Báo chí tiếp sức xây dựng nông thôn mới
10 năm - một quãng thời gian không dài nhưng mỗi khi trở lại những nơi mà mình đã đi qua, chúng tôi đều cảm nhận được nhiều sự đổi thay kỳ diệu. “Khi tiến hành xây dựng NTM, người dân cần phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Chẳng hạn, trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, người dân cần biết được chủ trương của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình này với mục đích gì? Để làm được điều này, cần có sự ủng hộ, tự nguyện đóng góp thêm của nhân dân vì nguồn ngân sách còn hạn hẹp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, hỗ trợ kỹ thuật, giá trị còn lại của công trình thì người dân cần tự nguyện đóng góp. Một khi người dân thông suốt được vấn đề thì sẽ xóa được tư tưởng trông chờ, ỷ lại”, bà Đinh Thị Tiền- Bí thư chi bộ thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn) chia sẻ.
Thực tiễn cho thấy, dù thực hiện bằng cách này hay cách khác, nếu người dân được bàn bạc, được đóng góp ý kiến của mình thì sẽ tạo ra được sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Để người dân thực sự hiểu rằng chương trình xây dựng NTM là vì dân, thì cả hệ thống chính trị cần phát huy tốt quy chế dân chủ, để người dân thực sự hiểu rõ vai trò chủ thể của mình. Vì vậy, khi nghĩ đến điều này, những người làm công tác tuyên truyền như chúng tôi phải ý thức được vai trò, có tinh thần, trách nhiệm với công việc của mình. Tuyên truyền để người dân hiểu, tiếp tục ủng hộ, đóng góp những gì mình có thể để việc xây dựng NTM diễn ra một cách thuận lợi nhất… “Lúc mới triển khai, không ai hiểu xây dựng NTM là gì. Được sự tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành và của báo đài, dần dần bà con cũng hiểu rõ mục đích xây dựng NTM chính là phục vụ cho đời sống người dân. Gắn bó hàng chục năm ở vùng rừng núi này, điều làm tôi vui nhất đó là việc xây dựng NTM đã mang lại nhiều đổi thay cho quê hương: Điện, đường, trường, trạm đầy đủ cả; nhà nhà có điện, có nước sạch; kinh tế phát triển từng ngày, đời sống bà con được cải thiện rõ rệt. Điều đáng ghi nhận trong phong trào mở đường giao thông nông thôn là người dân đều vô tư hiến đất mà không mảy may toan tính thiệt hơn; trong đó, có không ít gia đình là hộ nghèo thu nhập thấp và hộ quá tuổi lao động... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã thấy được ý thức tự nguyện của người dân trong việc thay đổi diện mạo quê hương như thế nào” - ông Nguyễn Quý (thôn Hội Phước, xã Hòa Phú) trải lòng.
Có thể thấy, Chương trình xây dựng NTM ở H. Hòa Vang là một quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thông qua 19 tiêu chí bao quát hầu hết các lĩnh vực đã dần hình thành diện mạo NTM có một nền sản xuất phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Từng bước hiện đại, đời sống tinh thần của người dân phát triển theo hướng tiến bộ, nhưng vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của miền quê… “Và, đồng hành trong công cuộc xây dựng NTM là những nhà báo tâm huyết với mảng đề tài “nông nghiệp - nông thôn- nông dân”. Bằng các tác phẩm của mình, họ đã góp thêm tiếng nói cổ vũ cho phong trào lớn của cả nước, cũng như đưa ra các gợi mở nghiêm túc để những người thực hiện chính sách tìm được hướng đi đúng cho địa phương mình. Có thể nói, công tác tuyên truyền, phản ánh của báo chí đã tiếp thêm sức mạnh giúp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn” - Chủ tịch UBND H. Hòa Vang Phan Văn Tôn nhìn nhận.
Vy Hậu