Bản dịch "Van Gogh" - nỗ lực bắc những nhịp cầu văn hóa

Thứ tư, 19/11/2014 09:04

(Cadn.com.vn) - Tháng 11, Paris vào thu, lá hai bên đường như được dát vàng. Từ trung tâm thành phố, đi thật thong thả chưa đầy 1 giờ sau chúng tôi có mặt tại Auver, thị trấn nhỏ nổi tiếng vì gắn liền với tên tuổi Van Gogh. Hôm ấy, trời mưa dịu dàng, Auver hiu quạnh và đẹp mê hồn. Đẹp như nỗi cô đơn Van Gogh, nỗi cô đơn truyền kiếp của những kẻ lựa chọn sáng tạo như là công việc... Giữa tĩnh lặng, sau khi bách bộ từ nghĩa trang nơi có mộ Van Gogh, chúng tôi ngồi uống rượu vang tại một quán nhỏ ngay cạnh tiệm ăn của nhà Gachet, nơi mà Van Gogh đã tá túc vào những ngày cuối đời.

Trong lúc lan man chuyện trò về Van Gogh, ai đó trong số mấy người bạn Pháp đã nhắc đến cuốn tiểu sử Van Gogh của David Haziot, cuốn sách đang gây xôn xao vì được tặng giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 2008. Bất ngờ mấy năm sau, chị Phan Hồng Hạnh từ Paris về với bản dịch dày cộp từ cuốn sách này. Chị nói, đọc mê quá nên thích chuyển ngữ để bạn bè ở Việt Nam có thể đọc được. Chúng ta biết, dịch thuật vốn là một công việc gây nhiều tranh cãi. Làm sao để vừa Tín, vừa Đạt, lại phải Nhã? Đấy là một thách thức với không chỉ riêng ai muốn tham gia vào công việc chuyển ngữ khó khăn này.

Trong tất cả các công đoạn chính của quá trình dịch thuật, việc tái ngôn từ hóa bằng ngôn ngữ đích để có một văn bản tương đương với nguyên bản được xem là quan trọng nhất. Có nhiều con đường để đi đến đích này tùy theo khả năng làm việc, sự mẫn cảm ngôn ngữ, vốn tri thức của người bản ngữ về tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó có cả việc chấp nhận những phương thức khác nhau, kể cả vô thức. Chị Phan Hồng Hạnh lại sống xa quê hương lâu ngày, không tiếp cận liên tục trong dòng chảy của ngôn ngữ Việt... Vì thế, sự "dấn thân" này thật đáng khâm phục và quý trọng.

 

Dịch thuật là công việc nặng nề. Đặc biệt như cuốn sách này, cuốn sách về cuộc đời một họa sĩ mà cuộc sống tinh thần và sự nghiệp hội họa nhiều biến động khôn lường. Một gia đình có truyền thống mục sư và những quan hệ cá nhân chằng chịt, một cuộc đời trắc trở và lận đận ái tình, một hành trình nghệ thuật phức tạp, những lý luận về tôn giáo và hội họa trừu tượng,... được trình bày trong một tập sách dày với nhiều chương mục. Chỉ nhắc như vậy để thấy quá trình chuyển ngữ cuốn sách là một công việc khá vất vả  và đòi hỏi sự tỉ mỉ liên quan đến nhiều lĩnh vực. Là người mê sách, ham đọc và chịu khó làm việc, chúng ta từng biết chị Phan Hồng Hạnh qua các văn bản dịch, hầu hết là các đoản văn, trong niềm vui chia sẻ bạn bè về các tác giả, tác phẩm mà chị quan tâm. Lần này chị thử sức với một cuốn tiểu sử dày và có độ phức tạp nhất định. Nhờ tình yêu đối với văn chương, với hội họa và riêng với Van Gogh, tuy dịch thuật không phải là công việc chuyên sâu của mình, chị Phan Hồng Hạnh đã kiên trì làm việc với văn bản gốc hàng mấy năm trời để chúng ta có cuốn sách quý này. Một tấm lòng nặng với văn hóa...

Van Gogh là danh họa không chỉ của Hà Lan, Pháp, Châu Âu..., ông là họa sĩ vĩ đại của nhân loại. Những ghi chép về ông, về sự nghiệp rực rỡ và số phận kỳ lạ của ông đã cuốn hút biết bao thế hệ độc giả từ ngày họa sĩ tự kết liễu cuộc đời mình vào ngày 27-7-1890. Đã có rất nhiều công trình biên luận, khảo cứu, tiểu sử, bình giải, phân tích... về con người  này được chắp bút bởi những tác giả chuyên sâu về hội họa của nhiều quốc gia trên thế giới. Lần này, với David Haziot, bằng cách tổ chức văn bản hấp dẫn và sự trình bày khéo léo,Van Gogh đã sống lại với chúng ta trong những trang sách với một đời sống kỳ lạ và chói sáng như ông đã từng có cách đây hơn một thế kỷ qua...

Auver, lúc ngồi trước mộ Van Gogh, những ghi chép vụn trong sổ tay đầy những băn khoăn: Cội rễ của bi kịch Van Gogh? Con đường nào đưa Van Gogh từ một đứa con của vị Giám mục yêu Chúa và yêu công việc của mình trở thành một họa sĩ của đời sống trần ai? Quan niệm hội họa? Những cánh hoa diên vĩ, cánh đồng lúa mì, những đàn quạ đen(1)... nơi ông nằm xuống đã chứng kiến điều gì trong buổi chiều định mệnh? Điều Van Gogh đã mang đi và những giá trị mà ông để lại cho chúng ta sau cái chết kỳ lạ và đau xót ấy?... Và bây giờ, cả Auver, cả mùa thu, cả cuộc đời đầy biến động, những mộng mị suốt đời phiêu bạt của Van Gogh, các tác phẩm, những khoảng trống phía sau tác phẩm của con người kỳ lạ này đang ở trong tay chúng ta, với cuốn sách nhỏ này. Giới thiệu những ấn phẩm mới và có giá trị đến người đọc trong nước, đấy là cách bắt những nhịp cầu văn hóa. Chúng ta vui mừng vì nỗ lực của dịch giả Phan Hồng Hạnh đã đến được với bạn bè.

Trương Vũ Quỳnh

(1)  Tên các tác phẩm của Van Gogh