Bài học Genève

Thứ bảy, 19/07/2014 06:38

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-7, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Genève (20-7-1954 - 20-7-2014) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam - dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khó của dân tộc giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, diễn văn tại lễ kỷ niệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ôn lại những kỷ niệm của cuộc kháng chiến trường kỳ, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, cùng quá trình đàm phán gay go, quyết liệt kéo dài 75 ngày đêm với 31 phiên họp tại Hội nghị Genève.

Chủ tịch nước khẳng định việc ký kết Hiệp định Genève là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và “mỗi nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hiệp định Genève là một bước tiến quan trọng, khẳng định khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn liền với độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước.

Từ thành công của Hiệp định Genève, Chủ tịch nước đánh giá cao 4 bài học kinh nghiệm quý báu để lại sau 60 năm qua đi. Đó là bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh; biết giành thắng lợi từng bước.

Bài học về phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, tận dụng khả năng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của nhân dân ta và nhân dân thế giới.

Bài học về tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển. Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của các lực lượng cách mạng Lào và Campuchia, sự hỗ trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, Chủ tịch nước nêu rõ, sau gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhưng đang đứng trước những khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, tình hình xâm phạm và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và duy trì môi trường hòa bình để xây dựng đất nước.

Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, tăng cường xây dựng lực lượng, đoàn kết nhất trí, vận dụng sáng tạo những bài học của các thế hệ người Việt Nam trong lịch sử, trong đó có kinh nghiệm từ Hội nghị Genève 1954.

Đó là tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu và nguyên tắc cao nhất; đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực mưu toan xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng những cam kết khu vực và luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện đường lối và các chủ trương, chính sách đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành đối ngoại mà trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Cùng với việc tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có phẩm chất chính trị và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần nâng cao năng lực và ý thức của tất cả các tổ chức, cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân trong xử lý những vấn đề liên quan hoặc có yếu tố nước ngoài, tạo lòng tin và tình cảm tốt đẹp của nhân dân các nước đối với Việt Nam, cùng góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

B.T – T.T