Báo động tình trạng người bị tâm thần gây án ở Quảng Ngãi

Thứ năm, 08/02/2018 14:18

Vụ mới đây nhất xảy ra vào lúc 15 giờ ngày 21-1-2018 tại thôn Hòa Bân, Tịnh Thiện (TP Quảng Ngãi). Người bị hại là ông Đinh Quang Sô (1954, trú Tịnh Thọ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Đối tượng gây án là Phạm Anh Vũ (1988, trú Tịnh Thiện, Quảng Ngãi). Bản thân Vũ đã có sổ điều trị tâm thần và đang hưởng trợ cấp xã hội  hàng tháng.

Lực lượng CS113 CA tỉnh Quảng Ngãi khống chế, bắt giữ Phạm Anh Vũ. (ảnh do Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Ngãi cung cấp)

Vào thời điểm nói trên, do bực tức với cha ruột của mình là ông Phạm Thành (1962), Vũ đã cầm rựa tìm cha để chém. Phát hiện ra điều này, ông Thành đã nhanh chân chạy trốn. Không dừng lại ở đó, Vũ tiếp tục cầm rựa đi qua đi lại trước nhà ông Nguyễn Văn Tâm (1965) ở gần đó. Tuy nhiên, lúc này ông Tâm đang ngủ, còn vợ đi làm chưa về. Trong nhà chỉ còn hai vợ chồng ông Đinh Quang Sô và bà Trương Thị Lạ (sui gia với ông Tâm đến thăm cháu ngoại). Lúc này thấy Vũ cầm rựa đi qua đi lại trước nhà nên cháu Nguyễn Thị Thu Trang (15 tuổi, con ông Tâm) ra đóng cửa ngõ lại rồi vào trong nhà cùng bà Lạ vào trong phòng để trốn. Riêng ông Sô nghĩ là không có chuyện gì nên vẫn ngồi trước nhà. Đúng vào thời điểm đó, Vũ dùng rựa đập bể hàng rào lam xi măng đột nhập nhà đuổi ông Sô chạy xuống bếp. Tại đây, Vũ dùng rựa chặt ông Sô 9 nhát làm ông chết tại chỗ. Chưa dừng lại ở đó, sau khi gây án, Vũ cầm rựa chạy ra đường đến khu vực cầu sắt ở Tịnh Châu, Quảng Ngãi đòi chém những người đi đường. Thông tin trên đã được cấp báo cho lực lượng CS113 CA tỉnh Quảng Ngãi. Khi có mặt tại hiện trường, lực lượng CS113 đã khôn khéo tiếp cận, quật ngã, khống chế đối tượng trước sự chứng kiến của nhiều người dân. Thiếu tá Ngô Văn Đức, Đội trưởng Đội 4, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Phạm Anh Vũ để củng cố hồ sơ, đưa đối tượng đi giám định tâm thần.

Theo Thượng tá Đặng Văn Nam, Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Quảng Ngãi, chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, hầu như năm nào cũng xảy ra các vụ án giết người do người tâm thần thực hiện. Trong năm 2017, ngoài 5 vụ xâm phạm TTXH do người tâm thần hoặc người có biểu hiện tâm thần thực hiện trên địa bàn tỉnh, còn xảy ra 2 vụ án giết người thân thương tâm mà đối tượng gây án là người mắc bệnh tâm thần. Đó là vụ Lê Quang Thanh (1977, ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, H.Bình Sơn) do bị bệnh tâm thần đã dùng ghế gỗ đánh chết bà Nguyễn Thị Lệ (1941) là mẹ vợ của Thanh. Sau khi khởi tố điều tra, giám định tâm thần, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Thanh cho đến khi sức khỏe tâm thần ổn định thì tiếp tục giám định để đưa đối tượng về bàn giao cho gia đình, địa phương quản lý, chăm sóc.

Hoặc như vụ Trần Ngọc Dũng (1972, ở thôn Đồng Vinh, xã Hành Nhân, H.Nghĩa Hành) có biểu hiện tâm thần đã dùng rựa chém chết bà Nguyễn Thị Thanh (1931) là mẹ ruột của Dũng... Nêu ra một số vụ án trên, Thượng tá Đặng Văn Nam vẫn tỏ ra lo lắng khi cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 2.018 người bị bệnh tâm thần chưa có biện pháp chữa bệnh, quản lý tốt tại gia đình, cộng đồng... Do đó, những người thân trong gia đình, người dân sinh sống chung quanh rất dễ trở thành đối tượng để người mắc bệnh tâm thần tấn công, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản. Qua thực tế, có thể thấy các vụ án mà thủ phạm là người tâm thần hoặc có biểu hiện tâm thần đều gây hậu quả nghiêm trọng. Và đa phần, các nạn nhân, gia đình bị hại và gia đình bị can đều biết rõ tình trạng bệnh của người thân mình nhưng đã chủ quan hoặc chưa có biện pháp đối phó hợp lý vì giữa hung thủ và nạn nhân có mối quan hệ ruột thịt hoặc người thân trong gia đình.

Trao đổi với người viết, Thượng tá Đặng Văn Nam cho biết “Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để xảy ra các vụ án, nhất là án giết người do người tâm thần thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Ngãi thấy cần thiết phải có những giải pháp cụ thể”. Đó là, lực lượng CA các cấp, nhất là CA cấp cơ sở cần tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động rà soát, lên danh sách số người mắc bệnh tâm thần đang sinh sống trong các hộ gia đình, cùng người thân tại địa phương để kịp thời phát hiện, cảnh báo, nhắc nhở, theo dõi thường xuyên để có giải pháp ứng xử đúng mức với người bệnh tâm thần; vận động gia đình, người thân đưa vào cơ sở chữa bệnh và có biện pháp cách ly tạm thời khỏi xã hội số đối tượng có nguy cơ cao dễ thực hiện hành vi phạm tội. Sở Y tế cần tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, cơ số thuốc về điều trị bệnh tâm thần cho Bệnh viện tâm thần tỉnh để người bệnh tâm thần có điều kiện được chăm sóc, điều trị tốt nhất, giúp họ khỏi bệnh và tái hòa nhập cộng đồng... Có như vậy mới hạn chế được những thảm án do người có bệnh tâm thần gây ra.

PHƯƠNG KIẾM