Nhà báo người Quảng, anh là ai?
Cho tới nay, gần như không còn phải tranh cãi, đã có một sự mặc nhận rằng, người Quảng Nam giỏi làm báo và đã đónggóp cho làng báo rất nhiều cây bút tài năng; trong đó, những tên tuổi nổi tiếng không phải là ít.
Ngay trong thời kỳ mới phát triển của báo chí Việt Nam, đã có những nhà báo người Quảng nổi danh như Bùi Thế Mỹ, Phan Khôi.
Bùi Thế Mỹ (1904-1943) người Điện Bàn, là một nhà báo cự phách, bắt đầu nghề báo với việc chủ trương “Đông Pháp thời báo” (thay Nam Kiều - Trần Huy Liệu). Sau đó, ông lần lượt làm chủ bút các báo Trung Lập, Tân Thế Kỷ, Thần Chung, và chủ nhiệm tờ Dân Báo. Năm 32 tuổi (1936) do làm báo, viết báo, ông bị Thống đốc Pegès ký nghị định trục xuất khỏi Nam kỳ. Về quê được hơn một năm, ông trở vào Sài Gòn, làm chủ bút báo Điện Tín, và càng lúc càng nổi tiếng. Ông đã viết một loạt bài nghiêm khắc lên án các nhà văn làm tay sai cho thực dân Pháp. Trong hồi ký của mình, nhà văn Thiếu Sơn đã ghi lại lời tâm sự của Bùi Thế Mỹ: “Trong đời này thiếu gì kẻ cờ gian bạc lận, nhưng tôi không tha thứ cho bọn gian lận kiếm ăn trên địa hạt văn chương”.
Phan Khôi (1887-1960), là trường hợp tiêu biểu nhất cho cái khí chất ngay thẳng, quật cường của các nhà báo người Quảng. Ông nổi tiếng với phong cách nói thẳng trong làng văn, làng báo Việt Nam. Là người say mê khoa luận lý, có lúc ông đóng vai “Ngự sử Văn đàn”, tạo ra không ít kẻ thù, nhưng cũng được đông đảo người đọc cả nước thán phục.
Phan Thanh là một tên tuổi đáng cho người dân xứ Quảng tự hào. Là học sinh Trường Quốc Học - Huế, đỗ Tú tài năm 1926, ông dạy học tại miền núi Thanh Hóa, nhưng với bút danh Trạc Anh, ông đã viết nhiều bài báo công kích chế độ thống trị của thực dân Pháp. Bị Khâm sứ Trung kỳ cách chức giáo học, năm 1928 ông ra Hà Nội vừa dạy học vừa viết cho các báo Travail, Notre Voix, Demain, Tin Tức, Thời Thế, Đời Nay... Ông được Đảng Cộng sản Đông Dương đề cử, cùng với Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, mời cụ Nguyễn Văn Tố đứng ra thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, hoạt động rất thành công.

Lớp nhà báo người Quảng tiếp theo, có thể kể Lưu Quý Kỳ, Vũ Hạnh... tiếp theo nữa là một loạt tên tuổi khác, đã và hiện đang còn hoạt động trong làng báo tại TPHCM, như: Cung Văn, Võ Như Lanh, Đồ Bì (Vũ Đức Sao Biển), Nguyễn Giao Thủy (Tần Hoài Dạ Vũ), Nguyễn Công Khế, Trần Ngọc Châu, Giao Hưởng (Trần Phá Nhạc), Lê Minh Quốc, Chu Ngạn Thư (Nguyễn Nhật Ánh), Bùi Nguyễn Trường Kiên, Nguyễn Đình Xê, Vu Gia, Dương Quang,...; trong đó có những người nổi tiếng nhờ tài quản lý, và trở thành quan chức báo chí như Võ Như Lanh, Dương Quang... Đấy chỉ là những người Quảng làm báo tại TPHCM mà chúng tôi biết. Còn nếu kể những anh em người Quảng làm báo khác, ở cả quê nhà Đà Nẵng, Quảng Nam, và nhiều tỉnh thành khác, thì con số có thể nói là rất nhiều...
Vậy tại sao người Quảng Nam giỏi làm báo?
Có thể có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng theo tôi, có thể hiểu rằng, trước tiên là do khí chất của con người xứ Quảng. Phát sinh từ hoàn cảnh lịch sử, người Quảng Nam sớm được đón nhận những sự giao lưu văn hóa đa dạng, từ đó đã hình thành nên nét đặc thù trong phong cách của con người xứ Quảng. Ở vùng đất này, ta gặp những con người cụ thể, những cá tính cứng cỏi, góc cạnh, nhiều khi đi gần tới sự cực đoan; những bản lĩnh kiên cường, bướng bỉnh, “hay cãi”. Nhưng cũng chính từ tính cách ấy, do điều kiện tự nhiên và xã hội, đã lại làm nảy sinh những cách nhìn mới, những phản ứng nhanh nhạy, quyết liệt trước những hiện tượng, những biến đổi của lịch sử - xã hội, nhất là trước những cảnh đời lầm than, bất công. Chính cái khí chất ấy là vườn ươm lý tưởng để gieo trồng những hạt mầm đầu tiên của nghề làm báo.

Nghề làm báo lại đòi hỏi một khả năng đặc biệt, mà nhà giáo dục học Paulo Freire gọi là “khả năng tư duy phê phán” (Critical reasoning) hay cái “ý thức phê phán” (một cách tự giác) (Critical consciousness).
Nói một cách nôm na hơn, phải chăng cái cốt tính “hay cãi” của người Quảng Nam là một trong những yếu tố sản sinh ra những nhà báo giỏi? Một nhà văn - nhà báo người Quảng, anh bạn Vu Gia của tôi, có cách giải thích không phải là không có lý: “Người Quảng Nam hay cãi là vì họ đi nhiều, biết nhiều, ăn cơm góp mòn răng nên họ có cái để so sánh, để phủ nhận hoặc để đồng tình những tiền đề của người khác đưa ra”.
Phải chăng nhờ “khả năng tư duy phê phán” ấy mà các nhà báo người Quảng thành danh (?!).
Nhưng, vẫn còn đó câu hỏi: Nhà báo người Quảng, anh là ai?
NGUYỄN GIAO THỦY