Báo động tình trạng học sinh, sinh viên lừa đảo qua mạng

Thứ ba, 18/08/2015 09:30

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, cơ quan điều tra CA một số tỉnh, thành phố đã điều tra, khám phá và bắt giữ nhiều nhóm đối tượng sử dụng công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội như: Zalo, Viber, facebook. Điều đáng lưu ý, liên tiếp có nhiều đối tượng bị cơ quan CA bắt giữ còn đang trong độ tuổi học sinh và địa bàn H. Duy Xuyên (Quảng Nam) được ví là "thủ phủ" lừa đảo qua mạng trong khu vực.

Ngay khi xuất hiện những thông tin về một đường dây chuyên lừa đảo qua mạng xã hội, CAH Duy Xuyên đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, phối hợp với CA các tỉnh thành có liên quan để kịp thời ngăn chặn hành vi phi pháp của nhóm lừa đảo này. Về thực trạng trên, ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên, cho biết: "Sau khi có báo cáo của CAH, UBND huyện đã họp các ban ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các quán Internet trên địa bàn, quyết liệt xử lý hành vi vi phạm...".

Giữa tháng 2-2015, nhận được tin báo của CA tỉnh Hà Tĩnh về một số đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội Zalo, CAH Duy Xuyên đã phối hợp bắt giữ 3 đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo này. Điều bất ngờ là các đối tượng còn rất nhỏ tuổi. Em T.H.Đ, P.M.T, L.V.B đều là học sinh bậc THCS tại TT Nam Phước (H. Duy Xuyên). 3 đối tượng lừa đảo trên mạng "nhí" đã lừa 4 người trên địa bàn Quảng Nam và Hà Tĩnh để chiếm đoạt số tiền gần 10 triệu đồng. Thủ đoạn của các đối tượng này là đăng nhập vào các trang mạng xã hội, gửi tin nhắn báo trúng thưởng xe máy Liberty hoặc phiếu quà tặng trị giá 50-70 triệu đồng cùng nhiều phần quà có giá trị khác đến các nạn nhân. Khi khách hàng liên hệ nhận giải thì các đối tượng yêu cầu phải nộp trước một số tiền (bằng thẻ cào điện thoại làm chi phí làm hồ sơ) hoặc yêu cầu các nạn nhân nộp tiền thuế VAT... rồi mới cho nhận giải.

3 học sinh tham gia lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet.

Khi biết con mình lừa đảo qua mạng,  cha mẹ của các em đều hết sức bất ngờ về hành vi vi phạm pháp luật của con mình. Cha em T.H.Đ, cho biết: "Nghe tin con lừa đảo qua mạng gì đó, tôi có biết chi mô. Hắn mới học lớp 9 chớ mấy, không biết có răng không nữa?". Còn bà M. (mẹ em P.M.T), chủ một tiệm vàng ở TT Nam Phước, tâm sự: "Nhà tôi lo cho hắn ăn học đàng hoàng và đâu có thiếu thốn, mắc chi phải đi lừa đảo người khác rứa không biết. Lỗi cũng tại tôi thấy con ham mê máy tính mà không can ngăn". Bà M. còn kể một vài lần có nghe T. và bạn bè nói loáng thoáng về việc chiếm đoạt tiền qua mạng nhưng vốn làm ăn buôn bán không hiểu biết về máy tính nên bà M. không biết đó là hành vi lừa đảo.

Cũng trong thời gian qua, được sự tố giác của người dân về một tài khoản mang tên V.Đ.N có hành vi lừa đảo lực lượng CATP Huế đã phát hiện từ tháng 8-2014 đến nay đã có gần 300 triệu đồng chuyển vào tài khoản này. Qua xác minh đối tượng này là sinh viên 22 tuổi, trú xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ đó, một đường dây lừa đảo trúng thưởng qua mạng được hé lộ và các đối tượng này đa phần là sinh viên, học sinh cùng trú xã Duy Trinh. Trước đó, ngày 14-4-2015, Cơ quan CSĐT CATP Hồ Chí Minh cũng đã bắt khẩn cấp 3 nghi can chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng qua mạng gồm: Lê Văn Pháp, Nguyễn Thị Phương, Phạm Nguyễn Minh Tài (cùng trú TT Nam Phước).

Từ thực tế trên có thể thấy rằng tình trạng học sinh lừa đảo qua mạng rất phổ biến và đáng báo động. Nếu như trước đây, tình trạng học sinh la cà quán Internet khiến các em lơ là việc học tập, sa đà vào trò chơi trực tuyến thì nay tình trạng này đã diễn biến phức tạp hơn. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của các em học sinh cũng như sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhiều đối tượng xấu đã bày vẽ, hướng dẫn cho các em cách thức lừa đảo qua mạng. Vừa được chơi, vừa kiếm được nhiều tiền nên nhiều em đã vi phạm pháp luật mà không hề hay biết. Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan điều tra, cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa, phối hợp giữa gia đình và nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời tình trạng trên.

Đồng Dao