Bao giờ di dời làng đá mỹ nghệ Non Nước?

Thứ hai, 19/10/2015 08:56

(Cadn.com.vn) - Từ năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương di dời làng đá Non Nước, thế nhưng đến tận bây giờ chủ trương đó vẫn chưa thành hiện thực, nhiều chủ cơ sở sản xuất chần chừ, chưa chịu dời đến cơ sở làng đá mới.

Dù được bố trí lô đất 200 m2 và đã xây dựng cơ sở mới ở làng đá Non Nước nhưng anh Hoàng Văn Công (cơ sở đá mỹ nghệ Quang Minh) vẫn còn hoạt động sản xuất tại nơi cũ. Anh Công giải thích: “Quận hạn định đến cuối tháng này phải di dời nên trước sau gì tôi cũng chuyển đến cơ sở mới. Tuy nhiên hiện cơ sở của tôi thiếu kinh phí và việc di chuyển máy móc thiết bị mất nhiều thời gian, nên chưa thể di dời được”.

Không chỉ có anh Công, hàng trăm cơ sở đá ở Non Nước vẫn chưa di dời đến làng đá mới, vì vậy đến nay khu vực quanh danh thắng Ngũ Hành Sơn hằng ngày vẫn hiện hữu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và bụi bặm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch. Anh Lê Văn Tưởng (P. Hòa Hải) chủ một cơ sở sản xuất đá cho biết vẫn chưa biết lúc nào di chuyển đến làng đá Non Nước mới. “Ở nơi cũ chỉ cần che tấm bạt lên là có thể làm được rồi, còn lên khu mới phải làm nhà xưởng kiên cố, hệ thống thu gom nước thải... nên cần số tiền rất lớn. Không riêng gì tôi, ở làng đá Non Nước có rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ nên gặp khó khăn về kinh phí di dời, vừa rồi  quận có nói sẽ hỗ trợ cho vay ưu đãi từ ngân hàng, tôi đang làm thủ tục vay, lúc nào vay được tiền thì tôi di dời đến cơ sở mới”-anh Tưởng nói.

Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành, cũng là lý do khiến nhiều cơ sở sản xuất chưa chịu dời đến.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc thiếu kinh phí, thì nhiều cơ sở làng đá Non Nước “chê” làng nghề mới diện tích chật hẹp. Ông Lê Văn Hưng (P. Hòa Hải) cho biết, cơ sở của ông chuyên sản xuất những tượng có kích thước to nên đòi hỏi diện tích lớn, tuy nhiên ông chỉ được phân lô 100 m2 ở khu làng đa mới. “Chiều rộng ở làng đá mới chỉ có 5 mét, nên gây khó khăn cho quá trình sản xuất và di chuyển tượng. Rất nhiều cơ sở đã kiến nghị được nâng diện tích ở làng đá mới nhưng vẫn chưa được giải quyết”-ông Hưng nói.

Trong khi không ít cơ sở sản xuất chần chừ thì  nhiều người khác lại hài lòng khi di dời đến làng đá mới. Đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng cơ sở mới, anh Mai Văn Hào (P. Hòa Hải) nói: “Dù chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng sản xuất ở làng đá mới rộng rãi hơn nhiều, về lâu dài sẽ có nhiều cái lợi. Cơ sở sản xuất không còn nằm trong khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm môi trường quanh Ngũ Hành Sơn sẽ giảm”. Theo quan sát của chúng tôi, dù đã đưa vào hoạt động, nhưng làng đá Non Nước mới vẫn chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Khi các tuyến đường chưa được thảm nhựa, nước thải từ các hộ sản xuất chưa được thu gom dù trạm xử lý nước thải đã xây xong, những lý do này cũng khiến nhiều cơ sở sản xuất chưa di dời. Được biết tổng diện tích giai đoạn 1 của làng đá là 37,5 ha, trong đó đất bố trí sản xuất gần 7,5 ha, đất bãi chứa đá gần 6,6 ha. Ông Võ Đức Huy –Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, qua khảo sát giai đoạn 1, tổng số cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Non Nước trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn là 425 cơ sở, trong đó có 209 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, còn lại là cơ sở xay bột đá, sản xuất đá granite, lắp ráp bia mộ. “Đến nay, hội đồng xét duyệt quận đã thống nhất cho 373 cơ sở thuê đất và đã bố trí đất thực tế cho 348 cơ sở, còn lại 24 cơ sở chưa được cấp đất. Quận cũng đã ban hành 307 quyết định cho thuê đất, tuy nhiên trong số này chỉ có 97 cơ sở đi vào hoạt động tại làng đá mới, 168 cơ sở đã xây dựng xưởng trại nhưng có nhiều xưởng chưa hoạt động, 139 cơ sở khác chưa xây dựng xưởng trại”-ông Huy nói.

Người dân làng đá Non Nước sản xuất tại làng đá mới.

Theo dự kiến, việc di dời làng đá Non Nước đã được hoàn thành vào tháng 4 năm nay, nhưng thực tế đến nay vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất vẫn hoạt động ở nơi cũ. Trước thực trạng trên, Q. Ngũ Hành Sơn đã tiến hành họp với các cơ sở sản xuất nhằm tìm hướng giải quyết và hỗ trợ vốn vay. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có công văn hướng dẫn xem xét mức thuế khoán phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh của các cơ sở tại nơi sản xuất mới, miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. “Nhiều tháng nay, quận đã thành lập 5 tổ vận động, trực tiếp đến tìm hiểu khó khăn của các cơ sở sản xuất để hỗ trợ hoặc tư vấn nhằm đảm bảo tiến độ di dời. Đến nay các cơ sở đều cam kết di dời, tuy nhiên có vài trường hợp yêu cầu phải nâng diện tích được thuê thì rất khó. Việc phân lô cho các cơ sở phải thông qua hội đồng xét duyệt, dựa vào thực tế của từng cơ sở sản xuất, chứ không tùy tiện phân lô. Sắp đến các tuyến đường trong làng nghề sẽ được thảm nhựa, còn trạm xử lý nước thải chưa hoạt động vì có quá ít cơ sở hoạt động tại làng nghề mới”-ông Huy nói. Để sớm di dời làng đá Non Nước, Q. Ngũ Hành Sơn đã ra kỳ hạn với các cơ sở sản xuất. Với những cơ sở đã xây dựng xưởng nhưng vẫn hoạt động tại địa điểm cũ thì phải di dời đến cơ sở mới trước ngày 25-10-2015. Với những cơ sở đã được bố trí đất nhưng chưa xây dựng xưởng sản xuất thì đến ngày 31-12-2015 phải chuyển cơ sở đến làng nghề mới.

Hy vọng với cách làm quyết liệt như vậy, làng đá Non Nước sẽ sớm được di dời, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng cần quan tâm giúp đỡ và đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của các cơ sở sản xuất gặp khó khăn. Chủ trương di dời làng đá Non Nước không chỉ để quy hoạch một làng nghề tập trung mà còn để cứu danh thắng Ngũ Hành Sơn khỏi vấn nạn ô nhiễm mấy chục năm qua, vì vậy rất cần sự đồng thuận từ các cơ sở sản xuất.

H. Anh