Bao giờ hết cảnh nhiều điểm trường lẻ?
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, nhưng năm học mới 2017-2018, ngành GD-ĐT Đà Nẵng vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, đáng trăn trở nhất là sau 21 năm trở thành TP trực thuộc T.Ư, Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều điểm trường lẻ gây khó khăn, vất vả trong công tác quản lý, tổ chức chăm sóc, dạy học.
Trường mầm non Rạng Đông (cơ sở chính) sau giờ tan học buổi chiều ngày 1-9. |
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai?
Đứng đầu danh sách các quận, huyện có nhiều điểm trường lẻ là Hòa Vang. Không tính bậc THPT, toàn huyện hiện có 49 trường học từ bậc mầm non (MN) đến trung học cơ sở (THCS), gồm: 19 trường MN (trong đó có 4 trường MN tư thục), 19 trường tiểu học (TH) và 11 trường THCS. Trong đó, tổng số điểm trường lẻ ở bậc MN công lập là 64 điểm, ở bậc TH là 50 điểm trường. Điển hình nhất là trường MN Hòa Khương có đến 7 điểm trường gồm 1 điểm chính và 6 điểm lẻ.
Dù có nhiều điểm trường nhưng cơ cấu đội ngũ từ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) đến nhân viên và kinh phí thì vẫn như các trường học không có nhiều điểm lẻ khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành của ban giám hiệu nhà trường (BGH), đồng thời còn tạo sự mất công bằng, thiệt thòi trong hưởng thụ giáo dục đối với những HS đang theo học tại các điểm trường lẻ.
Theo quy định, đối với bậc MN nếu có từ 9 nhóm lớp trở lên được xếp trường hạng I với BGH gồm 3 người, dưới 9 nhóm lớp thì xếp trường hạng II với BGH chỉ có 2 người. Đối với trường phổ thông, trường nào có từ 28 lớp trở lên được xếp trường hạng 1, dưới 28 lớp là trường hạng 2. “Số lượng BGH như nhau, nhưng nếu trường nào có đến 4-5 điểm lẻ, lãnh đạo rất cực và vất vả bởi phải thường xuyên phân công nhau về các điểm trường lẻ để nắm tình hình, chỉ đạo, điều hành công việc. Công tác bảo vệ cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, hầu hết những điểm trường lẻ phải nhờ Ban quản lý thôn bảo vệ cơ sở vật chất. Một khó khăn nữa trong công tác dạy tin học ở bậc TH, do các điểm trường lẻ không có phòng máy nên HS ở đây chủ yếu học lý thuyết, không được học thực hành... Trường có nhiều điểm trường cũng gây khó khăn trong quá trình xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia”, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang- Trưởng Phòng GD-ĐT H.Hòa Vang trăn trở. Cũng theo bà Trang, ngành GD-ĐT huyện đang đề nghị tách trường MN Hòa Khương vì trường này có đến 7 điểm trường.
Về thực tế tại Trường TH Hòa Bắc mới thấu hiểu hết sự trăn trở của Trưởng Phòng GD-ĐT H.Hòa Vang. Là xã miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, trường TH Hòa Bắc ngoài cơ sở chính đặt tại trung tâm xã ở thôn Phò Nam, 4 điểm trường lẻ còn lại nằm ở các thôn Nam Yên, Nam Mỹ, Tà Lang, Giàn Bí. Trong đó, Tà Lang và Giàn Bí cách xa trung tâm xã, địa hình đi lại khó khăn nhất, đặc biệt vào mùa mưa. Mỗi lần tổ chức hoạt động sinh hoạt chung, nhà trường phải lo từ khâu đưa đón đến khâu ăn, nghỉ lại trưa cho HS và GV. Ngay như mỗi lần tổ chức các ngày lễ hay chào đón năm học mới, chỉ riêng kinh phí phục vụ trang trí, làm khẩu hiệu cũng phải chia ra là cả 5 điểm. Trong khi đó, kinh phí thì cũng giống như các trường học có ít điểm trường khác. Đấy là chưa kể đến nỗi vất vả trong việc vận chuyển thức ăn từ bếp ăn từ điểm chính và điểm trường lẻ Nam Mỹ.
Một trong những khó khăn của những trường miền núi có nhiều điểm lẻ phải kể đến nữa là từ năm 2014, tiền thu hút GV miền núi bị cắt. Điều này càng ảnh hưởng đến tâm lý gắn bó của những GV không phải người địa phương. Thầy Nguyễn Thọ - Hiệu trưởng Trường TH Hòa Bắc - cho biết, chỉ riêng trong năm học vừa rồi đã có 11 người xin đi và luân chuyển công tác. Hầu hết họ đều đã có nhiều năm kinh nghiệm hoặc cứng cáp trong nghề. Chính sự biến động về đội ngũ này đã ảnh hưởng đến công tác cơ cấu, bố trí công việc, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nguồn.
Không riêng gì Hòa Bắc, ngay như Q. Sơn Trà hay Q. Liên Chiểu hiện vẫn còn trường có từ 3-6 điểm trường. Đơn cử, trường MN Rạng Đông (Q.Sơn Trà) có đến 6 điểm trường với hơn 600 trẻ đang được chăm sóc, giáo dục tại đây. BGH nhà trường gồm 3 người hằng ngày phải “chạy sô” về các điểm trường lẻ để kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo đôn đốc công việc. Qua trao đổi với bà Nguyễn Thị Thảo- Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà, được biết ngành GD-ĐT Sơn Trà đang xin tách trường MN Rạng Đông. Ngoài Rạng Đông, trên địa bàn quận còn có 2 trường MN có 3 điểm trường đó là MN Hoàng Anh và MN Hoàng Yến. Tương tự, trường MN Măng Non (Q.Liên Chiểu) có đến 6 điểm trường, trường MN Hướng Dương có 3 điểm trường nằm cách xa nhau gây không ít khó khăn, vất vả trong việc vận chuyển thức ăn bán trú và điều hành, chỉ đạo, quản lý công việc. Cũng tại địa bàn Liên Chiểu, còn có trường MN 1-6 và MN Tuổi Ngọc có 3 điểm trường. Trong đó, 2 điểm trường lẻ của trường MN 1-6 đến nay vẫn phải chờ cơm từ điểm trường chính mang đến. Còn trường MN Tuổi Ngọc thực hiện việc nấu ăn tại bếp ăn ở điểm trường lẻ được hai năm nay, nhưng theo hình thức sơ chế thức ăn ở điểm trường chính rồi vận chuyển ra điểm trường lẻ để nấu... Ngay như trung tâm Q.Hải Châu, vẫn còn 3 trường MN công lập có từ 2 đến 3 điểm trường.
Cần ưu tiên đầu tư giáo dục mầm non và tiểu học
Đầu tư cơ sở vật chất trường học là câu chuyện luôn được đề cập trong nhiều diễn đàn liên quan đến giáo dục. Đặc biệt, đối với 2 bậc học MN và TH, việc đầu tư cơ sở vật chất cần hướng đến việc đảm bảo cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Với những trường có quá nhiều điểm trường như Hòa Vang hay một số trường MN ở Sơn Trà, Liên Chiểu, TP cũng như địa phương cần có sự quan tâm, tạo điều kiện cho tách trường. Có như thế, mới tạo sự công bằng trong công tác quản lý, điều hành cũng như trong đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, dạy học cho trẻ và HS. Đồng thời tạo sự công bằng, đồng đều cho HS trong hưởng thụ giáo dục.
Vì thế, trong quá trình quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn TP, thiết nghĩ, các cấp ngành cần hướng đến quy hoạch đồng bộ, bài bản, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn quốc gia phù hợp với địa bàn của từng khu vực địa phương, không nên để tồn tại một trường có đến 5-6 trường điểm lẻ như hiện nay.
PHAN THỦY