Bài học về lòng biết ơn, biết trân quý các giá trị thật

Thứ hai, 07/09/2015 10:13

(Cadn.com.vn) - Sáng 5-9, cũng như mọi năm, tôi lại có mặt tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) để dự và đưa tin về lễ khai giảng năm học mới. Dù đã biết trước lễ khai giảng năm nay sẽ có nhiều điểm mới, khác nhưng tôi vẫn bất ngờ với những gì đã diễn ra trong gần 1 giờ tại ngôi trường THPT đứng đầu chất lượng dạy-học này…

1. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bắt đầu bài diễn văn khai giảng bằng câu chuyện kể về một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào một vị trí quản lý tại một công ty lớn. Sau khi xem xong hồ sơ cũng như học bạ của chàng trai này, ông giám đốc cảm thấy khá hài lòng với thành tích mà anh đã đạt được trong suốt những năm THPT và ĐH: Năm học nào cũng đạt danh hiệu xuất sắc. Ông Giám đốc hỏi chàng trai rằng, các học bổng nhận được từ trường có đủ để trang trải cho anh ta không? Khi chàng trai cho biết là "không", vị giám đốc lại hỏi tiếp: "Vậy toàn bộ chi phí học tập là do cha anh lo phải không?".  Chàng trai lại cho biết, cha mất từ khi anh mới 1 tuổi. Toàn bộ số tiền học phí đều do mẹ anh gánh vác. Ông giám đốc lại hỏi: "Mẹ anh làm việc ở công ty nào?".

Chàng trai đáp: "Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo thuê". Ngay lập tức, vị giám đốc này đề nghị chàng trai xòe bàn tay ra cho mình xem. Dù ngạc nhiên, nhưng chàng trai cũng xòe đôi bàn tay ra. Đôi tay của chàng trai trẻ mềm mại và khá đẹp. Xem xong, ông giám đốc lại hỏi: "Trước giờ có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?". Chàng trai trả lời rằng, chưa bao giờ làm việc này và mẹ anh cũng chưa bao giờ bắt anh làm việc đó cả. Điều bà mong muốn là anh phải chăm chỉ học hành, đọc thật nhiều sách. Vị giám đốc yêu cầu chàng trai ngay hôm đó hãy về nhà rửa đôi bàn tay của mẹ và đến gặp ông vào ngày hôm sau. Tuy lấy làm lạ trước yêu cầu rất... đặc biệt này, nhưng chàng trai vẫn chấp nhận lời đề nghị đó.

Anh ta trở về nhà, nói với mẹ hãy để cho anh được rửa hai bàn tay của bà. Lời đề nghị ấy khiến mẹ anh ngạc nhiên, trong lòng trào dâng một niềm xúc động khó tả. Bà đưa tay cho con trai rửa. Lần đầu tiên rửa tay cho mẹ, chàng trai mới chợt nhận ra rằng đôi tay của mẹ nhăn nheo, chằng chịt những vết sẹo và chai sạn... Những cảm nhận ấy khiến chàng trai rơi nước mắt. Sau khi rửa sạch tay mẹ, chàng trai lặng lẽ giành lấy việc giặt nốt chỗ quần áo còn lại trong ngày. Tối hôm đó, anh đã nói chuyện với mẹ rất lâu...

Sáng hôm sau, chàng trai quay lại công ty phỏng vấn. Nhìn vào đôi mắt long lanh của chàng trai, ông giám đốc hỏi: "Anh hãy cho tôi biết, anh đã làm gì và học được những gì ở nhà của anh trong ngày hôm qua?". Chàng trai từ tốn đáp: "Tôi đã rửa đôi tay của mẹ và giặt nốt chỗ quần áo còn lại". "Vậy anh hãy cho tôi biết cảm giác của anh sau những việc làm đó như thế nào?", ông giám đốc đề nghị. Lần này, chàng trai khóc. Anh ta cho biết, mình đã hiểu được nhờ có mẹ mà anh đã có được như ngày hôm nay. Cũng nhờ có mẹ mà anh hiểu được kiếm tiền vất vả biết nhường nào và từ đó nhận thức được giá trị của tình cảm gia đình và lòng biết ơn... Nghe xong câu trả lời của chàng trai trẻ, vị giám đốc hài lòng cho biết: "Đó chính là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý. Tôi muốn tìm những ứng cử viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ của những người khác, người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó và là người không đặt tiền bạc làm mục đích sống duy nhất của mình. Xin chúc mừng! Anh đã được tuyển...".

Kết thúc xong câu chuyện, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói với gần 900 HS đang có mặt tại hội trường (trong đó có 299 HS đầu cấp khối 10) rằng, bài học ngày khai giảng mà thầy cô Trường chuyên Lê Quý Đôn muốn gửi đến cho các em HS chính là bài học về lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, mảnh đất Đà Nẵng. Mới nghe đến đó, cả hội trường lặng đi rồi vỡ òa bằng một tràng pháo tay...

Trong niềm xúc động ấy, Hiệu trưởng Nguyễn Đình Vĩnh nói: "Sống với lòng biết ơn, các em sẽ nhận thấy trái tim và tâm hồn mình thanh thản, nhẹ nhàng. Sống với lòng biết ơn, các em sẽ nhận được sự hòa hợp, yêu thương từ mọi người. Sống với lòng biết ơn, các em sẽ thấy mình vô cùng tự tin và mạnh mẽ...".

Nụ cười các em HS trong ngày khai giảng năm học mới 2015-2016. Ảnh: P.T

2. Từ bài diễn văn khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tôi chợt nhớ đến câu chuyện do ông Ngô Ngọc Hoàng Vương- Trưởng Phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng kể cách đây không lâu. Lần ấy, ông được mời đi nói chuyện về kỹ năng sống, chuyên đề "Rèn luyện những thói quen tích cực và tình cảm gia đình" tại Học kỳ Quân đội do Trung ương Đoàn tổ chức. Thông qua những clip, những hình ảnh và những câu chuyện cụ thể kể về tình cảm gia đình, về sự hy không cần đền đáp của cha mẹ dành cho con cái..., ông khơi dậy và đánh thức trong các em HS về những giá trị thật và những giá trị ảo mà vì những lý do khách quan lẫn chủ quan do môi trường sống đưa lại đã khiến cho một phận không nhỏ giới trẻ ngày nay đã, đang ngộ nhận.

Thực tế, do quá được cha mẹ yêu thương, bảo bọc, tạo mọi điều kiện tốt nhất để học tập nên lâu dần đã hình thành trong không ít em HS-SV hôm nay có suy nghĩ rằng: Việc cha mẹ lo cho mình là trách nhiệm, là điều hiển nhiên phải thế, không có gì bàn cãi. Thậm chí, không ít đứa trẻ được chu cấp đầy đủ đã có suy nghĩ rằng cha mẹ mình là những người giàu có. Các em không hay biết rằng, để có được điều đó, cha mẹ đã phải vất vả, nhọc nhằn biết nhường nào. Quen được hưởng thụ, được bảo bọc, lâu dần, một số em trơ đi cảm xúc quan tâm, chia sẻ với bố mẹ. Trong khi không nhìn ra được những giá trị thật, đẹp đẽ ở gần bên mình, các em lại đi thần tượng, thể hiện tình cảm thái quá với những con người mà các em không hề biết rõ, chưa một lần diện kiến... Sau khi xem những hình ảnh, clip được trình chiếu và lời diễn giải của thầy, đã có rất nhiều HS rơi nước mắt.

Từ bài học mà Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gửi đến cho HS nhân ngày khai giảng năm học mới, và từ câu chuyện kể của Trưởng Phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP Ngô Ngọc Hoàng Vương, tôi lại nghĩ đến các bậc phụ huynh. Không có cha mẹ nào là không yêu con cái, nhưng nếu yêu thương không đúng cách sẽ góp phần khiến con trẻ không ngoan, không thấu hiểu, cảm nhận đúng đắn những giá trị, ý nghĩa đẹp đẽ của cuộc sống mà mình đã, đang có.

Xin đừng quá bảo bọc các em! Hãy dạy cho các em biết trân trọng những giá trị thật của cuộc sống, biết chịu trách nhiệm trước cuộc đời của chính mình và trên hết, phải biết trân quý những giá trị đẹp của gia đình và xã hội.

P.Thủy