Bảo hiểm y tế chi trả cho lĩnh vực y học cổ truyền vẫn còn thấp

Thứ ba, 29/10/2024 09:00

Theo các chuyên gia, Việt Nam có thế mạnh về y học cổ truyền. Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân sử dụng các dịch vụ y học cổ truyền tăng lên. Tuy nhiên con số bảo hiểm y tế chi trả cho lĩnh vực này vẫn còn rất thấp.

Điều trị bệnh cho người dân bằng y học cổ truyền.
Điều trị bệnh cho người dân bằng y học cổ truyền.

Chi trả quá thấp

Thời gian gần đây, lĩnh vực khám, chữa bệnh y học cổ truyền được mở rộng. Hiện cả nước có 66 bệnh viện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Có tới 88% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng thành lập khoa Y học cổ truyền, tổ Y học cổ truyền. Tính đến hết năm 2019, cả nước đã có 83,2% trạm y tế có tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 18.000 phòng khám, phòng chẩn trị do các bác sĩ, y sĩ, lương y được cấp phép hoạt động.

Tuy lĩnh vực y học cổ truyền đã phủ khắp nhưng hiện chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT) cho lĩnh vực này vẫn còn rất thấp.

Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: Hiện tỷ trọng thuốc đông y được BHYT thanh toán mới chỉ chiếm 4,5% trong tổng số chi trả của BHYT, giảm 3% so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Chưa kể, trong giai đoạn từ năm 2015 tới nay, danh mục thuốc y học cổ truyền được BHYT thanh toán chưa được cập nhật.

Theo Hội Đông y Việt Nam, các hoạt động khám, chữa bệnh do hội viên Hội Đông y thực hiện chưa được BHYT thanh toán.

Bà Bùi Thị Phương Hoa - Trưởng Phòng khám Chuyên khoa y học cổ truyền Trường Xuân (trực thuộc Hội Đông y TP Hà Nội) cho biết: Mỗi năm các cơ sở y học cổ truyền trên phạm vi toàn thành phố đã khám và điều trị cho trên 3 triệu lượt bệnh nhân. Nhu cầu khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền của người dân đang có xu hướng ngày càng tăng nhưng bệnh nhân có thẻ BHYT lại không được hưởng quyền lợi BHYT. Tại phòng khám có nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không được chi trả, chúng tôi còn phải hỗ trợ chi phí cho quá trình điều trị”.

Theo đó, tại các phòng khám, phòng chẩn trị y học cổ truyền được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cũng chưa được BHYT thanh toán, làm hạn chế quyền lợi của người tham gia BHYT khiến người bệnh có tâm lý rút ngắn liệu trình điều trị hoặc không quay lại điều trị lần sau.

Tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh

Việc sớm tháo gỡ những vướng mắc cho y học cổ truyền không những đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT, mà còn khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Bà Bùi Thị Phương Hoa cũng kiến nghị: Quốc hội cần xem xét bổ sung thêm một chương, hoặc một điều trong Luật BHYT quy định về vấn đề chi trả cho lĩnh vực y dược cổ truyền tại các cơ sở phòng khám, phòng chẩn trị y học cổ truyền. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể để người bệnh có thẻ BHYT được thụ hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Cũng về vấn đề này, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH Đồng Tháp, thời gian qua, khi đi tiếp xúc cử tri, các đại biểu cũng đã nghe người dân phản ánh về vấn đề thanh toán BHYT đối với việc thăm khám và điều trị bằng y học cổ truyền còn hạn chế; một số cơ sở được cấp phép hoạt động như phòng khám y học cổ truyền gần như không được chi trả.

“Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người dân không mặn mà đối với BHYT. Người dân đã mua BHYT thì không thể nào chỉ được thanh toán cho tây dược mà lại không thể nào thanh toán cho đông dược”- đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu cũng kiến nghị, Bộ Y tế cũng như các ngành liên quan cần có sự điều chỉnh về vấn đề này để người dân tích cực tham gia đóng BHYT, trong đó có việc thăm khám và điều trị bệnh về đông y.

Theo các chuyên gia, không phải tất cả phòng khám đông y nào cũng đều có thể khám chữa bệnh bằng BHYT mà nên có bảng tiêu chí là những phòng khám nào đạt được tiêu chuẩn và phải tham gia ký kết với cơ quan BHYT về việc khám chữa bệnh. Chúng ta cần siết chặt quản lý để việc cấp phép cho những phòng khám điều trị bằng y học cổ truyền đúng tiêu chuẩn.

Cũng như các bệnh viện được phân thành các tuyến thì phòng khám YHCT cũng cần phải phân loại như thế.

Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi chữa bệnh bằng y học cổ truyền, Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đang phối hợp xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 05 (năm 2015), trong đó tăng thêm danh mục các thuốc đông y được BHYT chi trả. Theo đó, thuốc cổ truyền được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc BHYT phải đạt các tiêu chí như được cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực hoặc giấy phép nhập khẩu hoặc số đăng ký lưu hành hết hiệu lực.

Với các thuốc có xuất xứ từ bài thuốc cổ phương theo Thông tư 31/2021, bài thuốc gia truyền đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; bài thuốc cổ phương gia giảm hoặc bài thuốc nghiệm phương có hiệu quả điều trị rõ ràng và an toàn theo đúng quy định.

Với các dược liệu, vị thuốc cổ truyền được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc BHYT phải có các tiêu chí đánh giá hiệu quả điều trị và an toàn.

Tạ Nguyên

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chúc mừng các cơ sở Y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam

Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/1955 – 27/2/2024, ngày 25-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã đến thăm, chúc mừng các cơ sở Y tế trên địa bàn TP, gồm: Bệnh viện gia đình, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Y học Cổ truyền.

Hội Đông y Đà Nẵng - Kế thừa, phát huy và phát triển nền Y học cổ truyền

Ngày 20-12, Hội Đông y TP Đà Nẵng tổ chức Đại hội đại biểu Hội Đông y TP lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027. Tham dự Đại hội có ông Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam; bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đại diện 22 Hội Đông y các tỉnh, thành phố về dự Đại hội.

20 năm chữa bệnh cho người nghèo