Băn khoăn công tác bảo vệ rừng tại Quảng Nam
Đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Nam liên tiếp phát hiện nhiều vụ phá rừng quy mô lớn. Ngành Kiểm lâm đã có nhiều cuộc họp rút kinh nghiệm cũng như tìm phương án khắc phục hiệu quả công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, là địa phương có diện tích rừng lớn thứ hai trên cả nước với 450.000 ha trong khi công tác tổ chức cán bộ chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ đã đặt ra những bài toán khó trong bài toán bảo vệ rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại một điểm rừng bị lâm tặc tàn phá. |
Nhiều cán bộ Kiểm lâm xin nghỉ việc
Theo thống kê diện tích rừng trồng ở Quảng Nam hiện nay là 180.000 ha còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hiện lực lượng Kiểm lâm tỉnh có 298 công chức, 137 viên chức còn lại là cán bộ biên chế và hợp đồng không ổn định. Ngoài ra còn có 70 hợp đồng trong Nghị quyết 14 của tỉnh. Như vậy ở nhiều điểm rừng, lực lượng cán bộ Kiểm lâm phải phụ trách diện tích rừng rất lớn gấp nhiều lần quy định và khả năng đáp ứng. Là một trong những điểm rừng thường xuyên bị lâm tặc “nhắm đến”, ông Đinh Văn Hồng–Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (H. Nam Giang) cho biết liên tiếp thời gian gần đây báo chí đưa ra nhiều vụ việc nóng liên quan đến rừng, tuy nhiên đối với cán bộ Kiểm lâm thì đây là sự việc không mới. “Chúng tôi có rất nhiều nguồn tin tiếp cận với các vụ phá rừng. Ví dụ như nguồn tin khi nào lâm tặc vận chuyển gỗ về xuôi, khi nào có người mang dụng cụ lên rừng... Tuy nhiên những thông tin, vị trí có gỗ mà người dân đi rừng báo cho báo chí thì họ lại rất ít khi báo cho Kiểm lâm. Có khi chúng tôi thấy đó nhưng đi bộ lên đến nơi thì chỉ còn hiện trường, lâm tặc đã bỏ đi. Điều này là thực tế rất khó khăn cho cán bộ Kiểm lâm nên đôi khi vẫn có những vụ việc trót lọt như báo chí phản ảnh”, ông Hồng cho biết. Theo lãnh đạo BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nghị định hiện hành quy định với rừng đặc dụng, tối đa không quá 500ha/kiểm lâm. Nhưng rừng Nam Giang khoảng 15.400ha/kiểm lâm, gấp 30 lần, khiến công việc của kiểm lâm rất áp lực, khó khăn. Kiểm lâm địa bàn ở Quảng Nam được bố trí theo xã, không quy định diện tích rừng tối thiểu để bố trí kiểm lâm địa bàn. Một số xã có diện tích rừng rất lớn nhưng chỉ được bố trí một kiểm lâm địa bàn. Người ít, địa bàn phụ trách quá rộng, khó hoàn thành được các yêu cầu của nhiệm vụ.
Nói về thông tin từ sau khi nhiều vụ phá rừng bị phanh phui thì cũng xuất hiện nhiều trường hợp kiểm lâm xin nghỉ việc, ông Hồng cho rằng không phải họ lo sợ liên đới trách nhiệm như một số nguồn tin mà là thực tế quá tải trong công việc. Việc xin nghỉ hưu sớm cũng phù hợp với đề án về việc động viên cán bộ trong ngành không đủ năng lực hoặc yếu sức khỏe có nhu cầu nghỉ hưu hoặc nghỉ theo Nghị định 108. “Hiện nay riêng BQL chúng tôi có 19 cán bộ, 2 người đang làm đơn xin nghỉ, chỉ còn 17 cán bộ chưa kể lãnh đạo hoặc những anh em làm văn phòng. Như vậy số lượng quản lý rừng rất ít. Trong khi đó sắp tới khi tỉnh áp dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, bảo vệ rừng thì cán bộ ngành không chỉ giỏi đi rừng mà còn phải biết công nghệ thông tin. Điều này cũng khiến những người lớn tuổi không theo kịp yêu cầu nhiệm vụ”, ông Hồng khẳng định.
Sẽ có sự thay đổi trong cơ chế quản lý
Nói về việc sau khi báo chí phản ánh 2 vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn H. Nam Giang trong đó có vụ nằm trong phạm vi Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, ông Hồng cho biết huyện đã họp kiểm tra. Trên cơ sở xác định các vùng trọng điểm phá rừng khai thác lâm sản, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lập 2 tổ chốt chặn. Trên địa bàn Nam Giang lập tổ chốt chặn tuyến đường sông Thanh và tuyến 14D tại thôn Cà Rung, xã Cà Dy. Trên địa bàn H. Phước Sơn lập tổ chốt chặn tại Đèo Lò Xo. “Trong thời gian tới huyện có chủ trương giải thể BQL Khu bảo tồn và sáp nhập về huyện để công tác quản lý được chặt chẽ, xuyên suốt hơn”, ông Hồng cho biết.
Sau hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh để triển khai vào đầu năm 2019. Đồng thời, tổ chức lại các Hạt Kiểm lâm trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng trên địa bàn mỗi huyện chỉ tổ chức 1 Hạt Kiểm lâm, thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Trưởng Ban quản lý rừng độc lập với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm - Sở NN&PTNT.
ĐỒNG DAO