Bài toán bảo vệ nữ hoàng linh trưởng
Tiềm ẩn những nguy cơ
Phát hiện ở Sơn Trà từ năm 1969, “ngôi nhà” Voọc chà vá chân nâu hay còn gọi là Voọc ngũ sắc đang sinh sống hiện có khoảng 1.300 cá thể theo nghiên cứu mới nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thực hiện. Ở “vương quốc” này, “nữ hoàng linh trưởng” sống theo bầy, mỗi bầy có từ 5 - 7 con, chỉ ăn lá cây và có 5 màu đặc trưng: Đen, trắng, vàng, nâu đỏ, xám tro… Trên khuôn mặt con trưởng thành, cái và đực đều có bộ râu trắng dài quanh mặt. Nhờ có Voọc chà vá chân nâu, Sơn Trà trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong, ngoài nước.
Ai đó lần đầu tiên đặt chân đến, nếu không có kinh nghiệm thì rất khó bắt gặp được loài linh trưởng đặc hữu được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN thế giới. Các kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, quần thể voọc ở Sơn Trà đang phát triển ổn định, phân bổ trên tất cả các sinh cảnh hiện nay ở bán đảo này, bắt gặp dễ nhất tại những khu vực Hố Sâu, Suối Ôm, tuyến Tiên Sa. Thời gian qua, do quá trình phát triển du lịch, loài voọc ngày càng dạn dĩ, gần hơn với con người, tiềm ẩn nguy cơ làm tổn thương loài voọc. Người ta có thể chứng kiến loài voọc xuất hiện gần con người. Không những di chuyển trên các cành cây và dây leo qua đường, voọc còn đi bộ trên các nền đường bê-tông. Có những đàn voọc ngồi trước ống kính của các thợ săn ảnh rất lâu, như đã quá quen thuộc với sự xuất hiện của con người trong tập tính sinh sống của chúng.
Anh Nguyễn Văn Trường, hướng dẫn viên lâu năm cho biết, một số người dân, du khách vì quá thích thú khi thấy voọc nên có nhiều hành vi không phù hợp như điều khiển phương tiện gây tiếng ồn lớn, tiếp xúc quá gần, cho voọc ăn giống như đàn khỉ… “Những hành vi này về lâu dài có thể làm xuất hiện xung đột giữa voọc với người. Voọc có thể stress, mất tập tính tự nhiên và bị xáo trộn môi trường sống. Cũng không loại trừ có người có ý đồ săn bắt và bẫy bắt voọc”, anh Trường nhận định.
Các chuyên gia về sinh vật cho rằng, bán đảo Sơn Trà có tổng diện tích không lớn nhưng có nhiều tuyến đường bê-tông nên dẫn đến chia cắt sinh cảnh sống, gây khó khăn cho voọc tách nhập đàn, di chuyển và kiếm ăn đến các sinh cảnh khác nhau mà chúng ưa thích. Đường bê-tông còn làm gia tăng những xung đột giữa người và động vật hoang dã như đã từng xảy ra giữa khỉ với người thời gian qua.
Nỗ lực bảo tồn
Dù được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách cần được bảo vệ vô điều kiện, nhưng loài linh trưởng này đang đối diện với nhiều tác động từ cuộc sống con người, đặt ra thách thức không nhỏ cho chính quyền, các ngành chức năng trong công tác gìn giữ, bảo tồn.
Để bảo vệ quần thể voọc, đầu tháng 8-2022, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt tiếp nhận Dự án “Hoạt động bảo tồn hướng đến 2 loài linh trưởng nguy cấp tại Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19” do Tổ chức Synchronicity Earth (Vương quốc Anh) tài trợ, với kinh phí hơn 943 triệu đồng, giao GreenViet tiếp nhận và thực hiện. Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc GreenViet cho biết, tiếp nhận tài trợ, Trung tâm sẽ xây dựng thư viện dữ liệu trực tuyến gồm hình ảnh, video; tổ chức các cuộc thi ảnh… nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về bảo tồn voọc. Và để ưu tiên bảo tồn, bên cạnh Dự án trên còn có đóng góp của Dự án “Huy động nguồn tài chính cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững tại Đà Nẵng” do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ. Dự án tập trung vào 3 nhóm hoạt động chính trong bảo tồn loài voọc gồm: Điều tra số lượng, sự phân bố của loài; giám sát định kỳ và các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức.
Điều khiến ông Vỹ trăn trở là, bán đảo Sơn Trà đang có nhiều đơn vị quản lý nên mỗi lần triển khai Dự án, các chuyên gia gặp vất vả vì phải làm việc với nhiều đơn vị quản lý nhà nước khác nhau. Đơn cử, khi các chuyên gia triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học trong rừng thì cần Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Chi cục Kiểm lâm đồng ý. Còn hoạt động liên quan đến du lịch như tham quan, học tập thì phải báo với Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển… “Riêng các khu vực thuộc Dự án quản lý hoặc giao cho một số hộ dân thì các chuyên gia cũng không được tiếp cận để phục vụ các hoạt động nghiên cứu. Nếu bán đảo Sơn Trà chỉ có BQL Vườn quốc gia, BQL Khu bảo tồn như các khu rừng tự nhiên khác ở Việt Nam, sẽ rất thuận lợi cho công tác quản lý, triển khai các hoạt động nghiên cứu. Từ đó, có cơ sở để bảo vệ các loài thú quý hiếm tại đây”, ông Vỹ nêu vấn đề.
Bên cạnh giao cho các Tổ chức phi Chính phủ, ngày 8-8, UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch trồng cây xanh tạo đặc trưng trên bán đảo Sơn Trà với kinh phí 8 tỷ đồng, nhằm phát huy những giá trị cảnh quan thiên nhiên, tạo nên nét đẹp bản sắc riêng cho bán đảo. Các loại cây được trồng gồm thàn mát và bằng lăng tím. Cây thàn mát được đánh giá cao về khả năng sinh trưởng, cho hoa rất đẹp. Đặc biệt, đây còn là loại thức ăn ưa thích của loài voọc chà vá chân nâu. Các chuyên gia tin tưởng, việc trồng thêm loại cây này sẽ góp phần bảo đảm sự sinh trưởng vững bền của “Nữ hoàng linh trưởng” tại bán đảo Sơn Trà.
CÔNG HẠNH