Bán buôn thời suy thoái
(Cadn.com.vn) - “Sale off” được xem như cách thu hút người mua, giải phóng hàng tồn kho và chuẩn bị ra moden mới. Thế nhưng, đối với một số tiểu thương, chủ shop ở Đà Nẵng, “sale off” lại đồng nghĩa với “dẹp tiệm”, trả lại mặt bằng thuê cho dù tiền thu hồi chẳng thấm vào đâu so với số vốn đầu tư ban đầu. Tình trạng thua lỗ này đã và đang xảy ra trên thị trường hàng hóa khi tổng cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện.
Nỗi buồn... “shop” ế !
Lượn một vòng các trục đường buôn bán chính của Đà Nẵng, khách bộ hành có thể thấy nhan nhản bảng hiệu “sale off” treo trước các cửa hàng áo quần, giày dép, điện tử... Điều này cho thấy, khi thị trường ế ẩm, hàng hóa tồn đọng, vốn không được quay vòng, người ta phải tìm mọi cách để “đẩy” hàng bằng các “chiêu” khuyến mãi như quà tặng, mua 1 tặng 2, bốc thăm trúng thưởng... Trong những cách ấy, giảm giá được xem là giải pháp thu hồi vốn nhanh nhất, tác động vào tâm lý “ham rẻ” của khách hàng khiến cho họ mua hàng theo quán tính, nhiều khi không cần thiết vẫn cứ mua. “Sale off” 50%, thậm chí từ 70% đến 80% là mức giảm giá hiện nay của các chủ cửa hàng đưa ra nhằm thu hồi vốn đầu tư hoặc trả nợ ngân hàng (hay tín dụng đen).
Chủ shop áo quần T.L trên đường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) than thở, mặc dù giảm 20-40% nhưng có nhiều ngày, cửa hàng không có một người khách đến thăm. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc phải chuyển nhượng hoặc giảm giá hơn nữa dọn dẹp, giao trả mặt bằng. Chị nhẩm tính, mỗi tháng, chi phí lên đến 15 triệu đồng. Trong đó, thuê mặt bằng 10 triệu đồng, điện nước ước 500 ngàn đồng, tiền thuế khoảng 1 triệu đồng, lương nhân viên bán hàng 2,5 triệu đồng/người... Chỉ ngần ấy thôi, mỗi ngày, chị phải bỏ ra tới 500 ngàn đồng trong khi chỉ bán được vài bộ quần áo, thu lãi vài trăm ngàn đồng. Chẳng thấm vào đâu, không lỗ mới chuyện lạ!
Một cửa hàng thời trang treo bản “sale off” những vẫn vắng khách. Ảnh: L. Hùng |
Một shop giày dép, túi xách G.X ở đường Phan Châu Trinh “sale off” đến... 90%! Có lẽ đây là shop duy nhất có mức giảm không tưởng như vậy? Chỉ vào một hàng giày, túi xách phủ đầy bụi trên kệ, cô bán hàng chua chát, “giá rẻ đến mức như thế nhưng chẳng có ai xem”. Dãy hàng đối diện, những đôi giày đẹp, sáng hơn giá chỉ 80.000 đồng/đôi đang “nằm im” đợi khách. Chủ shop cho biết, họ đang tìm mọi cách “thoát” khỏi lĩnh vực kinh doanh này, tìm đường khác để mưu sinh.
Siêu thị “phát rầu”
Sau một thời gian “vắng bóng”, siêu thị Metro Đà Nẵng bắt đầu tổ chức “Tháng mua sắm tiết kiệm và trúng thưởng” (từ 29-8 đến 25-9) với những khuyến mãi cực lớn trên 6 tỷ đồng. Đây là một trong những giải pháp “hâm nóng” lại hoạt động kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ BigC, Lotte Mart... Tuy nhiên, các siêu thị vẫn không khắc phục được tình trạng vắng khách, ế ẩm cho dù họ liên tục đưa ra các đợt khuyến mãi “khủng”. Câu chuyện hàng loạt tiểu thương “xả hàng”, trả mặt bằng tại siêu thị Đà Nẵng Square (35-Thái Phiên) là điển hình của sự thua lỗ trong kinh doanh bán lẻ qua hệ thống siêu thị.
Hàng điện máy trên thị trường Đà Nẵng cũng không thoát khỏi xu thế suy giảm so với những năm về trước. Các “đại gia” như Nguyễn Kim, Chợ lớn, Phan Khang... đang tiến thoái lưỡng nan vì sức mua yếu kém, thu không đủ bù chi, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Trong tương lai, nếu tình trạng này kéo dài, các đơn vị này sẽ chuyển nhượng lại cho các đối tác khác có nhu cầu, tất nhiên họ sẽ rút quân về lại trụ sở chính ở TPHCM.
Mọi người còn nhớ, cách đây hơn một năm, với phương châm “Danh tiếng cao hơn doanh số”, sự kiện khuyến mãi “Big bang” hệ thống siêu thị điện máy Ebest được tổ chức rầm rộ (26-4 đến 2-5-2012) tại trên phạm vi toàn quốc. Các đơn vị kinh doanh cùng ngành trên địa bàn Đà nẵng tỏ ra lo lắng, dè dặt trước cách làm quy mô của Cty TNHH Ebest (một đơn vị kinh doanh bán lẻ sản phẩm điện máy đến từ Hà Nội). Tuy nhiên, sau một thời gian cầm cự, siêu thị Ebest trên đường 3 tháng 2, Đà Nẵng đã âm thầm đóng cửa.
Tìm mọi cách để tồn tại
Trước “cơn bão” suy giảm tổng cầu của nền kinh tế, các tư thương, đơn vị kinh doanh đã cùng nhau liên kết, chia sẻ để tồn tại. Chủ shop, siêu thị, cửa hàng trên các trục đường chính như Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Hoàng Diệu... đã bắt đầu nhận ký gửi sản phẩm của nhau để tăng thêm doanh thu. Chị H, một chủ tiệm hàng áo quần cho biết, mức đầu tư cho hàng hóa chính của chị đang được thu hẹp dần, chỉ còn lại 50 - 70% so với trước. Thay vào đó, chị nhận thêm từ các chủ shop khác với nhiều mặt hàng đa dạng để kiếm hoa hồng, bù đắp thua lỗ. Khi hỏi về tỷ lệ hoa hồng, chị chia sẻ, hoa hồng ký gửi không nhiều, khoảng 5-7% doanh thu sản phẩm. Tuy nhiên, nếu siêng năng, chịu khó tìm khách hàng, khoản thu từ liên kết này cũng đủ để trả lương cho nhân viên.
Tại các siêu thị, kế hoạch bán hàng đang từng bước thay đổi, chuyển hướng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu của gia đình, bà mẹ và em bé. Trưởng một bộ phận tiếp thị trung tâm mua sắm cho biết, họ đang chọn lọc những mặt hàng thiết yếu về trang trí nội thất, thời trang, đồ chơi và vật phẩm dành cho trẻ em. Đối tượng chủ yếu của họ là phụ nữ và trẻ em. Hiện đơn vị này đang triển khai thêm các gian hàng dành cho gia đình.
Tổng Giám đốc Vietronimex, một siêu thị điện máy lớn tại Đà Nẵng, cũng lên phương án đưa hàng về nông thôn. Họ đang cố “bươn chải” bằng cách đẩy mạnh doanh thu, mở rộng mạng lưới phân phối về các tỉnh lẻ, đồng thời hiện đại hóa phương thức bán hàng bằng việc nâng cấp phần mềm tính cước, trang bị hệ thống chất lượng, liên kết với các nhà phân phối nội địa khác nhằm nâng cao sức cạnh tranh khi đối đầu với các nhà bán lẻ quốc tế.
Trong kinh doanh, thăng trầm, lãi lỗ là chuyện bình thường. Thế nhưng, tình trạng ế ẩm kéo dài đã vượt quá giới hạn của lòng kiên nhẫn khiến một cho số người phải bỏ chợ, thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng kinh doanh. Hơn bao giờ hết, các DN bán lẻ, siêu thị, chủ shop, tư thương... đang ngóng chờ các chính sách kích cầu đủ mạnh từ Chính phủ để giải phóng hàng tồn kho, trả lại nhịp điệu buôn bán sầm uất như những năm về trước.
Văn Khoa