Báo động người tâm thần gây án

Thứ năm, 04/04/2019 13:45

Đã hơn 1 tháng trôi qua, người dân ở xã Hoài Đức, H. Hoài Nhơn (Bình Định) vẫn còn bàng hoàng bởi sự việc bà Nguyễn Thị Thảo (64 tuổi) bị giết bởi hành vi vô cùng dã man tại nghĩa địa của địa phương. Thủ phạm không ai khác chính là Nguyễn Thanh Hải (30 tuổi) con trai bà Thảo bị bệnh tâm thần sống chung cùng với gia đình. Theo người nhà, Nguyễn Thanh Hải bị bệnh tâm thần đã lâu, có thời gian gia đình đưa đi điều trị tại bệnh viện và được cấp thuốc về nhà điều trị. Trước khi gây ra vụ án, Hải đã có biểu hiện không bình thường, tuy nhiên người nhà không thể ngờ hành vi của Hải lại gây ra hậu quả vô cùng kinh hoàng như vậy.

Đối tượng Nguyễn Trung Vinh (37 tuổi) gây án mạng nghiêm trọng do bị tâm thần.

Tình trạng người tâm thần không còn khả năng kiểm soát hành vi, dẫn đến những hành động nguy hiểm không chỉ là nỗi lo của mỗi gia đình mà là toàn xã hội. Đau xót hơn cả, nạn nhân của các vụ án nghiêm trọng đó hầu hết đều là người thân của đối tượng. Vụ giết người làm 3 người: bố, vợ và con trai trong một gia đình thiệt mạng xảy ra tại nghĩa địa thôn Đức Long, xã Ân Đức, H. Hoài Ân xảy ra năm 2018 cho thấy hậu quả nghiêm trọng của người tâm thần khi gây án. Hung thủ là Nguyễn Trung Vinh (37 tuổi) mắc bệnh tâm thần và hiện đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Bình Định. Được biết, cha mẹ Nguyễn Trung Vinh sinh 4 người con, tất cả đều có biểu hiện bệnh lý về thần kinh, trong đó 2 người có sổ điều trị của bệnh viện. Kinh tế khó khăn, cuộc sống vô cùng khốn khó nên việc điều trị của Nguyễn Trung Vinh không liên tục nên bệnh tái phát và không ai kiểm soát được hành vi của Vinh. Trước khi gây ra vụ thảm sát này, Nguyễn Trung Vinh đã có biểu hiện không bình thường của người tâm thần nặng.

Cả hai trường hợp đau lòng trên, gia cảnh đối tượng hết sức khó khăn. Các đối tượng tâm thần gây án đều trong tình trạng bệnh đang rất nặng, lại không uống thuốc theo đúng phác đồ điều trị. Hệ lụy của những vụ án trên khiến cộng đồng bất an. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Bình Định có hơn 5.000 người bị bệnh tâm thần ở nhiều mức độ khác nhau, có sổ điều trị tại gia đình. Bác sĩ Phạm Văn Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định cho hay: “Có thể thấy, một thực tế đang tồn tại hiện nay là rất nhiều người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng không phải người bệnh nào cũng được quan tâm và chăm sóc. Chính từ việc ít được quan tâm, chăm sóc nên hầu hết những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng không được khám và chữa trị dứt điểm dẫn tới khi bệnh nặng, người bệnh không kiểm soát được hành vi dẫn tới những hệ lụy đau lòng. Khi họ điều trị nội trú thì không được quan tâm, uống thuốc không đều đặn, không đúng phác đồ”.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ án đau lòng xảy ra do nhiều gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc người bệnh, thậm chí có biểu hiện che giấu việc người thân có biểu hiện hạn chế nhận thức. Chưa kể, khi áp dụng các biện pháp bắt buộc đưa người bệnh đến các trung tâm chữa trị, gia đình không đủ kinh phí, hoặc cơ quan điều tra giao chính quyền địa phương quản lý, trong khi chính quyền địa phương không thể lúc nào cũng có điều kiện theo dõi. Điều này dẫn đến việc họ tiếp tục sống trong cộng đồng khi chưa được chữa trị, tiềm ẩn các hệ lụy khó lường như các vụ án trên.

Đối với cơ quan Công an, muốn xử lý người tâm thần phải đưa đi giám định và nhiều thủ tục khác. Kinh phí, thời gian giám định, cách chăm sóc quản lý  các đối tượng tâm thần gây án trong thời gian giám định  gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian dài đó Cơ quan điều tra rất khó quản lý đối tượng. Vì vậy công tác phòng ngừa người tâm thần gây án rất quan trọng. Việc  xây dựng quỹ hỗ trợ người nhà có người bị bệnh để họ đưa người thân của mình đi điều trị. Các cơ quan, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm giúp đỡ người bệnh và gia đình nhiều hơn nữa. Nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân không thuyên giảm, có những hành động mất kiểm soát, đe dọa đến ANTT, chính  quyền địa phương cần nhanh chóng phối hợp, động viên gia đình đưa những trường hợp đó đến các bệnh viện tâm thần để điều trị.

QUÝ HIỀN