Bão đầu mùa đổ vào miền Trung
(Cadn.com.vn) - Trước diễn biến của bão số 3, trong ngày 14-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, BCH BĐBP các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã triển khai công tác theo dõi, kiểm đếm và thông báo về vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển. Đến cuối ngày 14-9, các địa phương nói trên đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 36.658 tàu/165.399 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh. Trong đó có 72 tàu/414 lao động hoạt động trong vùng nguy hiểm. Hầu hết các địa phương trong khu vực chưa thực hiện việc sơ tán dân.
Nhận định bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Nam, kèm theo đó là các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất, trong ngày 14-9, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố chỉ đạo khẩn trương các biện pháp phòng, chống bão, lũ nhằm tránh các thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo của Bộ Chỉ hủy BĐBP tỉnh, lực lượng đã phát thông báo và kêu gọi 176 tàu gần bờ với 913 lao động, 125 tàu xa bờ với 2.878 lao động khẩn trương di chuyển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt là 110 tàu với 2.353 lao động đang câu mực, lưới vây ở Hoàng Sa.
Tại Núi Thành 16 giờ chiều 14-9, hàng chục ngư dân cùng thợ lặn đang nỗ lực trục vớt tàu cá 200 CV do Trần Công Tăng (40 tuổi, xã Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam) làm chủ. 3 tàu cá khác được điều động đến hỗ trợ, dùng dây cáp kéo tàu bị chìm lên nhưng suốt nhiều giờ liền vẫn không nhúc nhích. Trước đó khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, do sóng to, gió giật mạnh nên chiếc tàu trên đang neo đậu ở cửa biển Tam Hòa thì bị nhấn chìm. Sau khi tàu bị chìm, ông Tăng cùng với một số thuyền viên lặn xuống sông để cột dây, kéo còn tàu vào gần bờ. Tuy nhiên, mưa lớn cùng với gió vẫn đang giật cấp 6,7 nên việc trục vớt tàu chìm đang gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội An, Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) cho biết: Hiện có trên 10 tàu hàng hải có trọng tải lớn và gần 100 thủy thủ đang neo đậu tại Cù Lao Chàm, nếu bão đổ bộ sẽ rất nguy hiểm. Do vậy, Đồn Biên phòng đã liên lạc với các thuyền trưởng các tàu chỉ đạo đưa tàu vào cảng Đà Nẵng neo đậu, nhưng do sóng biển quá lớn, các tàu này không thể duy chuyển được nên phải đậu tại đảo. Trước tình hình đó, Đồn đã điều tàu ra đưa các thủy thủ vào bờ nhưng sóng to, gió lớn giật trên cấp 8 nên không thể tiếp cận được các tàu này…
Theo báo cáo của ngành NN&PTNT Quảng Nam, đến ngày 14-9, tổng diện tích lúa chưa thu hoạch trên địa bàn tỉnh là 1.660ha. Trong đó tập trung chủ yếu tại một số huyện như Đại Lộc (500ha), Phú Ninh (200ha), Thăng Bình (100ha), Hiệp Đức (294 ha), Tiên Phước (160 ha), Nông Sơn (169ha), Điện Bàn (50ha).
Tại Đà Nẵng, sáng 14-9, Phó chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với bão lũ. UBND TP cũng đã phát công điện số 07/CĐ-PCTT yêu cầu các ngành, địa phương triển khai kịp thời các biện pháp để ứng phó với cơn bão. BCH PCLB&TKCN thành phố yêu cầu BĐBP phát lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, phối hợp với Cảnh sát Giao thông đường thuỷ, Chi cục Thuỷ sản đã tổ chức di dời tàu thuyền trên sông Hàn vào khu tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang một cách an toàn. Đến cuối giở chiều, ngoài 1.525 tàu thuyền với 6009 lao động đã vào bờ thì Đà Nẵng vẫn còn 58 tàu cùng 508 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó phía Đông Bắc Hoàng Sa có 8 tàu (95 lao động), Nam Hoàng Sa là 3 tàu (28 lao động). Các phương tiện đã nắm được tình hình, hướng di chuyển của cơn bão số 3 và hiện đang nhanh chóng di chuyển vào bờ hoặc các đảo để neo đậu, trú tránh.
Đà Nẵng đặc biệt ưu tiên các phương án phòng chống bão, lũ, lũ quét, sơ tán nhân dân tạo các vùng trũng thấp, vùng ven biển, sông suối có nguy cơ sạt lở và các khu chờ tái định cư. Ông Phùng Tấn Viết chỉ đạo UBND huyện Hoà Vang, Q.Liên Chiểu và Cty TNHH Khai thác Thuỷ lợi Đà Nẵng triển khai phương án PCLB ở hồ chứa, tổ chức ứng trực 24/24, đảm bảo thông tin liên lạc với các địa phương, sẵn sàng ứng cứu hồ chứa và sơ tán dân tại hạ du. Trước bão số 3, H. Hòa Vang còn hơn 150 ha lúa vụ hè thu chưa thu hoạch. Ông Viết cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường sẵn sàng triển khai vận hành các trạm bơm chống ngập úng trên địa bàn thành phố, Sở Thông tin và truyền thông triển khai thông báo rộng rãi tình hình bão cho nhân dân biết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt kể cả trong bão. Cty Điện lực Đà Nẵng có phương án đảm bảo an toàn điện trong thời gian có bão và nhanh chóng khắc phục các sự cố điện sau bão. Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động. Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hoá chất cần thiết để xử lý môi trường khi bão đi qua.
Ngay trước khi bão vào khu vực Quảng Nam- Đà Nẵng, phóng viên Báo CATP Đà Nẵng đã đến những khu vực trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão số 3 ghi nhận hình ảnh:
![]() |
Tàu thuyền đã được neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang |
![]() |
Không vững tay lái, một vụ ngã xe máy đã xảy ra tại ngã tư Lê Duẩn- Trần Phú (Đà Nẵng) |
![]() |
Trên một số tuyến đường, cây cối đã bị ngã đổ chắn ngang lối đi (ảnh chụp tại Q. Sơn Trà) |
![]() ![]() |
Tàu thuyền được đưa lên các tuyến đường dọc bờ biển Sơn Trà (Đà Nẵng) |
![]() ![]() |
Lực lượng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà thu hồi những chiếc biển bào gần khu vực biển. |
![]() |
Các ngư dân Đà Nẵng kiểm tra lại tàu thuyền trước khi bão vào |
![]() ![]() |
Mưa lớn gây tắc đường cục bộ tại một số tuyến đường tại Đà Nẵng |
![]() |
Tàu cá của ông Trần Công Tăng (Quarng Nam) bị chìm, 3 tàu khác đến hỗ trợ, dùng dây cáp trục vớt nhưng vẫn không đưa chiếc tàu bị nạn vào bờ được. |
![]() |
Nhân viên Ban quản lý các Công trình công cộng Tam Kỳ (Quarng nam) |
Tổ P.V