TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Bản án đã có hiệu lực vẫn có thể bị xét lại

Thứ hai, 07/09/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Đình Khôi (trú TP Quy Nhơn, Bình Định) hỏi: Năm 2011, theo kết quả xét xử của Tòa án (TA), tôi phải trả cho ông A. khoản nợ 72 triệu đồng. Đây là vụ án "tình ngay, lý gian" nhưng tôi đã thực hiện nghĩa vụ theo bản án. Vừa qua, tôi đã tìm lại được chứng cứ thể hiện tôi không có nghĩa vụ phải trả số nợ đó. Vậy tôi có quyền yêu cầu xét xử lại vụ án này không?

Thạc sĩ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Về mặt nguyên tắc, bản án đã có hiệu lực pháp luật vẫn có thể bị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Bản chất của giám đốc thẩm và tái thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của TA đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án hoặc có những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định của TA mà các đương sự không biết được khi TA ra bản án, quyết định đó.

Cụ thể trường hợp của ông, Khoản 1 Điều 305 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định: Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định của TA đã có hiệu lực pháp luật là mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông cần thông báo cho Chánh án TA nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hoặc Chánh án TA nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để tiến hành kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 307 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn

của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Gọi 1900 599 907 để được tư vấn pháp luật