Bao giờ Đà Nẵng là trung tâm kinh tế biển? (Bài 2: Khẩn trương hiện đại hóa nghề cá)

Thứ hai, 17/06/2019 11:10

Biển là không gian sinh tồn của người dân gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền. Nếu người nông dân cày trên thửa ruộng trong đất liền thì biển khơi chính là mảnh ruộng mưu sinh từ bao đời của ngư dân. Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị xác định ngư nghiệp, trong đó có khai thác thủy sản là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn phát triển của Đà Nẵng.

Hải sản Đà Nẵng cũng là nét cuốn hút du khách, bổ trợ cho ngành du lịch chứ không mâu thuẫn với du lịch.

Không mâu thuẫn du lịch

Đã có lúc Đà Nẵng nghi ngại về vai trò nghề cá, có sự cân nhắc phát triển nghề cá và du lịch. Điều này làm chợ cá Đà Nẵng chậm xây dựng, khi mà lẽ ra nó được xây từ tháng 8-2018 sau khi đã tranh thủ được nguồn vốn trung ương. Nghị quyết 43 mới ra đời và đã chấm dứt sự nghi ngại trước đó. Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng nói, Nghị quyết 43 khẳng định nghề cá là 1 trong 5 mũi nhọn phát triển Đà Nẵng là hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, Đà Nẵng có tổ nghiệp nghề cá, phát triển nghề cá để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Đà Nẵng là địa phương duy nhất cả nước có 1 huyện đảo đang bị nước ngoài chiếm đóng trái phép, nên phải luôn luôn có tai mắt canh giữ.

Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Đội biên phòng, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nói, khai thác hải sản là nghề truyền thống gắn với tập quán, mang tính văn hóa của ngư dân TP, họ không thể bỏ biển. Hơn nữa, Đà Nẵng là TP biển, không có lý gì không gắn với khai thác hải sản. Đặc biệt hơn, trách nhiệm của Đà Nẵng với Hoàng Sa rất quan trọng. Đà Nẵng có hẳn một huyện đảo đang bị chiếm đóng, phải có ngư dân ở đó, tiếng nói của ngư dân Đà Nẵng là số 1. Do đó, Đại tá Thành nói không những phải phát triển nghề cá mà phải phát triển rất mạnh. Cụ thể phải đầu tư, nâng cấp mở rộng âu thuyền cảng cá theo hướng bền vững; hỗ trợ, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. “Khai thác thủy sản giờ phải vươn khơi xa, tính tới các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao mà các nước khác rất cần. Vì sao tàu cá nơi khác về Đà Nẵng nhiều, là vì nơi đây đầu mối tiêu thụ, được giá”- Đại tá Thành chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, nghề cá Đà Nẵng hoàn toàn không mâu thuẫn gì với phát triển du lịch, mà ngược lại còn hỗ trợ rất lớn cho du lịch, dịch vụ phát triển. Bởi lẽ khi khách du lịch tới, họ có thể không chơi giữa trời mưa, nhưng không thể không ăn. Và hải sản Đà Nẵng là một trong những thế mạnh ẩm thực thu hút du khách. Đà Nẵng được Bộ Chính trị xem là TP động lực của miền Trung, thì phải phát triển cùng khu vực và vì khu vực. Tức là phải hoàn thành trách nhiệm của một TP động lực. Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để tàu thuyền các tỉnh bạn tới, chẳng hạn có trung tâm dịch vụ nghề cá tương đối đầy đủ nhất của cả nước. Khu Thuận Phước tuy không lớn nhưng có âu thuyền, có nơi sửa chữa tàu, có bộ phận dịch vụ cung ứng đá, dầu, có chợ gần bên cung ứng thực phẩm cho tàu ra khơi, và có một thị trường tiêu thụ cá rất thuận lợi vì ngay trên bờ có gần 20 nhà máy chế biến thủy sản, từ đây phát luồng giao thương tiêu thụ, xuất khẩu cá đánh bắt được. Tất cả các yếu tố đó hoàn toàn thuận lợi để đảm bảo rằng nghề cá cần phải phát triển, Đà Nẵng phải là trung tâm dịch vụ hậu cần, trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

* Đà Nẵng hiện có 523/1250 tàu khai thác hải sản xa bờ (dài trên 15m), có âu thuyền cảng cá, chợ đầu mối thủy sản và có khu chế biến Thọ Quang thu hút hơn 5 ngàn lao động, xuất khẩu hơn 100 triệu USD/năm. Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, dự án nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang tổng vốn 217 tỷ đồng, năm 2019 bố trí 26,5 tỷ đồng, theo kế hoạch khởi công từ cuối tháng 2-2019, tuy nhiên đến nay đã chậm tiến độ.

Tìm giải pháp bền vững

Thời gian qua, không gian phụ trợ cho nghề biển như cột lưới, phơi lưới, xây dựng dàn lưới trên bờ... bị thu hẹp lại tại âu thuyền, giờ đã quá chật hẹp với sự phát triển của Đà Nẵng. Như vậy, đứng trước Nghị quyết 43, trong một không gian chật hẹp như vậy, nghề cá Đà Nẵng phải phát triển ra sao cho xứng đáng? Ông Trần Văn Lĩnh nói, Đà Nẵng nên phát triển vài đội tàu hiện đại theo hướng công nghiệp khai thác, có thể không nhiều nhưng phải tiên phong cả nước. Các đội tàu này do doanh nghiệp đầu tư, thuê ngư dân đi khai thác xa bờ, trên tàu đầy đủ phương tiện hiện đại từ khai thác, bảo quản, chế biến. Bên cạnh đó, Đà Nẵng phải đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá (từ cung cấp đá, dầu, lưới, dịch vụ sửa chữa...) để thu hút tàu cá của các địa phương trong vùng về cảng. Việc cấp bách hơn, theo ông Lĩnh là cần đầu tư chợ cá hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và cho xuất khẩu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó, nâng cấp các dịch vụ hậu cần lên tương ứng với nhu cầu thời đại. “Nếu chúng ta tạo một bến thuyền tốt thì thuyền sẽ đậu, tiền cũng sẽ đậu. Điều này vừa giải quyết việc làm cho ngư dân, tạo thế mạnh cho công nghiệp chế biến trên bờ, tạo sản phẩm cá tươi cho ngành du lịch” – ông Lĩnh chia sẻ.

Đại tá Trần Công Thành cho biết, sự hiện diện của ngư dân trên biển, trên những con tàu mang cờ Tổ quốc ngoài khơi xa không chỉ làm kinh tế mà còn khẳng định chủ quyền vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Tạo niềm tin vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển cũng là giải pháp thiết thực phát triển nghề cá. Theo Đại tá Thành, ngư dân Đà Nẵng chủ yếu khai thác tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển nhạy cảm không chỉ có tàu của ngư dân mình. Do đó để tránh bị tàu lạ đâm va, tấn công, cướp bóc, ngư dân cần khai thác từng tổ đội từ 3-5 tàu, không đi vào sát các đảo (cách 12 hải lý), khi xảy ra sự cố cần lập tức thông tin về đất liền để được hướng dẫn xác lập chứng cứ đấu tranh ngoại giao pháp lý. Việc đi theo tổ đội khi gặp rủi ro, thiên tai cũng dễ dàng tương trợ. Ngoài ra, BĐBP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức tuần tra trên biển vừa để hỗ trợ ngư dân vừa phát hiện ngăn chặn tàu các nước khác xâm phạm lãnh hải. “Chúng tôi tổ chức 5 đài thông tin biển, ít nhất 1 lần trong ngày ngư dân phải báo thông tin về, từ tọa độ, điều kiện thời tiết, an ninh an toàn, khi có sự cố sẽ kịp thời xử lý, đảm bảo điều kiện an toàn nhất cho ngư dân yên tâm khai thác”- Đại tá Thành nói.

Đà Nẵng cũng là địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân mạnh mẽ, nổi bật như hỗ trợ đóng mới tàu khai thác xa bờ và tàu dịch vụ khai thác hải sản từ 500 đến 800 triệu đồng/tàu. Tuy nhiên, để nghề cá là một trong 5 lĩnh vực mũi nhọn phát triển Đà Nẵng theo Nghị quyết 43, TP cần đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ hậu cần nghề cá, có chính sách mạnh mẽ phát triển các đội tàu khai thác hiện đại và tạo điểm tựa tinh thần vững chắc cho ngư dân khai thác trên biển.

HẢI QUỲNH