi làm thêm tại các quán cà-phê để kiếm tiền phụ giúp gia đình (800.000 đồng/tháng). Thầy Đạt khuyên em nghỉ làm thêm ban đêm, chú tâm vào việc học. Mỗi tháng nhà trường sẽ hỗ trợ cho em 500.000 đồng từ Quỹ hội chữ thập đỏ của trường. "Điều chúng tôi mong muốn là thông qua việc làm của nhà trường sẽ gieo vào trong các em cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên bài học về lòng nhân ái, biết sẻ chia, tương thân, tương ái", thầy Trần Đạt nói.       

Có rất nhiều thế hệ HS trưởng thành tâm sự rằng, điều họ nhớ nhất khi nhớ về trường xưa, thầy cũ không chỉ ở những kiến thức học được mà ở nhân cách, tấm lòng của các thầy cô, của những người công tác trong lĩnh vực giáo dục. Chính tấm lòng, sự quan tâm, yêu thương hết mực vì HS thân yêu đó, cùng sự đồng hành của toàn xã hội, của các tấm lòng hảo tâm đối với sự nghiệp trồng người đã gieo những hạt vàng, giúp các thế hệ học trò biết trân quý giá trị đẹp của cuộc sống, để không ngừng nỗ lực, vượt khó khăn vươn lên, trở thành  công dân hữu dụng cho xã hội.

P.THỦY