Bài học nhãn tiền từ việc 7 thanh niên người Gia Rai bị lừa bán sang Campuchia
Với chiêu trò tìm lao động “việc nhẹ lương cao”, những năm gần đây, không ít thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa trở thành nạn nhân của bọn buôn người từ bên kia biên giới.
Chỉ bằng những cuộc điện thoại và những lời hứa hẹn suông, nhiều thanh niên đã tự tìm đến con đường mạo hiểm, bị đưa qua biên giới bán cho những công ty ở Campuchia. Khi không đáp ứng được yêu cầu của chủ lao động, họ bị bỏ đói, bị đánh đập và bắt gọi điện về nhà đòi tiền chuộc với số tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Câu chuyện 7 thanh niên người Gia Rai ở làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị mắc mưu kẻ xấu, bị bán sang Campuchia không chỉ là nỗi ám ảnh của những người trong cuộc mà còn là bài học nhãn tiền cho những người khác muốn tìm “việc nhẹ lương cao” ở bên kia biên giới.
Hành trình trở thành nạn nhân của bọn tội phạm buôn người của 7 thanh niên ở làng Kloong xuất phát từ việc Cầm Bá Sáu (sinh năm 1995, trú làng Kloong) quen biết với đối tượng Trần Quang Quyết thông qua mạng xã hội Facebook. Quyết nói với Sáu là cần tuyển người đi làm cho công ty vi tính tại tỉnh Tây Ninh với mức lương từ 18-20 triệu đồng/tháng. Quyết hứa với Sáu, nếu giới thiệu được người khác đi làm việc ở Tây Ninh thì sẽ được trả công 1 triệu đồng/người. Vì tham số tiền công đó, Sáu đã giới thiệu những thanh niên cùng làng mình cho đối tượng Trần Quang Quyết.
Trong 7 thanh niên ở làng Kloong bị lừa bán cho những công ty ở Campuchia, có 2 anh em ruột là Puih Thái (1994) và Puih Đại (1998). Vì tin vào những lời hứa suông, những thanh niên này được đưa xuống TP Hồ Chí Minh, rồi tiếp tục đưa qua biên giới tỉnh Tây Ninh, Long An sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Dù biết những thanh niên này không thể đáp ứng được công việc mà chúng cần nhưng những kẻ buôn người vẫn quyết tìm mọi cách móc nối, chúng đã bán những lao động này cho một công ty tại Campuchia với tổng số tiền 13.000 USD (tương đương khoảng 300 triệu đồng).
Công việc mà công ty đòi hỏi là phải biết sử dụng mạng xã hội, sử dụng máy vi tính để thực hiện các hành vi lừa đảo... Tuy nhiên, tất cả 7 thanh niên này đều không đáp ứng được yêu cầu (do không biết chữ hoặc chỉ học hết lớp 5) nên họ bị bỏ đói, đánh đập và yêu cầu số tiền chuộc 150 triệu đồng/người. Sau nhiều lần các gia đình mặc cả với phía công ty bên Campuchia, cuối cùng, chúng đồng ý mức giá chuộc thấp hơn, người nhiều là 90 triệu đồng, người ít là 60 triệu đồng. Với những đồng bào dân tộc thiểu số ở xã nghèo Ia O, huyện Ia Grai, đây là một số tiền rất lớn.
Cùng với việc chạy vạy tiền để cứu người thân trở về, các gia đình ở xã Ia O đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã phối hợp với các đơn vị phía Campuchia đưa những người này trở về quê hương an toàn. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra và bóc gỡ vụ án, đưa những kẻ lừa đảo, buôn người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vụ án đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.
Ông Ksor Chung, trưởng thôn Kloong cho biết, Puih Thái và Puih Đại cũng như một số thanh niên khác trong làng bị lừa bán đã trở thành bài học cho nhiều thanh niên khác trong thôn. “Mỗi khi họp làng, họp thôn, chúng tôi cũng đã nói với bà con rằng, công ty nào muốn tuyển lao động thì cũng phải đăng ký qua ủy ban, qua thôn chứ ai lại tuyển lao động qua điện thoại” - ông Ksor Chung nói.
Cũng theo ông Chung, vì thuộc hộ nghèo nên chính quyền địa phương đã dành cho gia đình này sự quan tâm đặc biệt. Cá nhân lãnh đạo tỉnh Gia Lai khi đi thực tế xuống cơ sở đã tặng cho gia đình Puih Thái và Puih Đại một căn nhà cấp 4 trị giá khoảng 70 triệu đồng. Cả hai anh em sau khi trở về cũng được tạo điều kiện để làm công nhân cạo mủ cao su hay học nghề hàn...
Trung tá Hồ Quốc Dũng- Đội phó Đội phòng, chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các bị can đã xâm phạm đến quyền tự do, quyền con người được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.
C.A.K.T