Bản tái định cư Ka Tăng như "Phố" trên rừng
(Cadn.com.vn) - Đó là câu nói cửa miệng của ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND H. Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khi đưa chúng tôi đến tham quan bản tái định cư Ka Tăng mới nằm sâu trong khu vực đồi núi về phía tay phải Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, H. Hướng Hóa. Chúng tôi như “lạc” vào chốn phồn hoa đô thị, với nhà cửa cao tầng mọc lên san sát nhau; người dân nơi đây, khăn áo chỉnh tề trên những chiếc xe máy đắt tiền, ô-tô con đi lại trên con đường thảm nhựa phẳng phiu ra trung tâm thị trấn Lao Bảo để buôn bán làm ăn...
Ông Hồ Lệ, đội 4, bản Ka Tăng mới đưa chúng tôi thăm một vòng quanh bản, tâm sự: "Ở đây có hơn 50 hộ dân được xây dựng nhà cửa, sống quây quần dưới chân núi Ka Tăng, nơi cách đây 2 năm, ai cũng ngại đến sinh sống, làm ăn. Nay bản làng đẹp và khang trang không khác gì phố xá, cuộc sống đầy đủ nên ai cũng vui cái bụng". Vợ chồng ông Hồ Pổ, Trưởng thôn Ka Tăng, thay mặt bà con dân bản, bày tiệc mời khách. Ông phấn chấn giới thiệu: “Những món gà, vịt, dê, heo này đều do bà con chúng tôi làm ra. Ở đây, nhà nào nuôi ít cũng chục con dê, vài trăm con gà, vịt, heo thả rông, với thịt săn chắc, rất thơm ngon. Đặc biệt hơn, các loại rau xanh được chăm bón tự nhiên mà không sử dụng thuốc trừ sâu hay kích thích khác”. Ngôi nhà của Trưởng thôn Hồ Pổ 2 tầng khang trang được xây dựng và bố trí theo kiểu hiện đại. Hồ Pổ khoe: "Mình làm nhà này hết hơn 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ di dân tái định cư và bồi thường đất ở cũ gần 800 triệu đồng, số còn lại do vợ chồng mình tích cóp lâu nay mà không phải vay mượn gì thêm. Trước đây, khi còn sống ở nơi cũ, vợ chồng mình không nghĩ tới việc xây nhà, bởi vì số tiền dành dụm được cũng chỉ đủ trang trải cho con cái ăn học sau này. Bây giờ thì khác, ở nơi ở mới, mình vừa có được nhà mới khang trang, vừa có điều kiện tốt hơn để nuôi các con ăn học đàng hoàng".
Ở bản Ka Tăng mới, có khá nhiều ngôi nhà cao tầng, đẹp như ngôi nhà của vợ chồng ông Hồ Pổ. Ông Hồ Cay, một người dân, đội 3, bản Ka Tăng mới cho biết: Việc xây dựng nhà cửa ở đây là tùy thuộc vào số lượng nhân khẩu để xây dựng nhà to hay nhà nhỏ. Điểm đột phá, thành công hơn nhiều so với các dự án di dân tái định cư khác là, huyện giao tiền cho bà con để bà con tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình mình mà xây dựng nhà cửa cho phù hợp. Tuy nhiên, để việc bà con chủ động tài chính không gây lãng phí, thất thoát hay sử dụng vào mục đích khác, huyện đã tổ chức lực lượng giám sát việc xây dựng nhà cửa của bà con rất chặt chẽ. Nhờ đó, đồng tiền do Nhà nước hỗ trợ không chỉ được sử dụng đúng mục đích mà còn tiết kiệm cho người hưởng lợi nhiều khoản, như không phải tốn kinh phí dự toán, thiết kế, giám sát công trình.
Tìm hiểu được biết, hơn 50 hộ dân bản Ka Tăng cũ sinh sống gần khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo trong diện tích đất quy hoạch, xây dựng và phát triển dự án Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, do đó số hộ dân này phải được di dời, tái định cư nơi ở mới. Song nhiều năm liền, chính quyền H. Hướng Hóa và các tổ chức đoàn thể địa phương đã gặp phải không ít khó khăn trong việc vận động, thuyết phục bà con chấp hành chủ trương chung. Nguyên nhân, nơi ở mới so với nơi ở cũ xa hơn khu vực trung tâm thị trấn, nơi bà con vốn đã gắn bó với công việc làm ăn từ lâu nay. Năm 2013, sau nhiều lần được ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND H. Hướng Hóa trực tiếp gặp gỡ, giải thích và động viên, một số bà con ở đây mới bắt đầu đồng thuận. Về sau, thấy cuộc sống của những hộ gia đình đến nơi ở mới đều khấm khá hơn, từ đó bà con mới đồng thuận tuyệt đối. Đến nay, bên cạnh việc xây dựng nhà cửa, bản Ka Tăng mới đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, phục vụ tốt cho việc phát triển sản xuất, học tập và sinh hoạt văn hóa của đồng bào.
Ông Võ Thanh phấn khởi chia sẻ: Đến nay, tổng kinh phí đầu tư xây dựng mới bản Ka Tăng đã hơn 50 tỷ đồng. Ngoài kinh phí đền bù, hỗ trợ tái định cư của Nhà nước cho bà con, huyện đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ đồng bào xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ thiết thực cho đời sống của bà con.
Trần Tĩnh