Bao giờ "giải cứu" Phật viện Đồng Dương?

Thứ bảy, 24/11/2018 10:43

Còn nhớ, vào năm 2011, chứng kiến sự xuống cấp của khu di tích Phật viện Đồng Dương (làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, H. Thăng Bình, Quảng Nam),  chính quyền, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cũng như các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học đã nhiều lần ngồi lại bàn phương án "giải cứu" khu di tích này. Thế nhưng, từ đó đến nay, dù đã có các giải pháp, phương án can thiệp nhưng Phật viện Đồng Dương vẫn chỉ là một đống phế tích.

Trong lúc chờ phương án "giải cứu", Phật viện Đồng Dương chỉ còn khu tháp Sáng nhưng ngày càng hoang tàn, rệu rã và có nguy cơ đổ sập. 

Theo tài liệu cổ, năm 875 dưới triều vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều Laskmindra Lôkesvara Svabhyada sau này là Phật viện Đồng Dương. Đến nay, Phật viện đã tồn tại hơn ngàn năm, trải qua bao thăng trầm lịch sử với nhiều cuộc chiến tranh tương tàn. Đây được coi là trung tâm Phật giáo của Vương quốc Chămpa. Qua các tài liệu nghiên cứu khoa học và di chỉ khảo cổ cho thấy, Đồng Dương là khu di tích tiêu biểu bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa và cả khu vực Đông Nam Á, với những tu viện và đền thờ Bồ Tát bảo hộ cho vương triều, nằm kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330 m theo hướng từ Tây sang Đông. Trong đó, khu đền thờ chính nằm trong vành đai hình chữ nhật, dài khoảng 300 m, rộng 240 m.

Theo công bố năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot, đã phát hiện 229 hiện vật, đặc biệt có pho tượng Phật bằng đồng cao hơn 1m (108cm), mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ, được đánh giá vào loại đẹp nhất ở Đông Nam Á. Năm 1902, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo đại thừa kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với đó là sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa từ giữa đến cuối thế kỷ thứ IX. Phật viện Đồng Dương có kiến trúc gồm nhiều nhóm tháp nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên chỉ duy nhất còn lại một nhóm tháp Sáng. Với giá trị văn hóa - lịch sử, ngày 21-9-2000, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) ra Quyết định số 16 xếp hạng Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia. Đến tháng 12-2016, Phật viện Đồng Dương được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Trên thực tế, cảnh xuống cấp của khu di tích này đã xuất hiện từ trước khi được công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia. Điều này được bà Nguyễn Thị Thu, Phó trưởng Phòng VH-TT H. Thăng Bình xác nhận. Theo bà Thu, nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nghiêm trọng là tuổi đời của khu di tích quá lâu. Bên cạnh là sự tàn phá của chiến tranh, thiên nhiên nên Phật viện Đồng Dương không còn giữ được hình hài nguyên vẹn là điều tất nhiên. Khi được công nhận di tích, Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại một đền tháp Sáng. Chính vì thế, để bảo tồn, tôn tạo và phục dựng khu di tích, tỉnh Quảng Nam đã quyết tâm lên phương án "giải cứu". Thời điểm tỉnh mời các chuyên gia có kinh nghiệm hàng đầu về khảo cổ, nghiên cứu văn hóa để lấy ý kiến là vào năm 2011. Các chuyên gia đánh giá, khu di tích Phật viện Đồng Dương vẫn còn những giá trị văn hóa tiềm ẩn chưa được khai quật, đặc biệt là trong lòng đất dưới khu di tích. Trước sự xuống cấp nghiêm trọng thì việc ngăn chặn, phục dựng là rất khó nhưng phải làm.

Đến năm 2012, tỉnh Quảng Nam đầu tư 3 tỷ đồng khai quật một số khu vực tại Phật viện Đồng Dương cũng như chống đỡ khẩn cấp cổng tháp Sáng bằng hệ thống sắt thép chằng chịt. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp "chống cháy" tạm thời. Thế rồi, từ đó đến nay vẫn chưa có phương án nào phục dựng hiệu quả. Vì thế, công trình kiến trúc lịch sử có giá trị lâu đời cứ chực đổ sập, hoang phế, rệu rã dần theo thời gian. Theo ghi nhận, hiện nay các hạng mục tháp Sáng được chằng chống cũng bắt đầu xuất hiện các vết nứt, kè chống đỡ khẩn cấp tháp cũng đang cần phải... chống đỡ. Không những thế, những hoa văn, điêu khắc thời văn hóa Chămpa cũng bị rêu bụi phủ mờ, cộng với đó là những hình vẽ bậy gây phản cảm trên cụm di tích; chung quanh khu di tích cỏ cây mọc um tùm, nhếch nhác... Câu nói của một vị lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cũng đủ phản ánh đúng tính chất, thực trạng của Phật viện Đồng Dương bây giờ là đã "hết cấp để xuống cấp".

Theo người dân địa phương, chính việc khu di tích bị vùi lấp bởi thời gian và từ di tích trở thành... phế tích khiến họ thật sự buồn. Là bởi, trước đây, nhiều đoàn nghiên cứu đã đến khảo sát nhằm có hướng tôn tạo, làm "sống" lại giá trị di tích. Điều đó khiến người dân vui mừng, thầm nghĩ về một tương lai tươi sáng khi chính khu di tích vốn gần gũi với cuộc sống thường nhật, họ nhìn thấy mỗi ngày này sẽ trở thành điểm du lịch lý thú, hấp dẫn. Từ đó sẽ kéo theo đông đảo khách du lịch về đây, người dân có thể tìm thêm thu nhập từ việc kinh doanh các dịch vụ du lịch. Thế rồi, chờ mãi, Phật viện Đồng Dương thì ngày càng hoang tàn mà điểm du lịch hấp dẫn cứ mãi xa tầm tay.

Trả lời vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Bình Đình Bắc cho rằng, cũng đồng cảm với người dân vì sự xuống cấp ngày một nghiêm trọng của Phật viện Đồng Dương nhưng trên thực tế chính quyền xã cũng chỉ quản lý về mặt hiện trạng, đồng thời tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ di tích còn về các phương án xa hơn thì phải nhờ các cơ quan chức năng. Trong khi đó, theo ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, tại Phật viện Đồng Dương đã có một đơn vị hỗ trợ tỉnh lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác lập vùng đệm, vùng lõi cũng như khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt. Sau khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, Sở VH-TT&DL đã xin chủ trương và được UBND tỉnh đồng ý cho phép mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn có chuyên môn, hiểu biết về bảo tồn di tích tham gia lập quy hoạch tổng thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị tư vấn thiết kế nào nhận lời tham gia, điều đó cũng là nguyên nhân chính khiến công tác bảo tồn, tôn tạo khu di tích bị "đứng bánh". Cũng theo các ngành chức năng liên quan, chỉ khi có quy hoạch tổng thể thì mới có thể quy hoạch chi tiết, cụ thể và tiến hành thiết kế, phục chế. Hiện tại, mọi việc vẫn phải tiếp tục... chờ.

THÀNH DANH