Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” ở Hòa Bắc
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà cho biết, Hòa Bắc là xã miền núi và là một trong hai xã trên địa bàn Đà Nẵng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Ngoài đồng bào Cơ Tu với 257 hộ, 821 khẩu, người theo đạo trên địa có gần 750 tín đồ. Đảng bộ xã có 13 chi bộ trực thuộc, với 206 đảng viên, trong đó đảng viên là người DTTS 60 người.
Những năm qua, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy đã tăng cường đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành, duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao; triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị với nhiều đổi mới, trong đó chú trọng gắn việc đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực; luôn bám sát quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đồng thời, thực hiện nghiêm cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.
Thời gian qua, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách của cấp trên và ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương lớn trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương; phấn đấu xây dựng xã Hòa Bắc thành xã nông thôn mới kiểu mẫu có bản sắc văn hóa riêng, là địa điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có chất lượng, uy tín gắn với bảo vệ môi trường, phát triển rừng bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Từ bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực để thực hiện 3 chương trình Mục tiêu quốc gia ở 3 khía cạnh (giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại địa phương) và luôn đặt “Người dân là chủ thể, là trung tâm” và “người dân là người trực tiếp được hưởng lợi”. Mọi chủ trương trên các lĩnh vực đều được Đảng ủy xã chỉ đạo thảo luận, bàn bạc, lấy ý kiến của người dân, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; nhiều chính sách như giao đất, giao rừng cho người đồng bào DTTS, miễn giảm học phí… đã và đang được triển khai, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào DTTS. Vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của người dân trên địa bàn được phát huy rõ nét qua việc vận dụng bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; dân vận cũng được triển khai trên tinh thần “dân biết”, phát huy “sức dân, lòng dân”… nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân nói chung và đồng bào Cơ Tu nói riêng.
Đặc biệt, định hướng và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội được Đảng ủy xã đề ra trên cơ sở bám sát tình hình thực tế tại địa phương, trong đó luôn ưu tiên phát triển kinh tế rừng, phát triển nông nghiệp có hỗ trợ ở vùng có đồng bào DTDS. Đến nay, xã đã thực hiện cấp đất cho 116 hộ đồng bào Cơ Tu triển khai trồng rừng sản xuất, đã có 15 hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 233,68 ha. Các mô hình phát triển kinh tế, chăn nuôi được hình thành, có nhiều khởi sắc như mô hình Lan Mokara, nuôi chồn, nuôi gà thả đồi, ưu tiên các nguồn lực tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát huy nguồn lực từ trong chính nhận thức và hành động của người dân… Từ sự hỗ trợ của các cấp cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, trong nhiều năm qua, văn hóa Cơ Tu được bảo tồn, tạo dấu ấn khá rõ nét. Cụ thể, đã phục dựng được các lớp học dệt thổ cẩm truyền thống, mây tre đan lát, tổ văn nghệ tung tung za zá, tổ điêu khắc gỗ, ẩm thực, hoạt động thường xuyên và ổn định; duy trì việc thường xuyên tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của người Cơ Tu như, lễ hội văn hóa Cơ Tu, lễ hội Mừng lúa mới.
Với đặc thù là một xã miền núi có địa bàn rộng, hiểm trở, lại giáp ranh với nhiều địa phương nên công tác quốc phòng, an ninh được Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đặc biệt chú trọng. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động, xây dựng, củng cố mạnh mẽ, sâu rộng, phát huy vai trò của nhân dân, đặc biệt là đội ngũ người có uy tín, lực lượng nòng cốt, cốt cán là người đồng bào Cơ Tu, Già làng, trưởng bản trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Củng cố, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về ANTT như mô hình “Thôn tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, “Thôn không có tội phạm ma túy”, “Con em đồng bào dân tộc Cơ Tu nói không với tệ nạn xã hội”... Công tác phối hợp giữa Công an với Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, quy chế phối hợp giữa các vùng giáp ranh trong công tác bảo vệ, giữ gìn ANTT được duy trì, hoạt động có hiệu quả. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã nhiều năm liền được đánh giá giữ vững, đảm bảo ổn định.
Nhìn chung, việc vận dụng bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân ở Hòa Bắc đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ; rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian đến.
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã được nghe những ý kiến của những người có uy tín, Già làng trong cộng đồng đồng bào Cơ Tu.
Ông Đào Đoan Hùng cho biết, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp các kinh nghiệm thực hiện công tác dân vận về Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới của Đảng ủy xã Hòa Bắc để báo cáo Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học trọng điểm cấp quốc gia trong thời gian đến. Theo kế hoạch, Đoàn Khảo sát sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương, đơn vị và Thành ủy Đà Nẵng về đề tài này.
Hồng Thanh