Tự sự và cảm hứng nhân văn trong truyện ngắn Vũ Ngọc Giao

Thứ ba, 15/07/2025 09:00

Trong những năm gần đây, tác phẩm của Vũ Ngọc Giao liên tiếp được ấn hành, gồm các tập truyện ngắn: "Người đàn bà và chiếc dương cầm" (2023), "Vườn Sơn tra dưới trăng" (2024), "Một vì sao không bao giờ khóc" (2024); cùng 2 tiểu thuyết: "Miền trăng tối" (2023) và "Bến Mù U" (2024). Điều này minh chứng cho một ngòi bút đầy nội lực cùng sức hấp dẫn trong sáng tác của Vũ Ngọc Giao, một cây bút văn xuôi nổi trội của TP Đà Nẵng.

Trong những ngày đầu hè năm 2025, độc giả lại hân hoan đón nhận cặp song sinh truyện ngắn Vũ Ngọc Giao: "Ba hạt muồng trong chiếc bị cói" và "Bản sonata mùa đông của chim gõ kiến" do NXB Dân Trí ấn hành. Mỗi tập gồm 18 câu chuyện được chọn lựa cùng đề tài nhưng không lặp lại về kết cấu, bố cục, cách bố trí cảnh phụ và xây dựng nhân vật.

1. Cảm hứng về thân phận con người là mảnh đất ươm mầm cho nhiều sáng tác của Vũ Ngọc Giao. Đọc tác phẩm của chị từ tập truyện ngắn đầu tay, độc giả đã nhận ra niềm ưu ái được dành cho những số phận phụ nữ chịu nhiều đắng cay; cho dù xã hội ngày một tiến bộ thì đâu đó những số phận nữ giới chịu thiệt thòi vẫn ám ảnh trên từng trang viết. Cầm tập sách mới, tôi lần giở câu chuyện mang tên toàn tập: "Ba hạt muồng trong chiếc bị cói". Cách dẫn chuyện nhẹ nhàng, gần gũi đan xen giữa thực và mơ, kể về bà cụ Túc hiền lành, nhân hậu; một người mẹ, người bà âm thầm hy sinh cả điều ước cho riêng mình để dành cho con, cho cháu. Đằng sau câu chuyện ngỡ như đơn giản ấy, nhà văn đâu chỉ đơn thuần ngợi ca tình mẫu tử cao đẹp mà nhắn nhủ một thông điệp thấm thía: Đôi khi vì quá bận rộn với những ước mơ, chúng ta chỉ lo vun vén cho tổ ấm riêng mình mà lãng quên bổn phận đối với đấng sinh thành. Nỗi đau đàn bà còn xuất hiện xuyên suốt trong nhiều truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao với "Chiều trên sông rực rỡ", "Bến trăng gầy", "Mùa chút chít nở hoa", "Bờ sông trăng lặn", "Giấc mơ phai"…

Vũ Ngọc Giao đã cúi xuống bao kiếp người để thở than cùng ông Nhót (Tiếng sáo của người bán rắn), ông Phệnh (Mái ấm vườn hoang), hay lắng lòng lại với giằng xé của Du (Chuyện xóm Bờ Lỡ)… Có thể nói, đề tài về thân phận trong truyện ngắn Vũ Ngọc Giao có tính phổ quát, hướng đến nỗi đau của mọi số phận trên trần thế; qua đó nhà văn gửi gắm niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ được lan tỏa, nhân rộng đẩy lui dần bóng tối của cái ác, cái xấu.

2. Bên cạnh mảng truyện về nỗi đau thân phận, đề tài về tình yêu vẫn là mảnh đất màu mỡ để nhiều ngòi bút vươn tới, Vũ Ngọc Giao cũng không ngoại lệ. Tập truyện "Bản sonata mùa đông của chim gõ kiến" thu hút độc giả bởi một lối viết lôi cuốn, giàu chất trữ tình; đôi truyện có chút liêu trai, gợi nhiều ám ảnh. Độc giả rung cảm cùng những cung bậc tình yêu mới mẻ, đa dạng với câu chuyện "đinh" của tập sách "Bản sonata mùa đông của chim gõ kiến" cùng các truyện ngắn: "Bức rèm nhung màu đỏ thẫm", "Chiếc đồng hồ quả lắc", "Cây ô liu bên bờ biển", "Chim khổng tước hay hót"… Đến với các chuyện tình trong "Bản sonata mùa đông của chim gõ kiến", ta nhận ra sự nới rộng biên độ tình yêu của nhà văn. Đây không chỉ đơn thuần là những câu chuyện tình yêu nam nữ mà còn có tình yêu của gã thi sĩ với "người yêu"- con vẹt câm (Gã điên và chú chim ngủ mơ); khát vọng sống mãnh liệt (Tiếng hát thiên thần) hay tình yêu nghệ thuật cháy bỏng của người nghệ sĩ tật nguyền kéo đàn violin ở một góc chợ (Thương vay)… Qua đó, Vũ Ngọc Giao gửi đến độc giả bức thông điệp: Tình yêu là món quà kỳ diệu của tạo hóa, dù bạn là ai, nam hay nữ, trẻ hay già, lành lặn hay khiếm khuyết về thân thể thì trái tim yêu vẫn vẹn nguyên, sôi nổi, tươi trẻ và tràn đầy sức sống.

3. Đọc những truyện ngắn của Giao, ta nhận ra một lối viết kín kẽ trong cách bố trí kết cấu, tạo tình huống, giọng kể, cảnh phụ, nhân vật ngôn ngữ… Không thể phủ nhận bước tiến rõ rệt của truyện ngắn Vũ Ngọc Giao ở 2 tập sách mới ra mắt năm 2025 so với các tập trước đó. Truyện của Giao đa dạng về kết cấu: theo dòng thời gian tuyến tính, dòng ý thức nhân vật, đồng hiện, vòng tròn… Kết cấu đơn tuyến được sử dụng khá thường xuyên với ngôi kể thứ nhất tạo sự gần gũi, thân mật. Ngôn từ giàu chất thơ; bên cạnh những con chữ có sức ngân rung kết tinh từ tấm lòng thiết tha với đời, với người, nhà văn luôn có ý thức tạo ra hệ thống từ láy mới mẻ cùng việc vận dụng những câu hò, vè quen thuộc để tạo sắc thái vùng miền; cách sắp xếp khung nền, cảnh phụ mang đậm chất điện ảnh. Hình ảnh nông thôn với bãi, biền, bến sông… cho đến phố thị với hẻm, xóm, ngõ… được miêu tả gắn liền với từng mảnh đời, từng thân phận.

Những thành công của cây bút Vũ Ngọc Giao ở mảng truyện ngắn đã góp phần chứng tỏ "mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân, thiện, mỹ quy luật nhân bản…" (Lã Nguyên).

Nguyễn Thị Thu Thủy