Bốn nước EU từ chối mua vũ khí Mỹ để cung cấp cho Ukraine
Pháp, Italy, Cộng hòa Czech và Hungary đã quyết định không tham gia chương trình mua vũ khí của Mỹ nhằm hỗ trợ Ukraine, trong bối cảnh xung đột gia tăng tại khu vực Đông Âu.
Pháp cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, nhưng sẽ ưu tiên tối đa việc mua vũ khí do châu Âu sản xuất. Hai quan chức Pháp tiết lộ với tờ Politico rằng, Paris từ chối tham gia kế hoạch này do Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy các quốc gia châu Âu củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của mình bằng cách mua vũ khí sản xuất trong nước. Tờ Politico cho biết Pháp cũng đang phải đối mặt với những hạn chế về ngân sách và mục tiêu chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng trong bối cảnh áp lực kinh tế ngày càng lớn.
Italy cũng có lập trường tương tự. Theo tờ La Stampa, các quan chức Italy đã loại trừ khả năng mua trực tiếp vũ khí của Mỹ, viện dẫn những hạn chế về tài chính và việc nước này tập trung vào các hệ thống công nghệ khác nhau, chẳng hạn như hệ thống phòng không SAMP/T do Italy - Pháp sản xuất đã được cung cấp cho Ukraine. Các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Italy nhấn mạnh rằng quyết định này không nên được coi là sự thiếu hỗ trợ cho Ukraine, mà là lời kêu gọi tìm kiếm các phương án thay thế để đóng góp vào nỗ lực chung này.
Ở phía Đông Âu, Cộng hòa Czech cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng ưu tiên mua sắm từ các nhà sản xuất quốc nội thay vì nhập khẩu vũ khí Mỹ. Hungary cũng lên tiếng khẳng định không sử dụng ngân sách quốc gia để mua vũ khí Mỹ chuyển sang Ukraine.
Hiện tại, Đức và Đan Mạch là hai quốc gia châu Âu duy nhất chính thức đồng ý tham gia chương trình mua vũ khí Mỹ. Ngoại trưởng Đan Mạch khẳng định sẵn sàng tài trợ, trong khi Hà Lan đang xem xét khả năng tham gia. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte dự đoán các nước như Thụy Điển, Na Uy và Anh cũng sẽ gia nhập chương trình này.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ bán cho các nước châu Âu một lô vũ khí lớn trị giá hàng tỷ USD - bao gồm tên lửa, hệ thống phòng không và đạn dược, sau đó châu Âu sẽ chuyển giao chúng cho Ukraine và bổ sung kho dự trữ thông qua các giao dịch mua mới từ các nhà sản xuất Mỹ.
Phía Nga chỉ trích việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang trực tiếp lôi kéo các nước NATO vào cuộc xung đột và đây là hành động đang "đùa với lửa". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo bất kỳ chuyến hàng nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ là mục tiêu chính đáng của Nga.
B.N