Bàn cách bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan

Thứ ba, 18/09/2018 11:21

Chiều 17-9, tại TP Huế, Sở VH & TT TP Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô (TTBTDTCĐ) Huế tổ chức hội thảo "Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích (DT) Hải Vân Quan". Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo Hải Vân Quan là hợp lý khi mà  DT này ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan.

Di tích Hải Vân Quan thu hút du khách đến tham quan.

Mỗi ngày, khoảng 6.000 lượt khách đến Hải Vân Quan

DT Hải Vân Quan được xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao gần 500 m so với mặt nước biển, nơi giáp vai giữa 2 ngọn Hải Vân Sơn (phía đông) và Bà Sơn (phía tây) thuộc dãy núi Bạch Mã- Hải Vân. Hải Vân Quan thuộc địa phận TT Lăng Cô (H.Phú Lộc, TT-Huế) và P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Đây là một DT lịch sử, văn hóa, kiến trúc, quân sự vô cùng đặc biệt với quy mô và kết cấu quy chuẩn của một lũy thành phòng thủ. Hải Vân Quan luôn giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, không chỉ của các triều đại quân chủ Việt Nam trước đây mà còn có giá trị trong giai đoạn hiện nay.

DT Hải Vân Quan là điểm đến hấp dẫn của du khách khi muốn ngắm nhìn toàn cảnh TP Đà Nẵng cũng như vịnh Lăng Cô của Huế. Ông Phan Tiến Dũng- Giám đốc Sở VH & TT tỉnh TT-Huế cho biết, qua thống kê, Hải Vân Quan mỗi ngày thu hút khoảng 6.000 lượt người đến tham quan. Dự kiến, trong năm 2018 sẽ có khoảng 2 triệu lượt khách đến tham quan DT Hải Vân Quan, trong đó 90% là khách quốc tế. Số liệu thống kê các năm gần đây cho thấy, lượng du khách đến với Hải Vân Quan tăng cao qua từng năm.

Phối cảnh phương án bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích Hải Vân Quan.

Sự cấp thiết cần tu bổ, tôn tạo Hải Vân Quan

Theo TS Phan Thanh Hải- Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, cùng với thời gian và sự biến đổi của lịch sử, Hải Vân Quan đã bị xuống cấp, hoang tàn, những dấu vết kiến trúc còn lại là sự pha trộn của các giai đoạn xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1826) đến thời Pháp - Mỹ (1946-1975). "Việc Hải Vân Quan được Bộ VH- TT & DL công nhận DT lịch sử, văn hóa cấp quốc gia là sự khẳng định những giá trị vốn quý của DT. Do đó, việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của DT trong giai đoạn này là hết sức cấp thiết, góp phần gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, phát triển kinh tế, du lịch..."- TS Phan Thanh Hải nhìn nhận.

Đại diện cho Sở VH & TT TP Đà Nẵng và TTBTDTCĐ Huế, tại báo cáo đề dẫn của hội thảo, TS Phan Thanh Hải cho rằng, từ góc độ chuyên môn, địa phương Đà Nẵng và TT-Huế có một số kiến nghị như: cần thiết kế tôn tạo, phục hồi DT Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Theo đó, sẽ tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc 2 cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan cũng như các công trình bên trong khu DT. Phục hồi lại hệ thống tường thành, ụ súng thần công, bậc cấp, đường đi qua 2 cổng. Nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố làm nơi đón tiếp khách tham quan và thiết kế trưng bày giới thiệu lịch sử hình thành và biến đổi của DT. Nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ. Bên cạnh đó, cần tiến hành cải tạo không gian mặt bằng xung quanh DT, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này...

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn thuộc Phân viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng miền Trung đề xuất 2 phương án bảo tồn DT Hải Vân Quan. Phương án thứ nhất là phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng I bảo vệ DT, một đoạn tuyến đường Thiên Lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng vào thời kỳ nhà Nguyễn. Các công trình nằm giữa ranh giới vùng bảo vệ I và II của DT (các công trình xây dựng giai đoạn 1945-1975) sẽ được bảo tồn... Kinh phí dự kiến thực hiện theo phương án này khoảng 31 tỷ đồng. Đối với phương án thứ hai, cần bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975 đặc biệt là thời kỳ chiến thắng Đồn Nhất. Dự kiến thực hiện kinh phí đối với phương án này khoảng 18 tỷ đồng.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày 2 phương án nói trên, một số nhà nghiên cứu đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình. Các ý kiến đều cho rằng việc tu bổ là rất kịp thời, bởi hiện DT này đang xuống cấp trầm trọng. Một số ý kiến nghiêng về phương án thứ nhất hơn. "Các cơ quan chức năng khi tu bổ, phục hồi DT Hải Vân Quan cần định hướng không gian quy hoạch tổ chức các dịch vụ di tích, nên đặt dự án tu bổ DT Hải Vân Quan vào hệ thống cảnh quan của vùng Hải Vân để phát huy hiệu quả cao nhất giá trị DT"- nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa đề xuất. Quan điểm của bà Nguyễn Thị Hội An- Phó Giám đốc Sở VH & TT TP Đà Nẵng vẫn nghiêng về phương án thứ nhất nhưng không nhất thiết phải phục hồi tất cả các hạng mục di tích vốn có; cần phân định rõ khu vực ranh giới di tích để bảo tồn phát huy giá trị di tích. Phần ngoài di tích cần có quy hoạch tổng thể để định hướng phát triển, xây dựng các công trình liên quan về sau. Cần điều chỉnh kiến trúc cũng như vị trí đặt bia Đồn Nhất hiện nay.

TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho rằng, cần tiếp tục tìm kiếm thêm tư liệu và xem xét có cần phải khai quật khảo cổ để hoàn thiện phương án phục hồi; tiếp tục phân tích các kết quả khảo cổ để làm sống động hơn nữa giá trị di tích, cũng như tính chất độc đáo của di tích. Đồng thời, cần làm rõ hơn nữa lịch sử xây dựng di tích thông qua phần tư liệu trong và ngoài nước; Tiếp tục xin ý kiến rộng rãi hơn để tạo sự thống nhất trong việc triển khai dự án, cần có các biển hướng dẫn từng điểm di tích; cần có phương án phân công cơ quan quản lý, khai thác di tích ra sao cho phù hợp ngay từ bây giờ. Đồng thời, phía cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp thu ý kiến, nhất là phía các nhà khoa học để hoàn thiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

H.LAN