Bàn chuyện năng suất lao động thấp

Thứ hai, 03/11/2014 11:29

(Cadn.com.vn) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ bằng 1/15 Singapore, ILO đưa ra so sánh Singapore có 5 triệu dân nhưng họ làm ra 100 tỉ USD/năm, tức là mỗi người làm ra 20 triệu USD/năm trong khi đó, Việt Nam có 90 triệu dân cũng chỉ làm ra 100 tỉ USD. Vấn đề năng suất lao động hiện đang “nóng” trên diễn đàn Quốc hội và dư luận.

Nếu có cuộc khảo sát trung thực, khách quan về tình trạng thất nghiệp và hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam chắc không khỏi giật mình. Tình trạng sinh viên học xong ĐH, CĐ không xin được việc làm phổ biến ở mọi thành phố lớn. Không tìm được việc làm nên các em phải chấp nhận “có gì làm nấy” với mức thu nhập “bèo bọt” như trường hợp 4 thanh niên mà chúng tôi gặp tại khu vực phòng trọ sinh viên gần trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. 4 chàng trai quê Quảng Bình, Quảng Nam, đã tốt nghiệp các trường ĐH Kinh tế, Ngoại ngữ, Kiến trúc nhưng xin việc mãi không được về quê thì không nỡ nên đành thành lập nhóm đi... cạo mía để kiếm sống qua ngày. Lao động quần quật cả ngày 4 em nhận được 520 ngàn đồng, chia mỗi em nhận khoảng 130 ngàn đồng/ngày... Vấn đề giáo dục của Việt Nam đã được nói nhiều với thực trạng chạy theo số lượng, thành tích, thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng; chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường... Điều này tạo ra hệ lụy là sinh viên ra trường không có việc làm... Vậy thì lấy gì có năng suất lao động cao?

Một nguyên nhân quan trọng khác tác động tới năng suất lao động của Việt Nam là tình trạng yếu kém, lạc hậu trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghiệp... Nó thể hiện qua chuyện cách đây 20 năm Bộ Công Thương đề ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ thực hiện nội địa hóa 80% linh kiện ô-tô, nhưng vừa rồi tổng kết đánh giá thì kết luận hãng nội địa hóa nhiều nhất là Toyota cũng chỉ mới đạt 8%... Trong khi các nước khác của ASEAN đã tự sản xuất được ô-tô thì nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức gia công thùng, vỏ...

Các doanh nghiệp, người lao động của Việt Nam chỉ nhập khẩu, buôn bán hoặc làm thuê, gia công cho các đối tác nước ngoài, mà ít chú trọng đến nghiên cứu đầu tư sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng cao vừa là thước đo để đánh giá năng suất lao động vừa tạo được nhiều công ăn việc làm cho xã hội... Thiết nghĩ, Việt Nam phải ưu tiên đầu tư vào khoa học, công nghệ, phải nhanh chóng có giải pháp đột phá để đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng mới có thể cải thiện được năng suất lao động hiện nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”...

Xuân Đương