Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng
Các đại biểu nghe tham luận tại hội thảo. |
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày Báo Dân- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên tại Huế (6-7-1938 - 6-7-2018), ngày 6-7, tại TP Huế (TT-Huế) diễn ra hội thảo khoa học "Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam". Phát biểu mở đầu hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh-Ủy viên Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh TT-Huế, Tổng Biên tập Báo TT-Huế khẳng định, đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị, văn hóa tư tưởng của giới báo chí miền Trung nói chung về một giai đoạn cam go, phức tạp và đầy biến động ở Huế- kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Được Toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho thành lập, ngày 6-7-1938, Báo Dân đã xuất bản số báo đầu tiên. Trên danh nghĩa, ông Nguyễn Trác là Giám đốc Chính trị, Nguyễn Đan Quế là Giám đốc điều hành và Nguyễn Xuân Các là thư ký quản lý và trị sự. Thế nhưng thực chất, chỉ đạo trực tiếp tờ báo là nhà tiền bối cách mạng, liệt sĩ Phan Đăng Lưu. Trong vòng 3 tháng, Báo Dân đã phát hành được 17 số báo, trong đó có số in 8.000 bản. Số báo cuối cùng ra ngày 7-10-1938 và sau đó cấm xuất bản.
Theo TS Nguyễn Thái Sơn- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy TT-Huế, sau khi Báo Dân bị cấm, tận dụng điều kiện ra báo dễ dãi hơn ở Nam Kỳ, Xứ ủy Đảng cộng sản Đông Dương Trung Kỳ chuyển hướng ra Báo Dân Tiến đặt trụ sở tại Sài Gòn, do Huỳnh Văn Thanh làm quản lý, Lưu Quý Kỳ làm thư ký tòa soạn mà thực chất là do đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo để tiếp tục xu hướng đấu tranh của Báo Dân. Bài vở đều chuẩn bị ở Huế, đưa vào Sài Gòn in, phát hành ở Sài Gòn, Huế và các tỉnh miền Trung. Trong đó, số 01 ra ngày 27-10-1938 đã tố cáo trường hợp Báo Dân ở Huế bị rút giấy phép một cách vô lý, chuyên quyền. Báo chỉ ra được 5 số, sau số 5, ngày 12-12-1938, Báo Dân Tiến bị đóng cửa. Xứ ủy Trung kỳ lại tiếp tục ra Báo Dân Muốn, trụ sở tòa soạn đặt tại Sài Gòn, nhưng nội dung bài vở được chuẩn bị tại Huế, báo vẫn do đồng chí Phan Đăng Lưu thay mặt Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo. Số 01 ra ngày 20-12-1938, nhưng sau số 02, ngày 25-1-1939, Báo Dân Muốn bị cấm. Như vậy, trong 3 năm, từ năm 1937-1939, ở Huế xuất hiện liên tục các tờ báo: Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, Dân, Dân Tiến, Dân Muốn đã hun đúc nên những nhà báo, nhà văn lừng lẫy, những chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Hải Triều, Nguyễn Khoa Văn, Hoài Thanh, Lê Đình Thám. Riêng Báo Dân có hẳn một Ban Biên tập hùng hậu: các chí sĩ Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, nhà văn Hải Triều, nhà báo Hải Thanh, nhà thơ Trịnh Xuân An, nhà báo Lâm Mộng Quang, nhà giáo Tôn Quang Phiệt và nhà thơ Tố Hữu...
"Nội dung các số báo vừa mang đậm tính chất đấu tranh cách mạng (truyền bá quan điểm và tư tưởng cộng sản), vừa gắn với thị trường, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Che mắt được kẻ thù để ra được 17 số báo là một thành công đáng ghi nhận. Có thể nói, Tuần báo Dân là sản phẩm báo chí tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử cách mạng 1936 - 1946 và báo chí cách mạng công khai ở nước ta"- nhà báo Phạm Quốc Toàn- nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận. TS Nguyễn Thái Sơn khẳng định: "Báo Dân đã góp phần quan trọng vào thành quả chung của báo chí cách mạng TT-Huế và miền Trung, làm nên diện mạo của một nơi từng là trung tâm báo chí của cả nước".
H.LAN