Bão hụi qua làng

Thứ hai, 19/10/2015 11:53

(Cadn.com.vn) - Nắm được tâm lý hám lợi của nhiều người, dưới vỏ bọc là thương gia, doanh nhân giàu có, trí thức thành đạt... các “chủ hụi” tung ra hàng loạt chiêu để gom tiền rồi sau đó tuyên bố vỡ nợ. Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, phi pháp này là nhiều người vướng vòng lao lý, khuynh gia bại sản kéo theo sau là cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình điêu đứng.

Người dân Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu điêu đứng khi nghe tin Hồ Thị Hoa tuyên bố vỡ “hụi”.

“Mật ngọt chết... người”

Vốn là nông dân bình thường quanh năm bám mấy sào ruộng, nhưng để trở thành chủ hụi, Nguyễn Thị Loan (1975, trú xóm 8, xã Tân Sơn, H. Đô Lương, Nghệ An) đã mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình và hai bên nội ngoại thế chấp ngân hàng lấy tiền đầu tư xây dựng nhà cửa để phô trương “thanh thế”. Khi đã có cơ ngơi khang trang, Loan bắt đầu rêu rao rằng có được sự giàu có ấy là nhờ làm ăn, nhờ xoay vòng vốn từ “hụi”. Để huy động vốn, Loan chấp nhận trả lãi suất cao hơn ngân hàng 4,5 - 6 lần và những lần đầu đều trả lãi đúng hạn. Vì hám lợi và tin vào sự giàu có của Loan, không lâu sau đó, hàng chục người lần lượt sập bẫy. Tổng số tiền Loan huy động được lên đến gần 24 tỷ đồng, thế nhưng những người cho Loan vay tiền không có bất kỳ một giấy tờ thế chấp hay giấy nợ hợp pháp nào, họ chỉ nhận tờ giấy ghi số tiền và chữ ký của Loan (không nhân chứng hoặc không được chính quyền chứng thực). Điển hình như trường hợp của chị N.T.T.H (cán bộ ngân hàng Phủ Diễn, H. Diễn Châu) đã huy động tiền của một số cá nhân khác rồi đem cho Loan vay nhiều lần tổng cộng 6,67 tỷ đồng; chị N.T.Q. (cán bộ UBND xã Tân Sơn, H. Đô Lương) đã tin tưởng cho Loan vay 1 tỷ đồng, chị T.T. L. (1973, trú cùng xóm) cho Loan vay hơn 20 lần tổng cộng 6,6 tỷ đồng mà không hề viết giấy vay nợ... Cuối năm 2014, Loan tuyên bố vỡ nợ gần 24 tỷ đồng. Cả H. Đô Lương rúng động vì liên quan.

Nguyễn Thị Loan tuyên bố vỡ nợ với số tiền 24 tỷ đồng.

Sự việc Loan vỡ nợ chưa kịp lắng xuống thì đầu năm 2015, H. Đô Lương lại tiếp tục trở thành trung tâm sự chú ý của toàn tỉnh Nghệ An khi gần 70 hộ dân thuộc 3 xã Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn lần lượt đến cơ quan chức năng tố cáo chủ hụi Ngô Thị Trang (1972, trú xã Giang Sơn Đông, H. Đô Lương) chiếm đoạt hơn 8,3 tỷ đồng.

"Cán bộ phụ nữ xã" Ngô Thị Trang cũng tung chiêu gom hụi.

Từng một thời làm kinh tế giỏi, lại là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, nhưng sau thời gian tham gia phường hụi, công việc làm ăn thua lỗ, lợi dụng lòng tin của người dân, lấy lý do mở rộng kinh doanh buôn bán và đảo khế ngân hàng, Trang bắt đầu huy động vốn với lãi suất cao. Tin tưởng vào cơ ngơi bề thế và cái mác “gương làm kinh tế giỏi” của Trang, gần 70 hộ dân trong vùng đã đem cả gia sản cho Trang vay mà không có bất kỳ một giấy tờ pháp lý nào.

Cùng thời điểm này, hàng chục tiểu thương ở khu vực chợ Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa lâm cảnh lao đao vì Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận - Nguyễn Thanh Phượng vay mượn hơn 8 tỷ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ. Với vỏ bọc là Phó Chủ tịch UBND xã, nhà lầu, xe hơi, con cái thành đạt, vợ là chủ cửa hàng ăn uống lớn ở Nghĩa Thuận, nên khi ông Phượng huy động vốn thì ai nấy đều tin tưởng, đưa hết số tiền tích góp cả đời cho vay. Mọi người hốt hoảng khi hay tin ông Phó Chủ tịch không còn khả năng thanh toán.

Làng quê điêu tàn

Trở lại H. Đô Lương, nơi xảy ra liên tiếp 2 vụ vỡ hụi với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng, dù vụ việc đã xảy ra nhiều tháng nhưng đi đâu, khắp các thôn xóm mọi người vẫn bàn tán xung quanh vụ vỡ nợ của Nguyễn Thị Loan và Ngô Thị Trang. Trong căn nhà nhỏ, chị N.T.T.H. (cán bộ ngân hàng Phủ Diễn, H. Diễn Châu) tâm sự: “Thấy Loan gom tiền với lãi suất cao nên tôi lấy toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình, đồng thời huy động tiền của một số cá nhân khác rồi đem cho Loan vay nhiều lần tổng cộng 6,67 tỷ đồng. Giờ Loan tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán, gia đình tôi như gục ngã. Nợ của gia đình mình đã đành “nhắm mắt buông tay” coi như thôi, nhưng không biết làm sao để trả nợ cho người ta nữa, bởi số tiền giờ là quá lớn”.

Chị Thái Thị Mai (1964) là một nạn nhân trong vụ vỡ nợ của Ngô Thị Trang, chia sẻ: “Vợ chồng tôi cho Trang vay 3 lần với số tiền 196 triệu đồng. Sau khi Trang tuyên bố vỡ nợ cũng là lúc gia đình tôi lâm vào cảnh khốn cùng, bỗng phút chốc số tiền dành dụm mấy chục năm trời không cánh mà bay”.

Tại xã Quỳnh Thạch, H. Quỳnh Lưu, không khí u ám vẫn còn bao trùm sau vụ vỡ nợ của bà Hồ Thị Hoa (1966). Hàng trăm hộ dân cho bà Hoa vay, người ít thì 10-20 triệu đồng, người nhiều lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều hộ còn đi mượn vàng, thế chấp sổ đỏ để lấy tiền cho Hoa vay. Đặc biệt nhất phải kể đến trường hợp anh Nguyễn Bá Cường (1979, trú xóm 12, xã Quỳnh Thạch) - người bị tàn tật bẩm sinh do chất độc da cam, sống với mẹ già ngoài 70 tuổi. Anh Cường nghẹn ngào cho biết: “Năm 2014, tôi được các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 30 triệu đồng. Định bụng sẽ gửi tiết kiệm để phòng những lúc đau ốm, nguy cấp mới dùng đến, nào ngờ bị thuyết phục vì những lời nói của bà Hoa, tôi đã đưa cho vay tất cả rồi nhận tờ giấy nợ bà ấy viết. Bản thân tàn tật, tiền thì đã mất, gia đình kiệt quệ không biết lấy đâu ra để trang trải trong lúc ốm đau…”.

Trong vụ Lê Thị Sâm ôm 2,2 tỷ đồng tiền “phường” của hàng chục tiểu thương ở chợ Quán Hành bỏ trốn cũng đang làm làng quê này điêu đứng. Chị M. (một tiểu thương ở chợ Quán Hành) ứa nước mắt: “Chị tiết kiệm mãi mới đóng được 45 triệu đồng, nhưng để đóng đủ 60 triệu đồng chị phải vay nóng 15 triệu đồng ở hiệu cầm đồ với lãi suất 3 nghìn đồng/triệu/ngày để đóng “phường” cho Sâm. Giờ chưa tính số tiền đã nộp cho Sâm mà riêng tiền lãi mỗi ngày chị phải trả cho hiệu cầm đồ là 45 nghìn đồng. Mất tiền nhưng không dám cho chồng biết vì sợ gia đình lục đục. Một mình với cái bếp bánh mướt ở chợ quê thế này thì không biết đến bao giờ chị mới “trả” được số tiền đó cho... chồng".

Số tiền vài chục, vài trăm triệu đồng của những người dân nghèo, những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, những người nông dân… là rất lớn, là cả gia tài. Nhưng giờ đây những đồng tiền tích cóp cả đời đó đang trước nguy cơ mất trắng. Những rủi ro mà “tín dụng đen” gây ra đang gióng lên hồi chuông báo động. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức xã hội... nên sâu sát và có trách nhiệm hơn trước những biểu hiện bất thường xảy ra trong đời sống nhân dân. Bởi, nếu chủ động ngăn chặn kịp thời thì người dân có thể tránh được những thiệt hại không đáng có. Còn với người dân, hãy cảnh giác, đừng mờ mắt trước “bánh vẽ” lãi suất mà “giao trứng cho ác”.

Dương Hóa