Báo động nạn mua, bán, sử dụng văn bằng giả

Thứ năm, 24/01/2019 18:33

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận nhiều thông tin tội phạm, ủy thác điều tra, công văn phối hợp xác minh từ Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước liên quan đến loại tội phạm: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Điều này đã phản ánh thực trạng, tình hình các đối tượng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhu cầu mua, bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp.

Một số văn bằng giả do nhóm đối tượng Trần Huyền Ân (1956, trú H. Thăng Bình, Quảng Nam) cầm đầu thực hiện bị Cơ quan An ninh điều tra CA tỉnh Quảng Nam phát hiện.

Theo tìm hiểu của P.V, người lao động được đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động tuy nhiên những người có nhu cầu đi xuất khẩu hiện nay lại rất khó đáp ứng điều này. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng làm bằng giả tiếp cận.

Sau một thời gian tìm hiểu, P.V nắm được thông tin chuyện làm giả giấy tờ không phải là hiếm nhất là ở những địa phương có đông người xuất khẩu lao động như huyện Quế Sơn, Thăng Bình. Phải rất nhiều lần thuyết phục P.V mới được chị H. (trú xã Bình Minh, H. Thăng Bình) tiết lộ về quá trình chị H. đi Đài Loan để lao động. Theo chị H., dù biết việc làm giả hồ sơ giấy tờ là vi phạm pháp luật tuy nhiên chị H. cho biết do mong muốn được sang nước ngoài làm việc có thu nhập cao giúp đỡ gia đình nên bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng.

“Năm 2015, tôi đã làm hồ sơ sang Đài Loan một lần với lương tháng hứa hẹn là 25 triệu đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên khi hồ sơ đang duyệt thì tôi bị “rớt” lại do trình độ văn hóa còn hạn chế. Lúc đó thấy những người làm hồ sơ cùng với mình đợt đó đi được, kiếm nhiều tiền gửi về nhà nên tôi vẫn ước mơ xuất ngoại. Đến năm 2016, nhờ người quen mách nước, tôi mua một tấm bằng tốt nghiệp lớp 12 để hợp thức hóa hồ sơ và lần này được sang Đài Loan. Sang bên đó 1 năm, tôi chí thú làm ăn nên cũng có dư dả tiền bạc tuy nhiên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phát hiện việc mình dùng bằng giả rồi bị trả về nước. Ở bên công ty của Đài Loan họ quản lý chặt chẽ lắm và thường xuyên kiểm tra giấy tờ, năng lực, không đủ điều kiện là gửi trả liền”, chị H. cho biết.

Theo chị H., không chỉ cá nhân chị mà có rất nhiều người đi cùng đợt với chị sang Đài Loan cũng làm giả nhiều loại hồ sơ giấy tờ khác nhau để được xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, chị không trực tiếp đi làm mà đường đi nước bước đều thông qua một phụ nữ tên Huệ, tiền công môi giới là 2 triệu đồng. Chị H. chỉ cung cấp thông tin cá nhân rồi người phụ nữ tên Huệ tự gửi văn bằng đến nhà cho chị.

Theo công an tỉnh Quảng Nam, thời gian qua Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh cho biết đã có đối tượng tại Quảng Nam sử dụng giấy tờ giả để làm hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, với mục đích xuất khẩu lao động sang nước ngoài. Qua làm việc, đối tượng khai nhận là thông qua một trang facebook cá nhân của một đối tượng chuyên nhận làm văn bằng, chứng chỉ giả tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cần cung cấp họ tên, năm sinh, địa chỉ và ảnh là vài ngày sau, sẽ có một văn bằng, chứng chỉ, hoặc chứng minh nhân dân giống như thật gửi về theo đường bưu điện.

Ngoài ra, trong năm qua một số đối tượng đã in phôi và phát hành các Chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ bán cho những người có nhu cầu sử dụng. Trong số những người đăng ký thi, mua thì trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 30 trường hợp. Qua làm việc, các đối tượng  thừa nhận đều có liên lạc trực tiếp hay gián tiếp với các đối tượng làm bằng giả để có được Chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ phục vụ cho việc bổ sung hồ sơ xin việc vào các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hoặc xuất khẩu   lao động.

Không chỉ riêng những người hợp thức hóa hồ sơ xuất khẩu lao động mới có nhu cầu làm giả hồ sơ, văn bằng mà vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy H. Thăng Bình, đã ra quyết định thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã Bình Minh (H. Thăng Bình) nhiệm kỳ 2010- 2015 và nhiệm kỳ 2015- 2020 đối với 5 cán bộ chủ chốt của xã này do sử dụng bằng THPT không hợp pháp. Điều này cho thấy địa bàn hoạt động của loại tội phạm này đang ngày càng mở rộng, đối tượng cho nhu cầu sử dụng bằng giả hết sức đa dạng.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý sử dụng người lao động cần tăng cường kiểm tra để chủ động phát hiện xử lý các hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ và bằng giả một cách nghiêm minh theo quy định pháp luật.

ĐỒNG DAO