Băn khoăn về chủ trương khai giảng trực tuyến!
Những ngày gần cuối tháng 8 này, toàn TP Đà Nẵng vẫn đang dồn hết tâm lực để phòng, chống, dập dịch Covid-19. Tâm điểm vấn đề được người dân toàn TP quan tâm đó là: Bao giờ dịch được dập tắt để cuộc sống trở lại bình thường như trước đây.
Ngày khai giảng chỉ thật sự có ý nghĩa khi HS các cấp bậc học nô nức đến trường. Ảnh: P.T (Ảnh minh họa) |
Vì vậy, khi Bộ GD-ĐT có chủ trương, đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng, trong điều kiện chưa đảm bảo an toàn để khai giảng trực tiếp thì tùy theo hoàn cảnh có thể tổ chức lễ khai giảng trực tuyến...; đã nhận nhiều ý kiến trái chiều trong và ngoài ngành trên địa bàn TP. Câu hỏi được đặt ra là: Tổ chức khai giảng trực tuyến như thế nào khi không có học trò đến trường? Đối với những địa bàn còn khó khăn về điều kiện công nghệ thông tin và nhất là một số học sinh (HS) có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có các thiết bị thông minh, cũng như chưa sử dụng thành thạo CNTT thì... dự lễ khai giảng trực tuyến như thế nào?
Ông Châu Hùng (Q.Hải Châu) bày tỏ: “Tôi chưa hình dung ra được việc tổ chức khai giảng trực tuyến sẽ như thế nào? Bởi ý nghĩa của ngày khai giảng là ngày trường học đón HS trở lại trường sau thời gian dài nghỉ hè và được đón HS đầu cấp nhập học. Việc tổ chức khai giảng trực tuyến không có cảnh HS nô nức đến trường nhập học, không có cảnh đón chào HS đầu cấp vào trường thì không ra không khí khai giảng, làm mất đi ý nghĩa thật sự của ngày khai giảng. Không lẽ, đến ngày 5-9, các trường học trang hoàng, giăng băng rôn biểu ngữ chào đón ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, triệu tập dưới 20 GV đến trường tổ chức ngồi giãn cách rồi lãnh đạo nhà trường đọc thư của Chủ tịch nước gửi cho ngành giáo dục, cùng lời chào mừng, lời dặn dò của lãnh đạo TP, của ngành (nếu có) và của nhà trường đến toàn thể HS, đánh trống khai trường. Quay clip tất cả hoạt động này đưa lên web của nhà trường cho HS xem? Theo tôi, làm như vậy là không cần thiết. Hơn nữa, không phải hoàn cảnh gia đình nào cũng giống nhau...”.
Một số phụ huynh (PH) khác thì cho rằng, nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp, điều quan trọng mà ngành GD-ĐT cần tập trung thực hiện đó là cần chủ động xây dựng các phương án để tổ chức dạy-học trực tuyến sao cho hiệu quả. Bởi thực chất, không phải HS nào cũng tiếp nhận bài giảng, cách dạyhọc trực tuyến. Và quan trọng hơn cả, ngành GD-ĐT cần chủ động xây dựng phương án dạy- học đối với HS đầu cấp học, nhất là HS lớp 1 thì dạy-học như thế nào; khi đây là năm đầu tiên triển khai tổ chức dạy- học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK lớp 1 mới. Nhiều vấn đề cần quan tâm hơn là tổ chức khai giảng trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đem vấn đề này trao đổi với hiệu trưởng một số trường, chúng tôi nhận được câu trả lời, chờ hướng dẫn từ Bộ, Sở. Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt- Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành- chia sẻ: “Chúng tôi đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ, Sở về chủ trương này. Theo đó, ngành chỉ đạo, hướng dẫn sao thì chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện trong điều kiện có thể. Tuy nhiên, như bạn biết đó, ý nghĩa của ngày khai giảng là ngày nhà trường chào đón HS cũ trở lại trường sau kỳ nghỉ hè và đón chào HS đầu cấp nhập học. Vì vậy, tôi cũng thấy hơi lăn tăn...”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT TP- cho biết: “Đây mới là chủ trương của Bộ GD-ĐT. Ngành GD-ĐT TP cũng đang chờ chỉ đạo, văn bản hướng dẫn từ Bộ về vấn đề này. Sau khi có văn bản, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức khai giảng trực tuyến trên tinh thần chung: Tùy theo điều kiện thực tế của từng trường để làm sao chuyển tải, truyền thông điệp về Ngày Khai giảng, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường đến HS và PH; giới thiệu thư của Chủ tịch nước, gửi thư của lãnh đạo TP về ngày khai giảng đặc biệt này là nguồn động viên trong năm học mới được xem là đặc biệt nhất từ trước đến nay; đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch, tránh rơi vào hình thức...”.
KHÁNH YÊN