Bao giờ đi hết những mùa lo ?

Thứ sáu, 30/06/2017 13:00

(Cadn.com.vn) - "Tháng sáu mùa thi/con đường học trò anh đưa em đi...". Bất chợt nghe câu hát này trong một ngày cuối tháng sáu nóng nực, khi mùa thi vừa kết thúc, mà thấy thương sao những bậc làm cha, làm mẹ! Bao giờ các đấng sinh thành mới có thể "quẳng gánh lo đi" để vui sống?

Khi con còn trong bụng mẹ thì chỉ cầu mong con sinh ra được lành lặn, khỏe mạnh, ăn nhiều, chóng lớn. Khi con bước vào tuổi đi học lại cầu mong con chăm ngoan, học giỏi. Đến mùa thi chuyển cấp từ tiểu học lên THCS, lại mong, lo con được vào học ở một ngôi trường có môi trường, chất lượng GD-ĐT tốt. Đến khi con thi vào lớp 10 THPT thì nơm nớp, hồi hộp chờ mong kết quả điểm thi với hy vọng con đạt điểm cao để được đỗ vào những trường có uy tín, chất lượng. Nhưng có lẽ, lo lắng nhất vẫn là lúc con thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh vào ĐH, CĐ. 12 năm bỏ công đèn sách dưới sự quan tâm chăm sóc chu đáo, tận tình không bút nào tả siết, họ chỉ mong con được đỗ vào trường ĐH với những chuyên ngành mà cơ hội xin việc làm sau khi tốt nghiệp cao. Cứ như thế, mỗi độ bước vào mùa thi, hầu hết các bậc phụ huynh luôn sống trong tâm trạng đứng ngồi không yên, thấp thỏm, âu lo. Có không ít người vì chuyện học hành, thi cử của con cái mà căng thẳng đến mất ăn, mất ngủ dẫn đến stress...

Trống vừa đánh báo hiệu giờ làm bài thi đã hết, phụ huynh đứng chờ con bên ngoài cổng trường của điểm thi Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) với tâm trạng âu lo (ảnh có tính chất minh họa).
       Ảnh: P.T

Trong những nỗi lo âu đong đầy tình mẫu tử ấy, có không ít sự lo toan mang tính áp đặt đã vô tình đặt lên vai con trẻ gánh nặng, cùng những áp lực về mặt tâm lý khó nói được thành lời. Bởi lẽ, có những sự kỳ vọng của cha mẹ vượt quá khả năng, năng lực học tập của con trẻ. Câu chuyện một thí sinh Đà Nẵng đăng ký đến 20 nguyện vọng và 1 thí sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long đăng ký đến gần 40 nguyện vọng, với quan điểm nếu rớt ngành này thì còn cơ hội được học ngành khác miễn là ĐH, CĐ cũng là điều đáng để suy ngẫm.

Vì không yêu thích nên thực tế là ngày càng có nhiều SV sau khi tốt nghiệp ra trường đã quyết định rẽ lối lập nghiệp với một ngành nghề không liên quan đến những gì đã học. Mới đây, trong một lần lang thang vào Hội An (Quảng Nam), chúng tôi tình cờ quen một chàng trai trẻ phục vụ trong quán cà-phê. Trò chuyện mới biết chàng trai trẻ ấy đã tốt nghiệp ĐH ngành kiến trúc. Sau hơn một năm đi làm đúng với chuyên ngành đã học, cậu quyết định từ bỏ công việc đang làm với mức lương tương đối ổn định để làm phục vụ trong quán cà-phê. Mục đích của cậu là muốn được học nghề pha chế cà-phê và các thức uống khác. Cũng mới đây, khi vào công tác tại Quảng Ngãi, lại nghe chuyện về một kỹ sư xây dựng từ bỏ công việc ở một cơ quan Nhà nước mà không phải ai cũng có thể dễ xin vào làm, để mở quán cà-phê dạy đàn guitar miễn phí.

Chuyện các bạn trẻ sau một thời gian làm việc công sở Nhà nước, Cty với mức lương ổn định, bỗng quyết định về quê làm nông dân, trồng rau sạch trước sự ngạc nhiên của đồng nghiệp, và cũng trước sự thất vọng, hụt hẫng của cha mẹ... Vì không đam mê, yêu thích nên khi bắt tay vào làm việc, những bạn trẻ ấy chợt nhận ra mình đã chọn sai ngành nghề yêu thích, rằng đã đến lúc phải tự làm chủ cuộc đời mình, không thể sống theo ý thích của người khác (dù đó là cha mẹ đi chăng nữa), hay quá phụ thuộc vào công việc mà xã hội đánh giá là ổn định, có triển vọng...

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, trong khi ngồi chờ thí sinh kết thúc giờ làm bài ra về để hỏi các vấn đề liên quan, chúng tôi có dịp tiếp xúc khá nhiều phụ huynh. Có người tâm sự rất buồn khi con cái không chịu nghe theo lời khuyên của cha mẹ, quyết định chọn học những ngành nghề mà theo họ là rất vất vả. Một phụ huynh kể, họ khuyên con gái nên theo học ngành sư phạm, sau này trở thành cô giáo mặc áo dài đứng trên bục giảng, dạy 1 buổi, nghỉ một buổi để có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, mùa hè lại được nghỉ hè. Vậy nhưng con gái vẫn khăng khăng, nhất quyết đăng ký học ngành y, một ngành mà theo chị quá sức vất vả, đầy áp lực... Nhưng trước sự khăng khăng của con khi bảo rằng nếu cha mẹ không đồng ý, cô bé sẽ không đăng ký tuyển sinh ĐH, chị và chồng đành "thua", chiều theo ý con... Lại có chàng trai dù đang theo học năm nhất SV trường y ở Huế, đã lén cha mẹ, bạn bè để vào Đà Nẵng thi lại với danh nghĩa là thí sinh tự do vì muốn được học ĐH Y TPHCM, nơi mà cậu ta cho rằng môi trường cọ xát để trưởng thành tay nghề cũng như cơ hội có việc làm cao hơn...

Khi định hướng ngành nghề cho con cái, phần lớn các bậc phụ huynh đều xuất phát từ một tâm niệm thương con, mong muốn con học một ngành nghề mà sau này dễ xin được việc làm, lại nhàn hạ và lương tương đối đảm bảo cuộc sống. Đấy là mong muốn hết sức chính đáng. Tuy nhiên, nếu không định hướng đúng ngành con yêu thích, không đánh giá đúng năng lực học tập, bắt con trẻ phải học bằng được ĐH vào những chuyên ngành mà cha mẹ ấn định sẵn, không những tốn kém tiền của mà kết quả mang lại không được như mong muốn.

Tuy nhiên, để có thể làm thay đổi suy nghĩ cũng như "cất" đi được những lo toan của các bậc phụ huynh thì xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy trong tuyển dụng lao động, trong cách sử dụng người lao động. Có như thế mới hy vọng giảm bớt phần nào gánh nặng lo toan cho con cái của các đấng sinh thành, để những mùa thi con trẻ đi qua được nhẹ nhàng hơn!

KHÁNH YÊN