Ban Mê phố trong làng

Thứ sáu, 21/01/2022 09:00

46 năm xây dựng và phát triển, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - miền đất nguồn cội của cà-phê Việt Nam- hạt nhân kinh tế của Tây Nguyên nay đã trở thành đô thị trung tâm. Phát triển theo định hướng “Sinh thái - Bản sắc - Thông minh”, phố núi Ban Mê giờ đây vừa rạo rực, trẻ trung, hiện đại; vừa lắng sâu lịch sử, văn hóa truyền thống.

Ngã sáu Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao đẹp như tranh vẽ.

Buôn của tri ân, phố của chân thành

Chúng tôi đến buôn AKô Dhông, P. Tân Lợi dịp kỷ niệm 46 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (tháng 3-2021). Nơi đây nhộn nhịp, náo nhiệt đến lạ. Phía ngoài, ô-tô chở khách du lịch đậu hàng dài tít tắp. Trong Buôn, gỗ, tre nứa chất đầy. Tiếng người, tiếng xe công trình chộn rộn. Hàng chục nhà sàn truyền thống Ê Đê đang được dựng lên, xen kẽ những nếp nhà cũ rêu phong với những rào chè tàu xanh mướt; hàng hoa râm bụt, tường vi, bằng lăng đủ màu. Khu đất rộng 3 sào của cố già làng Ama H’Rin - người sáng lập buôn AKô Dhông có lẽ là công trường vui nhộn nhất. Những cây tre gai từ rừng Buôn Đôn to như bắp đùi cùng những bó lớn cây le - loại tre nhỏ được ngâm đầy trong bể nổi ngợp mắt. Ama Jenni, con rể út cố già làng mồ hôi đầm đìa trên thân hình vạm vỡ của hậu duệ Đam San cùng tốp thợ đang dựng cột gỗ lớn giáng hương làm cột nhà sàn. Anh bảo, khuôn đất này là quần thể kiến trúc, chủ yếu là Ê Đê truyền thống đang được phục dựng, với hệ thống cột bằng gỗ quý cà-chít, giáng hương; sàn bằng gỗ trải tre, vách bằng le-nứa-lồ ô, đúng như căn nhà mà già Ama H’Rin đã dựng 60 năm trước.

Tôi trầm trồ khen, Ama Jenni cười nói: “Có gì đâu, Akô Dhông là buôn giàu mà”! Đây không phải là khu du lịch, cũng không phải nhà ở của đại gia đình, mà xây theo nguyện vọng của ADuôn H’Riu - vợ của cố già làng, nhằm tưởng nhớ người có công khai sinh, định hình bản sắc của Buôn. Theo Ama Jenni, người Ê Đê không thích tính toán về kinh tế. Thấy cần làm gì thì làm, để con cháu thấy được cha ông mình đã cống hiến như thế nào. AKô Dhông, theo tiếng Ê Đê nghĩa là “đầu nguồn”, do được lập ở thượng nguồn của 6 dòng suối Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung và Ea Nuôl. Nguồn nước tuôn trào quanh năm và dải rừng xanh tươi cùng nếp nhà dài được chỉnh trang, phục dựng suốt 3 thế hệ với văn hóa truyền thống đậm đà, nay đã trở thành trung tâm du lịch.

Các nhà đầu tư nơi đây xây vô số nhà hàng, khách sạn hiện đại, còn người Ê Đê thì không. Như chị Hlen Niê, từ “ngôi nhà cổ tích”, “khu vườn cổ tích” bố mẹ để lại, chị xây dựng quán cà-phê Arul đầy chất “cổ tích”, được du khách gần xa thích thú. Chị bảo, văn hóa Ê Đê rất quan trọng, đẹp đẽ, không gì đánh đổi được. Nếu mở quán chỉ nghĩ tới mục đích kiếm tiền thì đổi lại nét văn hóa sẽ mai một. Cách cà-phê Arul chưa đầy một tiếng hú, bà H’Kjăp Niê có khu du lịch Akô Ea với không gian cộng đồng, với nhiều gian hàng lưu niệm, phòng lưu trú xây bằng vật liệu thiên nhiên... Tất cả ngập trong hoa thắm, rừng xanh, hương cà-phê, tiếng suối róc rách, tiếng đàn T’rưng rộn rã. Akô Ea 3 năm nay đã trở thành một địa chỉ về sinh thái, văn hóa. Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng, bà H’Kjăp Niê lặng lẽ bổ sung vào mỗi phòng lưu trú một bộ sách Lịch sử Việt Nam. Bà bảo, Đắk Lắk nay đã có 46-47 dân tộc anh em cùng cư trú, nên bà muốn mọi người tới đây thấy được lịch sử, truyền thống, tập tục đẹp của người Ê Đê.

Góc phố Buôn Ma Thuột với những nếp nhà Ê Đê truyền thống đẹp đẽ, xanh mướt.

Thành phố xanh, thành phố thơm

30 năm làm thợ chụp ảnh tại ngã sáu Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Văn Toản chứng kiến từng nét đổi thay nhỏ của phố. Theo ông, Buôn Ma Thuột đô thị hóa nhanh khiến nhiều người lo âu rằng, công trình kiến trúc sẽ lấn át thiên nhiên. Nhưng không, càng đô thị hóa, thành phố càng xanh, sạch, đẹp. Trước đây, quanh ngã sáu toàn nhà nhỏ, ép sát mặt đường. Sau đó thành phố cho xây lại bằng những tòa nhà chót vót, nhưng lùi sâu vào bên trong, nên đường phố rộng rãi, có thêm không gian. Nay, ngã sáu có kiến trúc rất đẹp, không gian rộng, nhiều cây xanh, khách thích nhất chụp ảnh lưu niệm ở đây.

Dọc các tuyến phố, ấn tượng nhất là điểm nhấn của quần thể cây xanh, hoa cỏ. Từng khu chợ tạm, góc đất hoang được cải tạo thành vườn hoa. Tháp truyền hình Analog hết công năng được tỉnh dỡ bỏ, xây dựng quảng trường để nhân dân dạo chơi, tập thể dục. Đi lên từ tàn tích của chiến tranh và bụi đất đỏ, nay Buôn Ma Thuột như một “nàng tiên” lộng lẫy. Mỗi góc phố, bồn hoa, công viên đều đầu tư mảng xanh, hướng tới lợi ích cộng đồng. Đường Sách và Cà-phê sau 4 năm xây dựng, đã trở thành nơi gặp gỡ thú vị của các doanh nhân, thi sĩ và là nơi du khách, công chúng thả hồn.

Tương lai của thành phố đang rất xán lạn. Nào dự án Hồ Ea Tam trung tâm thành phố và Đại lộ Đông - Tây, nối Cảng hàng không 35ha đang thi công, gấp rưỡi Hồ Xuân Hương (Đạt Lạt), tới đây sẽ “họa long điểm nhãn” cho Buôn Ma Thuột, điểm nhấn tuyệt vời cho phong thủy thịnh vượng. Rồi Đại lộ Đông - Tây không chỉ rút ngắn quãng đường từ trung tâm ra bến cảng, mà còn giúp thành phố khoe vẻ đẹp phong phú. 8km của đại lộ lần lượt dẫn mọi người qua một trong những cánh rừng trồng gỗ quý lâu đời nhất Việt Nam với các giống giáng hương, tếch, sao lâu đời… Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho hay, Buôn Ma Thuột được phát triển với định hướng Sinh thái - Bản sắc - Thông minh, tương lai là thành phố hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc. Đây là thủ phủ cà-phê của cả nước, cũng là địa chỉ lớn về cà-phê của thế giới. Nơi đây có các viện nghiên cứu về nông - lâm nghiệp, có nhiều trường đại học trong nhóm trọng điểm quốc gia và là trung tâm giống cây trồng của vùng. Cùng với các dự án trọng điểm của Nhà nước, rất nhiều nhà đầu tư, tập đoàn đã đến đầu tư hàng chục dự án lớn với tổng kinh phí hàng trăm nghìn tỷ đồng, càng giúp Buôn Ma Thuột nâng lên đôi cánh, trở thành một đô thị rạng rỡ giữa đại ngàn.

QUỲNH CHI