Bản hùng ca Thượng Đức
* Kỳ 1: Dấu xưaThượng Đức oai hùng
(Cadn.com.vn) - Tháng 8, trên những triền đồi của xã Đại Lãnh (H. Đại Lộc, Quảng Nam) hoa sim nở rộ. Xa xa dưới chân đồi là cánh đồng lúa xanh ngắt và dòng Vu Gia uốn lượn, ôm ấp những ngôi làng. Nhìn khung cảnh thơ mộng đó, có lẽ nhiều người sẽ không hình dung được rằng nơi đây đã từng diễn ra trận đánh không khoan nhượng giữa quân giải phóng và quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Sau 40 năm, xã Đại Lãnh nơi mà trước đây thường gọi là chi khu Thượng Đức đã đổi thay rất nhiều. Tuy vậy, dấu vết của trận chiến ngày nào vẫn hiện diện. Vẫn còn đó những lô cốt kiên cố với chi chít vết đạn, đường giao thông hào chạy khắp quả đồi...
Tượng đài chiến thắng Thượng Đức được xây dựng mới trên nền căn cứ xưa. |
Dẫn tôi đến khu đất phía sau tượng đài chiến thắng Thượng Đức đang được hoàn thành, anh Bốn (công nhân công trình) nói: "Đây là những bộ hài cốt mà chúng tôi quy tập được trong quá trình thi công công trình. Trên này còn nhiều xương cốt lắm". Quá khứ của Thượng Đức cách đây 40 năm như hiện ra trước mắt.
Đi dọc theo những dấu xưa Thượng Đức mới thấy rằng, chẳng phải ngẫu nhiên mà chính quyền Sài Gòn gọi nó là "cánh cửa thép bất khả xâm phạm", còn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ví là "mắt ngọc của đầu rồng". Mỹ - ngụy đã xây dựng tại đây 35 lô cốt lớn và hầm ngầm bằng bê-tông cốt thép hai tầng, hàng trăm lô cốt tiền duyên, ụ súng nửa chìm, nửa nổi. Cộng với địa hình hiểm trở nên Thượng Đức dễ phòng thủ, khó tấn công, là chỗ dựa đáng tin cậy của căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng. Vì lẽ đó nên việc giải phóng quận lỵ Thượng Đức được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, nhưng dù nhiều lần tấn công, quân ta vẫn chưa giải quyết được cứ điểm này.
Hình ảnh căn cứ Thượng Đức khi chưa được giải phóng. |
Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 304, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chiếm Thượng Đức trong chiến dịch diễn ra từ ngày 29-7 đến ngày 7-8-1974, vẫn nhớ như in trận chiến 40 năm trước. Ông kể, quân ta chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với sự hợp đồng tác chiến của nhiều đơn vị, tuy vậy phải mất 10 ngày, sau ba đợt tiến công, vào sáng 7-8-1974 lá cờ giải phóng mới được cắm trên quận lỵ Thượng Đức. "Ngay từ đầu ta đã có phần chủ quan, nắm địch và tình hình thiếu cụ thể nên lúng túng khi tiến công vì thế mà bộ đội thương vong nhiều.
Sau mỗi đợt tấn công, chúng tôi lại về họp và hạ quyết tâm phải chiếm bằng được căn cứ Thượng Đức. Có nhiều lúc phải điều chuyển cán bộ chỉ huy về từng đơn vị. Giải phóng Thượng Đức, anh em hy sinh nhiều lắm, nhưng người trước ngã xuống người sau lại xông lên tiến công, quyết tâm làm chủ chiến địa. Điều khiến tôi ray rứt suốt 40 năm qua là chúng tôi vẫn chưa quy tập được hết hài cốt anh em đã hy sinh. Chúng tôi có lỗi với anh em", nước mắt rơi trên gương mặt của vị tướng dày dạn trận mạc, khi kể lại sự hy sinh của đồng đội trong trận chiến Thượng Đức.
Trong nhiều câu chuyện về chiến tranh, mẹ tôi vẫn thường nhắc đến Thượng Đức. Sự ác liệt của trận chiến Thượng Đức đến bây giờ vẫn còn ám ảnh người dân quê tôi, khi mà ngày đó đạn pháo rầm trời, sông nhuộm máu đỏ. Ông Nguyễn Trung Chính (thôn Hà Tân - Đại Lãnh), nguyên là chính trị viên lực lượng vũ trang H. Đại Lộc kể, với ông trận chiến Thượng Đức giống như một thước phim quay chậm trong tâm trí, nó càng đáng nhớ với ông khi mà người em trai là Nguyễn Nam đã hy sinh khi tham gia đánh căn cứ Thượng Đức vào năm 1968. Ông bảo, ngoài công sự kiên cố thì Mỹ - ngụy còn bố trí rất nhiều dân quanh căn cứ Thượng Đức, điều đó khiến cho việc tấn công gặp rất nhiều khó khăn.
Lúc đó quanh căn cứ Thượng Đức có 4 khu dồn lớn là Tam Hòa, Vĩnh An, Khe Ông Má và Lộc Ninh, những nơi này địch dồn gần 13 nghìn dân vào ở. "Với chủ trương bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, nên lúc đó lực lượng địa phương phối hợp với bộ đội di tản dân ra khỏi vùng chiến sự. Trong chiến sự ác liệt như vậy, nhưng chúng tôi đã di tản người dân an toàn, đó là một trong những chiến công của ta trong trận Thượng Đức. Tôi nhớ khi quân ta chiếm được Thượng Đức, thì Ngô Xuân Tín, quận phó Thượng Đức cải trang chạy trốn xuống đến Ba Khe thì bị bắt được, sau một thời gian cải tạo thì y được tự do và qua Mỹ sống. Khi Thượng Đức được giải phóng dân vui không kể xiết", ông Chính nhớ lại.
Hầm ngầm còn sót lại trên căn cứ Thượng Đức. |
Với ông Chính và những người dân trên quê hương Thượng Đức, việc "mắt ngọc" bị chọc thủng đã mở ra một tương lai tươi sáng. Nhưng quan trọng hơn, chiến thắng Thượng Đức đã mở toang cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng, là trận trinh sát thăm dò chiến lược của ta đối với quân đội Sài Gòn và xem liệu Mỹ có đưa quân vào can thiệp nữa hay không. Ngoài ra Thượng Đức còn mang ý nghĩa chiến lược tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. "Trận Thượng Đức cho phép ta rút ra nhận định: Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của ngụy. Một tình thế mới bắt đầu xuất hiện - địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh"-nhận định đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói lên ý nghĩa to lớn của chiến thắng Thượng Đức.
Hoàng Anh
(còn nữa)