Những dòng sông không yên tĩnh:

Bài cuối: Tôi đi mật phục "cát tặc"

Thứ ba, 11/07/2017 10:26

(Cadn.com.vn) - Phải chờ đợi nhiều ngày, tôi mới được lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường (CA tỉnh Quảng Nam) cho phép đi theo các trinh sát để mật phục bắt "cát tặc". Đến ngày hẹn, Trung tá Phan Phú Phượng, Đội trưởng Đội 3 (Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh Quảng Nam) gọi điện thông báo: "Tối nay em đến điểm hẹn, phải tuyệt đối giữ bí mật chuyến đi". Khi tôi đến điểm hẹn vào lúc 19 giờ, 3 trinh sát đã có mặt sẵn ở đó. Để giữ bí mật cho chuyến đi, tôi được các anh dẫn đi qua nhiều con đường làng ngoằn ngoèo, trước khi gửi xe để đi bộ gần 2km đến điểm tập kết.

Đón chúng tôi là một ngư dân, cùng chiếc thuyền nhỏ ông mưu sinh hằng ngày. Đến lúc này, điểm mật phục mới được các trinh sát tiết lộ là tuyến sông từ cầu Câu Lâu (Duy Xuyên) cho đến cầu Cửa Đại (Hội An). Chiếc thuyền nhỏ nổ máy, chúng tôi phải nằm dài xuống sàn như yêu cầu của ông H., người chấp nhận đưa tham gia chuyến mật phục mà bây giờ tôi mới biết tên. "Các anh phải nằm hết xuống, không là chúng nghi ngờ là trốn hết đó". Đêm nào cũng mưu sinh trên sông Thu Bồn nên ông H. biết rõ từng địa điểm mà "cát tặc" hoạt động, chỗ nào chúng hút cát xây dựng, chỗ nào chúng hút để lấy cát san nền, ông đều nắm rõ. Ông H. kể, trước đây những thuyền hút cát trộm rất lộng hành, cứ đêm xuống là nhiều đoạn sông Thu Bồn ầm ào tiếng máy hút. Ông H. và nhiều ngư dân ở đây rất bức xúc trước thực trạng này, bởi "cát tặc" khiến môi trường thay đổi, nguồn lợi thủy sản vì thể cũng cạn dần. "Thời gian gần đây CA tỉnh bắt nhiều thuyền hút cát nên chúng hạn chế hoạt động, nhưng vẫn còn lén lút, đêm hôm trước tôi thấy có 4 thuyền lớn hút ở đoạn sông phía trên cầu Cửa Đại, nên nhiều khả năng đêm nay chúng lại hút trộm ở đó", ông H. thông tin.

Tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra thời gian qua
khiến nhiều bãi bờ trên sông Thu Bồn sạt lở.

Đêm trên sông Thu Bồn không tĩnh lặng, vẫn ngược xuôi những chiếc thuyền bắt cá, cào hến của ngư dân và ẩn khuất đâu đó là những con tàu há mồm chực chờ moi ruột dòng sông. Tấp vào cồn cỏ nằm gần cầu Cửa Đại, các trinh sát và tôi lại ẩn mình trên nền đất, lặng im chờ đợi "cát tặc" xuất hiện. Thỉnh thoảng, có vài chiếc thuyền nhỏ quét đèn pha về hướng cồn cỏ nơi chúng tôi đang nằm. "Chúng đi kiểm tra đó", một trinh sát thì thầm để yêu cầu tôi nằm yên. Trung tá Phạm Phú Phượng cho biết, khi lực lượng CA tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh truy bắt thì các đối tượng trộm cát cảnh giác hơn, chúng tổ chức dò la về hoạt động của lực lượng CA, cử người cảnh giới trên tuyến sông và các ngả đường. "Thấy người lạ ở các tuyến đường gần sông hoặc thấy thuyền đánh cá nào có nhiều người là chúng nghi ngờ và ngừng hoạt động ngay. Vì thế muốn mật phục bắt được các thuyền khai thác cát trái phép là phải giữ tuyệt đối bí mật", Trung tá Phạm Phú Phượng nói.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy (CA tỉnh Quảng Nam) bắt giữ hai thuyền hút trộm cát
trên sông Thu Bồn vào ngày 5-7.

"Cát tặc" hoạt động không có quy luật hay địa điểm nào cụ thể, chúng chạy dọc tuyến sông, thấy chỗ nào thuận lợi là hút. Nếu như trước đây, những chiếc máy hút  phát ra âm thanh rất lớn thì nay "cát tặc" trang bị máy công suất lớn, chạy êm, chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ là có thể hút đầy thuyền hơn 40 khối. Thế nên, việc phát hiện ra chúng không phải đơn giản. Các trinh sát phải mật phục, lần theo từng dấu vết trên sông. Đêm đó, nằm giữa cồn cỏ, chúng tôi bị muỗi và côn trùng chích nát da, ấy thế mà các trinh sát vẫn nằm yên mai phục, mắt không rời khỏi dòng sông. Với cách làm như vậy, thời gian qua các trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường (CA tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp hút cát trái phép.

Như vào khuya ngày 23-6, tổ mật phục đã phát hiện thuyền máy ĐNa-0037, do ông Lê Mười (trú xã Bình Đào, H. Thăng Bình) đang hút cát trái phép trên sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Duy Vinh và Duy Thu. Thời điểm bắt quả tang, trên thuyền có hơn 32m3 cát. Cũng trong đêm đó, các trinh sát phát hiện thuyền QNa- 0282, do ông Phan Văn Lanh (trú  xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên) đang trộm cát tại nhánh sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Duy Phước (H. Duy Xuyên), trên thuyền có 14m3 cát. Điều đáng nói, những đối tượng này khai nhận mình chỉ làm thuê cho người khác, với mỗi đêm hút trộm cát được "ông chủ" trả từ 300 đến 500 nghìn đồng. Hiện tỉnh Quảng Nam đang rất mạnh tay xử lý nạn khai thác cát trái phép, mỗi phương tiện bị phát hiện hút trộm cát sẽ bị phạt nặng, nhiều trường hợp còn bị tịch thu.

Tuy nhiên, điều đó không làm nhiều "ông chủ" đứng sau lưng những thuyền hút trộm cát lo sợ. Họ sẵn sàng bỏ kinh phí ra để đóng lại thuyền, sắm máy hút, rồi sau đó thuê nhân công đi trộm cát trên sông. Bởi vì nguồn tài nguyên cát ngày càng hiếm, giá mỗi mét khối cát tăng chóng mặt trên thị trường để đáp ứng nhu cầu xây dựng, thế nên cát mới được ví như "vàng trắng". Nếu một đêm hút trộm thành công, những chiếc thuyền sẽ mang về nguồn lợi rất lớn cho các "ông chủ". Để đấu tranh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, CA tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều lực lượng, ngoài Phòng Cảnh sát môi trường, còn có lực lượng Cảnh sát đường thủy (thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông). Mới đây vào khoảng 2 giờ sáng 5-7, tổ tuần tra Đội CSGT đường thủy phát hiện, bắt giữ hai tàu hút cát trái phép với khối lượng lên đến gần 150 m3.

Tại đây, Đội CSGT đường thủy đã bắt quả tang tàu hút cát số hiệu QNa- 0999 do ông Tăng Văn Hạnh (xã Duy Thu, H. Duy Xuyên) đang trộm cát trên sông Thu Bồn, trong thuyền chứa 65m3 cát. Cùng thời điểm trên tổ tuần tra cũng bắt giữ tàu hút cát do ông Ngô Văn Kỷ (xã Duy Châu, H. Duy Xuyên) điều khiển, khi tàu này đã hút trộm hơn 80 m3 cát. Đây là vụ phát hiện, bắt giữ tàu hút cát trái phép có khối lượng lớn nhất kể từ khi triển khai đợt cao điểm tuần tra, xử lý trên sông Thu Bồn suốt hơn một tháng qua của Phòng CSGT CA tỉnh Quảng Nam. Đại úy Lê Phan Minh Mẫn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy chia sẻ: "Để bắt quả tang những chiếc thuyền trộm cát trên sông quả thật rất khó khăn. Họ sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, thậm chí còn bố trí người theo dõi ngược lại cơ quan thi hành nhiệm vụ. Vì vậy để phát hiện hành vi hút trộm cát, chúng tôi phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông". Trong 2 tháng trở lại đây, lực lượng Cảnh sát đường thủy (CA tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện, bắt giữ 7 vụ khai thác cát, sỏi trái phép, thu giữ 9 thuyền và nhiều vật tư, phương tiện phục vụ cho việc khai thác cát, sỏi trái phép...

Trở lại với đêm mật phục, các trinh sát và tôi thao thức trên bãi cỏ để chờ đợi cát tặc, tuy nhiên đến 2 giờ sáng vẫn không thấy dấu hiệu gì. Ông H. chở chúng tôi lặng lẽ chạy ngược về hướng cầu Câu Lâu, để tiếp tục tìm dấu vết "cát tặc", tuy nhiên vẫn không phát hiện chiếc thuyền nào hoạt động. "Chắc mấy hôm nay CA làm mạnh quá nên đêm nay chúng sợ không làm", ông H. lý giải. 4 giờ sáng, thuyền ông H. trả chúng tôi ở vị trí cũ, kết thúc một đêm mật phục bắt "cát tặc". Tôi mệt nhoài, nằm dài trên giường nhà trọ, trong lúc đó, các trinh sát vẫn tiếp tục bàn tính cho chuyến mật phục vào đêm tiếp theo. Một trinh sát nói với tôi: "Nếu không làm liên tục thì chỉ được vài hôm là chúng lại tiếp tục trộm cát". Thế mới biết, cuộc chiến với "cát tặc" vẫn còn dai dẳng và phức tạp lắm.

HOÀNG ANH