Bao giờ đại dịch COVID-19 kết thúc?
Đã 17 tháng trôi qua kể từ ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch (ngày 11-3-2020). Sau 17 tháng hỗn loạn và đau đớn, nhiều người tự hỏi khi nào đại dịch sẽ kết thúc? Đây thực sự là câu hỏi khó có lời giải, nhất là trong bối cảnh virus gây bệnh COVID-19 liên tục biến chủng đáng lo ngại.
Mỹ thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine trong bối cảnh biến thể Detla lây lan nhanh chóng. Ảnh: Reuters |
Anh có thể thừa tới 210 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm Theo dữ liệu từ công ty phân tích khoa học đời sống Airfinity, Anh có thể sẽ thừa tới 210 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021. The đó, khoảng 467 triệu liều vaccine COVID-19 sẽ được chuyển đến Anh vào cuối năm 2021 nhưng nước này chỉ cần 256,6 triệu liều để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của tất cả những người trên 16 tuổi và tiêm nhắc lại cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng trung bình liều 1 và liều 2 với người trưởng thành ở Anh là hơn 80%. Nếu toàn bộ số người đủ điều kiện còn lại đi tiêm trong năm nay, Anh sẽ thừa 186 triệu liều vaccine. Trong khi đó, nếu tỷ lệ tiêm chủng của nhóm người còn lại cũng đạt hơn 80%, Anh dư tới 210 triệu liều vaccine. Global Justice Now, nhóm vận động về các vấn đề công lý và phát triển toàn cầu cho biết, số vaccine dư thừa của Anh đủ để tiêm chủng cho khoảng 211 triệu người sống ở 10 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới. Giống như một số quốc gia Châu Âu khác, Anh đang triển khai kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9 nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trước lo ngại hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu giảm. T.N |
Sự xuất hiện của biến thể Delta và mới đây là Delta Plus cũng như Lambda đang làm lu mờ đi mọi hy vọng về một thế giới “không COVID-19” và trở lại cuộc sống bình thường. Trong một tuyên bố mới nhất, nhà nghiên cứu Rachael Piltch-Loeb thuộc Chương trình Nghiên cứu, Đánh giá và Thực hành Chuẩn bị Khẩn cấp của Trường Y tế cộng đồng Harvard T.H Chan (Mỹ) cho biết: “Ngay cả trong giới khoa học, bạn cũng sẽ nhận được những câu trả lời thực sự khác nhau. Thực sự không có một định nghĩa nào về sự kết thúc của đại dịch”. Việc tuyên bố “sự kết thúc của đại dịch” có thể là một mục tiêu xa vời, bởi virus SARS-COV-2 sẽ không biến mất cho đến khi con người kiểm soát hoặc hạn chế được nó trên phạm vi toàn cầu.
Việc một số quốc gia dỡ bỏ hoặc nới lỏng những biện pháp hạn chế khiến nhiều người không nhận thức được thực tế dịch bệnh vẫn còn vô cùng ảm đảm trên toàn thế giới. Trên thực tế, chỉ mới tháng 5 vừa qua thôi, các trường hợp mắc COVID-19 giảm trên khắp nước Mỹ, các khu vực của Châu Âu và Trung Đông khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, các hạn chế xã hội được nới lỏng, làn sóng mở cửa kinh doanh trở lại... Nhưng niềm vui đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh tại nhiều nước trên thế giới.
Ngày 9-8, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo ghi nhận 125 ca mắc mới bệnh COVID-19 trong ngày 8-8, tăng gần 30 ca so với một ngày trước đó. Theo giới chức Trung Quốc, các ổ dịch mới bùng phát ở nước này là do sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Ngày 9-8, thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc cho biết đã hoàn thành xét nghiệm diện rộng trong 6 ngày, phát hiện ra 37 ca mắc COVID-19 có triệu chứng và 41 trường hợp không triệu chứng trên tổng số dân hơn khoảng 12 triệu người.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) ngày 9-8 cho biết nước này có thêm 1.492 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước 212.448 ca. Theo KDCA, trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 2.125 người. Tại Châu Âu, Anh ngày 8-8 ghi nhận 27.429 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 6.069.362 ca. Nước này cũng có thêm 39 ca tử vong, khiến số người không qua khỏi do đại dịch tăng lên 130.320 người.
Ở Trung Đông, Bộ Y tế Israel ngày 8-8 cho biết hiện nước này ghi nhận tổng cộng 899.920 ca nhiễm, trong đó 6.541 ca tử vong sau khi có thêm 2.594 ca nhiễm mới và 6 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại Mỹ cũng phủ một màu u ám khi số người nhiễm bệnh tiếp tục tăng cao do biến chủng Delta. Số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 8 tháng, khiến giới chức lo ngại rằng số ca nhập viện và tử vong sẽ tiếp tục tăng nếu nhiều người dân không chịu tiêm vaccine COVID-19.
Trước tình hình này, ông Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota của Mỹ nhận định: “Sự phức tạp của việc chống lại một loại virus đột biến nhanh chóng” có nghĩa là đôi khi chúng ta tiến được hai bước nhưng bị lùi một bước”. Ông cho rằng, nếu người dân muốn đại dịch chấm dứt trước khi cơ quan chức năng tuyên bố và trở lại cuộc sống bình thường, thế giới sẽ phải hứng chịu một hậu quả nghiêm trọng: đó là nhiều người chết vì dịch bệnh. Đó là điều đã xảy ra với các đại dịch trước đây.
Nhà khoa học Jagpreet Chhatwal thuộc Viện Đánh giá Công nghệ thuộc bệnh viện đa khoa Massachusetts, (Mỹ) nói: “Chỉ khi nào chúng ta có thể giảm ca tử vong vì dịch bệnh xuống một mức thấp nào đó và trở lại cuộc sống bình thường, lúc đó mới có thể nói đại dịch đã kết thúc”.
KHẢ ANH