Bằng bổ túc sau trung học có thể thay thế cho bằng tốt nghiệp trung học?
(Cadn.com.vn) - Báo Công an TP Đà Nẵng số 89, ra ngày 14-4-2009 có đăng bài “Chưa tốt nghiệp bổ túc trung học đã vào... đại học”, phản ảnh trường hợp ông Lê Xuân Cải-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (CNNHNo) H. Thăng Bình có hành vi gian lận về bằng cấp để theo học Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Đà Nẵng (KT&QTKD), chuyên ngành Ngân hàng. Sau khi báo đăng, có nhiều ý kiến đồng tình song cũng có một số ý kiến cho rằng những vấn đề được bài báo phản ảnh chưa đúng với hoàn cảnh thực tế. Vì trước khi vào học đại học, bản thân ông Lê Xuân Cải đã tốt nghiệp lớp nghiệp vụ 18 tháng do Học viện Ngân hàng (cũ) mở vào năm 1986 và văn bằng này được dùng thay thế cho bằng tốt nghiệp trung học (TNTH) (?).
Theo tìm hiểu của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, năm 1981 ông Lê Xuân Cải hoàn thành xong chương trình lớp 9 hệ 12 tại Trường Bổ túc văn hóa cán bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Đầu năm 1985, ông Cải tiếp tục theo học nghiệp vụ tại Trường Cao cấp Ngân hàng TP Hồ Chí Minh. Sau 18 tháng đào tạo, ngày 30-8-1986, ông Cải được công nhận tốt nghiệp. Theo nội dung bằng tốt nghiệp được ông Nguyễn Thanh Phong-Hiệu trưởng ký ngày 10-12-1991, lớp học này có ngành đào tạo là Ngân hàng và hệ đào tạo là “Bổ túc sau trung học”.
Đến năm 1999, ông Lê Xuân Cải được công nhận tốt nghiệp tú tài hệ bổ túc và sau đó là các bằng cấp khác có học vị cao hơn. Điều đáng nói và đã được chúng tôi đề cập tại bài báo trước là mặc dù chưa TNTH bổ túc song ông Lê Xuân Cải vẫn được nhận vào học tại Trường Đại học KT&QTKD Đà Nẵng. Với hệ thống bằng cấp và quá trình học tập không mang tính logic như vậy nhưng ông Võ Văn Lâm-Giám đốc CNNHNo tỉnh Quảng Nam cho rằng mọi bằng cấp của ông Lê Xuân Cải đều hợp pháp và hợp lý, đúng theo trình tự đào tạo của ngành Giáo dục Việt Nam(!?).
![]() |
Bằng tốt nghiệp “bổ túc sau trung học” do Trường Cao cấp Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cấp được ông Lê Xuân Cải sử dụng để học đại học. |
Theo hồ sơ cán bộ, năm 1981 ông Cải được cấp giấy chứng nhận học lực học hết chương trình lớp 9 song đến năm 1991 mới được cấp bằng bổ túc sau trung học. Với 2 loại giấy chứng nhận được xem là văn bằng này đã có sự khập khiễng trong quá trình đào tạo. Vì, giấy chứng nhận học lực hết lớp 9 không được xem là bằng TNTH. Thế nhưng, khi cấp Bằng Tốt nghiệp Trường Cao cấp Ngân hàng TP Hồ Chí Minh lại có nội dung “bổ túc sau trung học”. Cũng theo lời giải thích của một cán bộ ngành GD-ĐT, văn bằng do Trường Cao cấp Ngân hàng cấp cho ông Cải là chứng chỉ mang tính chuyên môn nghiệp vụ của riêng ngành Ngân hàng, không thuộc hệ thống quá trình đào tạo về văn hóa, do đó không dùng thay thế cho bằng TNTH để học ở các cấp bậc cao hơn như cao đẳng, đại học...
Với giải thích này, chúng tôi nhận thấy hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành của ngành GD-ĐT về quy trình đào tạo và điều đó cũng hoàn toàn đúng với những ý nghĩ chủ quan của bản thân ông Lê Xuân Cải. Vì, năm 1997 khi được nhận vào học tại Đại học KT&QTKD Đà Nẵng, biết không thể được cấp bằng tốt nghiệp khi chưa tốt nghiệp chương trình trung học, do đó ông Lê Xuân Cải đã vội vàng hoàn thành chương trình trung học để được cấp bằng Tú tài hệ bổ túc vào năm 1999. Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều văn bằng của ông Lê Xuân Cải có những nội dung mâu thuẫn nhau. Cụ thể, tại Chứng chỉ tốt nghiệp Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng do bà Nguyễn Thị Minh Hiền ký ngày 20-2-2001 được căn cứ vào Quyết định công nhận tốt nghiệp số 23/TT-ĐT ngày 19-5-1997 song về khóa học lại có niên hạn 1996-1999 (?).
Một nghịch lý khác trong “hệ thống” bằng cấp của ông Lê Xuân Cải là trong cùng một thời điểm từ năm 1996 - 1999 thể hiện ông Cải theo học 3 trường tại 3 địa phương cách nhau hàng trăm cây số, gồm: Bổ túc văn hóa tại Trường THPTTiểu La (Thăng Bình, Quảng Nam); Cử nhân Kinh tế tại Đại học KT&QTKD Đà Nẵng và chuyên ngành Ngân hàng tại Học viện Ngân hàng (hệ tại chức mở tại Phú Yên). Với những mâu thuẫn, bất hợp lý về bằng cấp như vậy song trong một thời gian dài ông Lê Xuân Cải vẫn giữ cương vị Giám đốc CNNHNo H. Thăng Bình cùng nhiều trọng trách khác mà không bị phát hiện. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng có sự bao che của cấp trên nên ông Lê Xuân Cải mới có cơ hội giữ cương vị lãnh đạo lâu dài đến như vậy và đủ “bản lĩnh” thực hiện các hành vi sai trái khác?
Với những hành vi gian dối về bằng cấp của ông Lê Xuân Cải, chúng tôi đề nghị lãnh đạo ngành NHNo cần sớm có biện pháp xử lý nhằm củng cố đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn đúng theo quy định và từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh phục vụ của NHNo đối với nền kinh tế, đồng thời tránh tụt hậu về nguồn nhân lực. Hiện tại, những sai phạm trong việc cho vay vốn, xử lý công nợ... của bản thân ông Lê Xuân Cải, chúng tôi đang tiếp tục điều tra và sẽ thông tin đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
B.T