Báo động tình trạng cháy tàu cá
(Cadn.com.vn) - Sáng 5-3, đám cháy trên tàu câu mực QNa-90947 của chủ tàu Huỳnh Văn Trí và Nguyễn Thanh (cùng trú thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, H. Núi Thành, Quảng Nam) mới được lực lượng chức năng dập tắt hoàn toàn sau nỗ lực chữa cháy từ khuya ngày 4-3...
Báo động
Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ phần thân tàu và ca bin, tàu QNa-90947 bị chìm hoàn toàn phần thân tàu, máy tàu bị ngập nước, hư hỏng. Ông Huỳnh Văn Trí, đồng chủ tàu QNa-90947 cho biết tàu được đóng năm 2011, công suất 870 CV, với kinh phí 3 tỷ đồng. Tối 4-3, tàu neo đậu tại cảng cá Tam Giang để chuẩn bị vươn khơi trong sáng 5-3 thì bị cháy. Tổng thiệt hại gồm chi phí, nhu yếu phẩm, ngư cụ... của các chủ tàu và bạn câu hơn 5 tỷ đồng.
Trên thực tế, mấy năm trở lại đây, ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình (Quảng Nam) liên tục xảy ra các vụ cháy tàu cá khi đang neo đậu trong bờ, làm nhiều hộ ngư dân điêu đứng vì trắng tay bởi tài sản hàng tỷ đồng bất chợt bị thiêu rụi. Gần đây nhất là trưa ngày 23-7-2014, tàu cá QNa 05949 đang neo đậu tại biển Bình Minh (H. Thăng Bình) để tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm chuẩn bị ra khơi thì bất ngờ bị cháy.
Dù nỗ lực bằng mọi cách để chữa cháy nhưng chủ tàu, các ngư dân và lực lượng biên phòng đóng chân tại địa phương cũng bất lực. Ông Nguyễn Anh, đồng chủ tàu với anh em Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Lâm, Trương Công Tin và Trương Công Thạnh (cùng thôn Hòa Bình, xã Bình Minh) nhớ lại: “Sau chuyến đi biển, chúng tôi đưa tàu về cập bến, định thăm nhà vài ngày để chuẩn bị ra khơi trở lại thì tàu bị cháy, thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng. Con tàu này anh em chúng tôi vay mượn hơn 1 tỷ đồng, nhưng tàu bị cháy thì trắng tay, nợ nần đến nay cũng chưa trả hết”.
Theo thống kê của UBND H. Núi Thành, từ năm 2011 đến nay trên địa bàn xã Tam Giang đã có 6 tàu câu mực khơi (trị giá từ 2 - 3,5 tỷ đồng) bị cháy rụi ngay tại nơi neo đậu. Ngoài tàu QNa-90947 của chủ tàu Huỳnh Văn Trí và Nguyễn Thanh mới vừa bị cháy, còn có tàu QNa - 91269 TS của ông Phạm Cương đang đậu tại cảng cá An Hòa (thôn Đông Xuân) cũng bị thiêu rụi giữa khuya 28-6-2014; tàu câu mực khơi QNa - 91685 của ông Bùi Lên (thôn Hòa An) đang đậu tại khu âu thuyền An Hòa bỗng nhiên bị bốc cháy dữ dội trong đêm 18-9-2003. Trước đó, tàu của các ông Phan Văn Thành, Trần Văn Ảnh, Trần Văn Nhánh cũng đã bị thiêu rụi.
Lực lượng chức năng đang dập lửa trên tàu câu mực QNa-90947. Ảnh: QN |
Cấp thiết bị PCCC tàu cá
Theo ngành chức năng và các địa phương, nguyên nhân các vụ cháy tàu cá là do chập điện. Mặc dù tổ chức lực lượng cứu chữa ngay sau khi phát hiện cháy nhưng do bên trong mỗi tàu chứa cả tấn dầu cùng nhiều bình gas, ngư lưới cụ và nhiều vật dụng dễ cháy nên ngọn lửa đã thiêu rụi gần như hoàn toàn con tàu.
Qua việc kiểm tra các tàu bị cháy trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Khả, Phó Chủ tịch UBND H. Núi Thành cho rằng, tình trạng cháy tàu mực khơi đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho tàu cá. Hầu hết các tàu vươn khơi đều có hệ thống lưới điện và nhiều thiết bị sử dụng điện có cấu trúc rất phức tạp: máy phát điện công suất lớn, hệ thống điện chiếu sáng, đèn pha, ắc-quy công suất lớn, máy I-com cùng nhiều thiết bị dùng điện phức tạp khác.
Tuy nhiên, việc lắp đặt các thiết bị này lại do các thợ điện “tay ngang” hay chủ tàu tự lắp nên tiềm ẩn nguy cơ chập điện phát cháy. Bên cạnh đó, số hàng hóa phục vụ hậu cần mang theo khá lớn, đặc biệt là hàng tấn dầu diesel, hàng chục bình gas là vật dễ cháy cùng với người lao động đông đảo. Nếu xảy ra cháy tàu giữa biển khơi là rất khó ứng cứu. “Cùng với việc tăng cường công tác PCCC trên các tàu, huyện cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn ở tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn việc lắp đặt các thiết bị điện cũng như hệ thống PCCC trên tàu và trang bị các kiến thức cơ bản về sử dụng điện an toàn cho ngư dân” - ông Khả nói.
Từ các vụ cháy tàu cá vươn khơi diễn ra liên tục, việc trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC cho ngư dân là vấn đề cấp thiết, nhất là PCCC tại chỗ trên tàu. Trong tháng 12-2014, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn CA Quảng Nam phối hợp với Phòng NN&PTNT H. Núi Thành tổ chức 5 lớp tập huấn kiến thức PCCC cho hàng trăm ngư dân các xã ven biển gồm: Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang, Tam Tiến.
Theo các cơ quan chức năng, để đảm bảo an toàn cho những con tàu, ngoài việc tăng cường công tác PCCC, nâng cao nhận thức của chủ tàu và bạn tàu, cần thiết phải có những thợ lành nghề, am hiểu về điện thực hiện việc lắp đặt các thiết bị, hệ thống điện trên các tàu đánh bắt xa bờ. Cần có những lớp tập huấn, hướng dẫn ngư dân cách sử dụng hệ thống điện an toàn trên tàu.
Thạch Hà